Tập huấn Truyền thông thúc đẩy xóa bỏ định kiến giới và cộng đồng LGBTIQ+ tỉnh An Giang
Trong hai ngày 14 - 15/10/2024, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Viện KHGDVN) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã tổ chức hoạt động tập huấn truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ các định kiến liên quan đến cộng đồng LGBTIQ+.
Tham dự tập huấn, về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có ông Đỗ Đức Lân, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế; Phó trưởng Ban điều hành các dự án UNICEF của Viện và các giảng viên đến từ Viện. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tình An Giang, ông Trần Tuấn Khanh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Võ Thành An – Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Khanh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang chia sẻ về tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của cộng đồng để thúc đẩy việc xóa bỏ định kiến về giới tại tỉnh. Nội dung này mặc dù đã được triển khai nhiều hoạt động tập huấn dành cho giáo viên và học sinh nhưng còn chưa được thực hiện toàn diện trên các trường học trong địa bàn tỉnh. Trong số 11 huyện thị, hiện nay chỉ có hai huyện Long Xuyên và Châu Thành được lựa chọn là hai đơn vị đầu tiên được tiếp cận với nội dung tập huấn về giới, giới tính và cộng đồng LGBTIQ+. Do vậy, với mong muốn được triển khai rộng rãi, ông đề nghị các trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, hiệu trưởng và cán bộ chủ chốt/giáo viên sau buổi tập huấn có thể tiến tới triển khai tổ chức các buổi hội thảo tập huấn chia sẻ trong và ngoài huyện. Hoạt động này được xem là hoạt động có ý nghĩa thiết thực và quan trọng không chỉ trong trường học của mình mà còn tiến tới nhân rộng ở các trường trong địa bàn tỉnh.
Ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ về ý nghĩa của buổi tập huấn truyền thông thúc đẩy xóa bỏ định kiến giới và cộng đồng LGBTIQ+ tại tỉnh An Giang
Về phía Viện KHGDVN, ông Đỗ Đức Lân bày tỏ sự cảm kích tới Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã phối hợp và tạo điều kiện trong các hoạt động của Viện thuộc khuôn khổ dự án thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ các định kiến liên quan đến cộng đồng LGBTIQ+. Ông cũng giới thiệu thêm về các hoạt động phối hợp với UNICEF Việt Nam trong thời gian vừa qua triển khai rất nhiều chương trình liên quan vấn đề về Giới, xóa bỏ định kiến Giới, ... đặc biệt trong những năm gần đây thúc đẩy các cuộc thi như Giáo dục Giới tính năm 2022, cuộc thi STEAM cho nữ sinh với mong muốn thu hút sự tham gia nữ giới yêu thích khoa học, mong muốn khám phá tìm hiểu khoa học, những môn học mà các con nghĩ rằng chỉ dành cho nam giới. Bên cạnh đó, vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo giới vẫn còn tồn tại và được tiếp cận một cách hết sức thận trọng. Tuy nhiên, gần đây xã hội đã có sự cởi mở hơn, hướng tới việc được nhìn nhận một cách khách quan và dần được xã hội chấp nhận nhiều hơn. Vấn đề về Giới vẫn là một vấn đề tuy không còn là nhạy cảm nhưng cần tiếp cận tổng thể, đầy đủ để cung cấp những góc nhìn khách quan, phòng tránh các hiện tượng cực đoan và bạo lực học đường trên cơ sở giới. Và trên hết, quan trọng nhất vẫn là sự tương tác cởi mở, chân thành, biết cách bày tỏ tình yêu thương, đồng cảm, chia sẻ của mỗi thầy cô (vừa là vai trò giáo viên, vừa là vai trò phụ huynh), của các em học sinh với nhau, với gia đình, xã hội.
Ông Đỗ Đức Lân chia sẻ về kế hoạch triển khai hoạt động và ý nghĩa hoạt động tập huấn trong các trường phổ thông
Hoạt động tập huấn ngày 14/10/2024 quy tụ hơn 50 cán bộ quản lý và giáo viên ở các trường phổ thông tại tỉnh An Giang. Mục tiêu của buổi tập huấn cho các cán bộ, giáo viên là nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc xóa bỏ định kiến về vấn đề bình đẳng giới và quyền lợi của cộng đồng LGBTIQ+. Bên cạnh đó, trong buổi tập huấn, cán bộ quản lý và các giáo viên được cung cấp các công cụ truyền thông hiệu quả nhằm lan tỏa thông điệp tích cực về sự đa dạng và hòa nhập. Mặc dù vấn đề định kiến về giới và công đồng đồng LGBTIQ+ không phải là vấn đề mới nhưng trong những năm gần đây ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng, nhà trường và xã hội. Nhận thức đã dần dần thay đổi tuy nhiên còn chưa có sự tiếp cận một cách tổng thể khoa học ở các địa phương. Tỉnh An Giang rất quan tâm vấn đề này và kì vọng lớp tập huấn của Viện KHGDVN cung cấp tài liệu và hướng dẫn các cách thức truyền thông thúc đẩy truyền thông, giáo dục và thay đổi thái độ của bản thân và những người xung quanh.
Cán bộ quản lý và giáo viên các trường THCS tại tỉnh An Giang chia thành các nhóm thảo luận xung quanh vấn đề tập huấn
Các chuyên gia từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu các phương pháp truyền thông hiện đại, kết hợp với các hoạt động thảo luận nhóm và thực hành tình huống thực tế. Giáo viên chia sẻ đã được tập huấn và tham gia các hoạt động liên quan tới vấn đề giới, giới tính, bạo lực học đường trên cơ sở giới của UNICEF và UNWOMEN tổ chức trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục về giới, giới tính còn chưa được lồng ghép và tích hợp trong các môn học phổ thông. Các hoạt động truyền thông còn chưa được thực hiện một cách rộng rãi trong các địa bàn trong tỉnh, mới thông qua các hoạt động tập huấn dành cho giáo viên. Do vậy, giáo viên thể hiện thái độ nghiêm túc và khẳng định sẽ áp dụng những kiến thức và kỹ năng học được để thúc đẩy các hoạt động truyền thông có tác động tích cực hơn không chỉ trong môi trường học đường mà còn phổ cập tới những người trên toàn tỉnh.
Các thầy/ cô giáo và ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại buổi tập huấn
Tiếp theo ngày tập huấn của cán bộ quản lý và giáo viên, ngày 15/10/2024 dành cho việc tập huấn truyền thông với các em học sinh tại 02 trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Long Xuyên và THCS An Châu, huyện Châu Thành. Hoạt động tập huấn này nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cơ quan ban, ngành tại địa phương.
Tập huấn truyền thông tại các trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Long Xuyên và THCS An Châu , huyện Châu Thành, có sự tham gia của ông Nguyễn Thành An – chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang. Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Thành An nhấn mạnh việc giáo dục giới tính cho học sinh không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền, mà còn đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn thể xã hội. Thông qua buổi tập huấn này, các giáo viên và các em học sinh tại An Giang sẽ cùng chung tay lan tỏa thông điệp bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt.
Ông Nguyễn Thành An – Chuyên viên Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang phát biểu tại buổi tập huấn truyền thông tại trường THCS An Châu
Hoạt động tập huấn truyền thông đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và hào hứng của gần 200 em học sinh tại 02 trường với nhiều hình thức đa dạng và ý nghĩa. Diễn đàn này đã mang lại nhiều giá trị giáo dục thiết thực, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về sự đa dạng giới tính và cách ứng xử công bằng với mọi người, bao gồm bạn bè, thầy cô, và cả những người xung quanh, không phân biệt giới tính hay xu hướng tính dục. Qua các hoạt động, học sinh được khuyến khích loại bỏ những định kiến xã hội, từ đó góp phần tạo dựng một môi trường học đường thân thiện và bao dung. Với các phương pháp truyền thông trực quan và sinh động như video, hình ảnh minh họa, cùng những hoạt động nhóm đầy sôi nổi, các em đã tham gia thảo luận về những tình huống thường gặp trong trường học và cách ứng phó khi phát hiện hiện tượng kỳ thị hoặc phân biệt đối xử.
Học sinh trường THCS Nguyễn Trãi sôi nổi thảo luận và tham gia các hoạt động tập huấn
Tại trường THCS An Châu, các thầy, cô hiệu trưởng chia sẻ buổi tập huấn rất hữu ích và phù hợp với lứa tuổi các em học sinh, nhấn mạnh việc tập huấn truyền thông về xóa bỏ định kiến giới giúp các em không chỉ hiểu thêm về bình đẳng giới mà còn học được cách tôn trọng và hòa nhập với mọi người xung quanh. Học sinh đã tích cực tham gia các hoạt động với sự hào hứng, đồng thời thể hiện sự quan tâm đến việc trở thành những cá nhân có nhận thức đúng đắn và ủng hộ sự đa dạng trong xã hội.
Học sinh trường THCS An Châu thảo luận và sôi nổi phát biểu các hoạt động trong buổi tập huấn
Học sinh trường THCS An Châu vẽ tranh về chủ đề xóa bỏ định kiến giới, giới tính và cộng đồng LGBTIQ+
Buổi tập huấn này nằm trong khuôn khổ chương trình giáo dục về giới và bình đẳng giới do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam triển khai trên toàn quốc, với mục tiêu xây dựng thế hệ trẻ có nhận thức sâu sắc và hành động tích cực vì một xã hội công bằng, không kỳ thị hay phân biệt đối xử. Đây là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu các định kiến và phân biệt đối xử trong cộng đồng. Đồng thời, buổi tập huấn cũng giúp tạo dựng môi trường học đường thân thiện, bao dung và trang bị cho học sinh, giáo viên những kỹ năng truyền thông tích cực. Qua đó, thế hệ trẻ được khuyến khích phát triển tư duy cởi mở, tôn trọng sự đa dạng và có trách nhiệm trong việc xây dựng một xã hội công bằng, không có chỗ cho sự kỳ thị.
Tin bài: Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế