Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu những thách thức và đề xuất giải pháp trong tổ chức dạy học các môn tích hợp ở THCS và THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”
Sáng ngày 07/01/2025, tại phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu những thách thức và đề xuất giải pháp trong tổ chức dạy học các môn tích hợp ở THCS và THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, mã số B2023-VKG-23, do ThS. Nguyễn Thị Thanh là chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu đề tài
Hội đồng nghiệm thu gồm bảy thành viên là các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục, các nhà sư phạm trong lĩnh vực Giáo dục phổ thông do GS.TS. Lê Anh Vinh làm Chủ tịch.
Mục tiêu của đề tài: Đánh giá được thực trạng dạy học các môn học tích hợp ở cấp THCS, THPT theo chương trình GDPT 2018, từ đó đề xuất một số giải pháp trong tổ chức dạy học một số môn học tích hợp ở cấp THCS, THPT nhằm góp phần triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kết quả nghiên cứu của đề tài:
- Nghiên cứu lí luận, cơ sở pháp lí về dạy học môn tích hợp: quan điểm về môn học và môn tích hợp, dạy học tích hợp và dạy học môn tích hợp, tổ chức dạy học môn tích hợp và các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức dạy học môn tích hợp.
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tổ chức dạy học môn tích hợp, những thách thức và giải pháp trong tổ chức dạy học môn tích hợp của một số quốc gia trên thế giới.
- Khảo sát thực trạng dạy học các môn học tích hợp ở cấp THCS, THPT theo chương trình GDPT 2018.
- Đề xuất được một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức dạy học một số môn học tích hợp ở cấp THCS, THPT nhằm góp phần triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Qua nghiên cứu, có thể rút ra kết luận việc triển khai dạy học môn tích hợp ở cấp THCS, THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở những năm đầu còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Chủ yếu tập trung vào vấn đề Giáo viên: Phần lớn giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về dạy học tích hợp, đặc biệt là các môn như Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị, trong đó có khuyến nghị giáo viên chủ động tự đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức và phương pháp dạy học tích hợp để nâng cao năng lực giảng dạy thông qua các tài liệu, khóa học và kinh nghiệm thực tiễn. Bộ tài liệu tập huấn và tài liệu tham khảo do nhóm nghiên cứu đề xuất sẽ là những tài liệu chuyên biệt hữu ích, trợ giúp giáo viên kết nối từ chương trình đến các hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá một cách chủ động, đúng mục tiêu.