1 |
CHÍNH SÁCH GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC TRƯỚC NHỮNG THÁCH THỨC CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ Phạm Đỗ Nhật Tiến Học viện Quản lí Giáo dục Email: phamdntien26@gmail.com
Tóm tắt: Chính sách giảng viên đại học ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập trong việc tạo động lực và nâng cao năng lực đội ngũ trước yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bất cập sẽ gia tăng đáng kể khi giảng viên phải đối diện với những yêu cầu mới và phức tạp về đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy trước những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bài viết tập trung phân tích: 1/Những thách thức cần vượt qua của giáo dục đại học Việt Nam; 2/ Các vấn đề đặt ra đối với giảng viên đại học ở Việt Nam; 3/ Một số bất cập trong chính sách giảng viên đại học. Theo tác giả bài viết, để khắc phục tình trạng này, cần chuyển sang tiếp cận tổng thể mà việc làm đầu tiên là sớm xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo.
Từ khóa: Giảng viên đại học; chính sách; cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Luật Nhà giáo.
|
2 |
TỰ CHỦ ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM: NỘI DUNG, NGUỒN LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM
Đặng Ứng Vận - Email: hbuniv@gmail.com Nguyễn Thị Huyền Trang - Email: tranghbu6976@gmail.com Trường Đại học Hòa Bình, Hà Nội
Tóm tắt: Dựa trên các số liệu thống kê của 20 nước Châu Âu được công bố chính thức bởi IMF và Hiệp hội các trường đại học Châu Âu (EUA), bài viết phân tích những nội dung cụ thể của tự chủ; Tác động của GDP và các chỉ tiêu tự chủ đại học đến số trường đại học lọt top 500 thế giới theo bảng xếp hạng SJTU; Hiện trạng tự chủ đại học Việt Nam và nội dung cụ thể của giải trình và chịu trách nhiệm. Từ đó, đưa ra một số kiến nghị cụ thể về chính sách tự chủ đại học bao gồm: 1/Tăng cường vai trò của Hội đồng trường và mở rộng các thành viên bên ngoài; 2/ Tự chủ về học thuật giảm “theo quy định” trong các văn bản của Nhà nước; 3/ Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ của các trường đại học theo cơ chế tài trợ cạnh tranh; 4/ Xây dựng năng lực thể chế và nguồn nhân lực có kĩ năng quản lí và lãnh đạo; 5/ Thiết kế hệ thống giám sát xã hội các trường đại học thực hiện nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm của họ.
Từ khóa: Trường đại học; tự chủ đại học; nguồn lực; chất lượng; trách nhiệm.
|
3 |
HƯỚNG TỚI DẠY HỌC TOÁN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG VIỆT NAM THEO TIẾP CẬN GIÁO DỤC STEM
PHẠM ĐỨC QUANG Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Email: pducquanghn62ktrung@yahoo.com
Tóm tắt: Giáo dục STEM (STEM là viết tắt của Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kĩ thuật) và Math (Toán học) không hướng mục tiêu vào đào tạo học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, hay kĩ sư,… mà chủ yếu hình thành và phát triển cho học sinh các kĩ năng để có thể làm việc trong lao động, sản xuất ngày nay; có thể đáp ứng được yêu cầu công việc của thế kỉ mới, đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Đổi mới giáo dục theo STEM có thể xem như một cách để thích ứng với xu thế phát triển giáo dục, góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đáp ứng sự phát triển của đất nước. Nhìn chung, chương trình môn Toán của nước ta được xây dựng theo hướng tăng cường thực hành, ứng dụng, gắn kết với thực tiễn, liên môn. Do đó, môn Toán có nhiều cơ hội để có thể dạy học theo hướng STEM.
Từ khóa: Dạy học; môn Toán; trường phổ thông; giáo dục STEM.
|
4 |
NGHIÊN CỨU VỀ NGÂN HÀNG CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC THÍ SINH
Đỗ Đình Thái - Email: dodinhthai@sgu.edu.vn Lê Chi Lan - Email: chilanih@yahoo.com Trường Đại học Sài Gòn
Tóm tắt: Ngân hàng câu hỏi đóng vai trò quan trọng trong quá trình đánh giá chất lượng đào tạo về kiến thức, kĩ năng và thái độ của người học và đánh giá năng lực của thí sinh trong một kì thi. Để đánh giá xác thực năng lực của thí sinh thì ngân hàng câu hỏi có chất lượng là thành phần không thể thiếu. Dựa trên cơ sở phân tích lợi ích của ngân hàng câu hỏi, những thách thức đối với ngân hàng câu hỏi, bài viết nghiên cứu một số phương pháp định cỡ câu hỏi, cách thức xây dựng và triển khai phương pháp đánh giá năng lực thích ứng thông qua ngân hàng câu hỏi đã được định cỡ các câu hỏi để đánh giá, phân loại năng lực thí sinh trong các kì thi. Trong đó, phương pháp định cỡ câu hỏi quyết định chất lượng ngân hàng câu hỏi, phương pháp đánh giá năng lực thích ứng nhằm tối ưu hóa thời gian, cách tổ chức đánh giá mà vẫn đảm bảo phân loại được năng lực thí sinh. Qua cách tiếp cận trên, các trường đại học có thể nghiên cứu áp dụng trong việc kiểm tra đánh giá năng lực thí sinh ở các kì thi.
Từ khóa: Ngân hàng câu hỏi; đánh giá; năng lực; sinh viên.
|
5 |
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HỢP TÁC GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ DOANH NGHIỆP TRONG ĐÀO TẠO THEO ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP ỨNG DỤNG
ĐỖ THẾ HƯNG Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Hưng Yên Email: dothehung@utehy.edu.vn
Tóm tắt: Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến trên thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhà trường, doanh nghiệp, người học và xã hội. Mô hình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE: Professional Oriented Higher Education) đã và đang chứng tỏ được sự phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá thực trạng quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển như Mĩ, Canada,.... tác giả đề xuất giải pháp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.
Từ khóa: Hợp tác; trường đại học; doanh nghiệp; giáo dục đại học.
|
6 |
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Lý Thanh Hiền Học viện Nông nghiệp Việt Nam Email: lthien@vnua.edu.vn
Tóm tắt: Giáo dục đạo đức là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển con người trong thời kì đổi mới, thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Và mới đây nhất vấn đề này tiếp tục được Đảng khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự cấp thiết. Giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên là một hoạt động nhằm tác động đến tư tưởng, thái độ và hành vi của sinh viên. Qua đó, giúp sinh viên hiểu biết những hành vi đạo đức phù hợp với yêu cầu của ngành nghề và yêu cầu của xã hội. Quá trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp luôn chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Bài viết này đề cập sự ảnh hưởng của các yếu tố đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên đại học ngành Nông nghiệp.
Từ khóa: Đạo đức nghề nghiệp; giáo dục; sinh viên; nông nghiệp.
|
7 |
THIẾT KẾ CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC TỔ CHỨC DẠY HỌC THÍ NGHIỆM HÓA HỌC TRONG DẠY HỌC VI MÔ CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM HÓA HỌC
CAO CỰ GIÁC - Trường Đại học Vinh Email: giaccc@vinhuni.edu.vn LÝ HUY HOÀNG - Trường Đại học Đồng Tháp Email: lhhoang@dthu.edu.vn
Tóm tắt: Phát triển năng lực tổ chức dạy học thí nghiệm Hóa học cho sinh viên Sư phạm Hóa học là một trong những chuẩn đầu ra quan trọng trong chương trình đào tạo giáo viên. Dạy học vi mô là một cách tiếp cận dạy học chương trình Hóa học, trong đó quá trình rèn luyện kĩ năng dạy học được chia nhỏ để thực hiện và trải nghiệm thông qua phương tiện nghe nhìn kết hợp với sự phản hồi tích cực của các thành viên tham gia nhằm hình thành và phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Bài viết trình bày nguyên tắc, quy trình thiết kế và bộ công cụ đánh giá năng lực tổ chức dạy học thí nghiệm Hóa học cho sinh viên Sư phạm Hóa học trong dạy học vi mô.
Từ khóa: Năng lực nghề nghiệp; thí nghiệm Hóa học; sinh viên; bộ công cụ đánh giá.
|
8 |
GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VĂN HÓA CHẤT LƯỢNG
TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TƯ THỤC VIỆT NAM
TRẦN VĂN HÙNG - Trường Đại học Duy Tân Email: tranhung2050@gmail.com PHẠM MINH HÙNG - Trường Đại học Vinh Email: minhhungdhv@gmail.com Tóm tắt: Xây dựng văn hóa chất lượng là một quyết định có tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của các trường đại học tư thục Việt Nam. Bài viết đề xuất mô hình và các giải pháp xây dựng văn hóa chất lượng trong các trường đại học tư thục Việt Nam gồm: Quán triệt nhận thức về chất lượng cho cán bộ quản lí, giảng viên, nhân viên trong nhà trường; Tổ chức xây dựng và tuyên bố tầm nhìn, sứ mạng về chất lượng của trường; Chỉ đạo xác lập hệ giá trị chất lượng trong nhà trường; Thiết lập bầu không khí làm việc vì chất lượng, cho chất lượng trong các trường đại học tư thục. Qua đó, việc xây dựng văn hóa chất lượng trong các trường đại học tư thục nhằm thiết lập tầm nhìn và sứ mạng về chất lượng, hệ giá trị chất lượng và môi trường làm việc vì chất lượng, cho chất lượng trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục đại học.
Từ khóa: Văn hóa chất lượng; trường đại học tư thục; giải pháp.
|
9 |
MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÍ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY
VŨ THỊ QUỲNH Trường Cao đẳng Múa Việt Nam Email: thanhquynh9036@gmail.com
Tóm tắt: Cùng với sự thay đổi của yếu tố môi trường và yêu cầu của quá trình đổi mới giáo dục thì văn hóa nhà trường cần tạo nên những sự thay đổi và phát triển tích cực hơn. Các giải pháp quản lí phát triển văn hóa nhà trường cao đẳng sư phạm bao gồm: (1) Xác định các giá trị văn hóa cốt lõi trong phát triển nhà trường; (2) Tổ chức xây dựng bộ tiêu chí đánh giá văn hóa nhà trường cao đẳng sư phạm; (3) Phát triển văn hóa giảng dạy trong nhà trường phù hợp với yêu cầu chung và chiến lược phát triển nhà trường trong giai đoạn mới; (4) Phát triển văn hóa trong học tập và rèn luyện cho sinh viên hướng đến xây dựng trường học thân thiện, sinh viên tích cực; (5) Xây dựng môi trường sư phạm thông qua việc kiến tạo “nhà trường học tập” trong phát triển văn hóa nhà trường. Việc đề xuất các giải pháp quản lí phát triển văn hóa nhà trường ở các trường sư phạm nhằm mục đích tạo nên một văn hóa nhà trường tích cực trong sự phát triển ổn định và bền vững trước bối cảnh đổi mới giáo dục.
Từ khóa: Văn hóa nhà trường; cao đẳng sư phạm; quản lí.
|
10 |
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP MÔN TOÁN CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ QUA HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM
NGUYỄN HỮU TUYẾN Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh Email: nguyenhuutuyen.bacninh@moet.edu.vn
Tóm tắt: Dạy học môn Toán thông qua hoạt động trải nghiệm cho học sinh trung học cơ sở đang là vấn đề được quan tâm hiện nay. Nó vừa phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi của học sinh trung học cơ sở; chuyển từ học tập qua mô hình trực quan, mô tả khái niệm ở cấp Tiểu học sang học tập dựa trên các định nghĩa khái niệm và lập luận logic; vừa phù hợp với chương trình môn Toán trung học cơ sở đó là hệ thống các khái niệm, nguyên lí, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày; đồng thời là một hình thức đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội. Đánh giá kết quả học tập và đánh giá hoạt động của học sinh luôn là vấn đề được quan tâm nhằm giúp học sinh nhìn nhận được kết quả của mình, giúp cho giáo viên đưa ra những quyết định phù hợp trong dạy học. Bài viết đề cập đến việc đánh giá kết quả học tập môn Toán của học sinh trung học cơ sở qua hoạt động trải nghiệm. Từ khóa: Hoạt động trải nghiệm; môn Toán; học sinh; trung học cơ sở.
|
11 |
SỬ DỤNG PHỐI HỢP CON ĐƯỜNG QUY NẠP VÀ DIỄN DỊCH TRONG DẠY HỌC KHÁI NIỆM “CẢM ỨNG CẤP ĐỘ CƠ THỂ ” - SINH HỌC 11
Hà Văn Dũng Tạp chí Giáo dục Email: hvdung.tcgd@moet.edu.vn Tóm tắt: Bài viết đề cập đến việc sử dụng phối hợp con đường quy nạp và diễn dịch trong dạy học khái niệm “Cảm ứng cấp độ cơ thể” - Sinh học 11. Trong bài, tác giả trình bày mối quan hệ biện chứng giữa quy nạp và diễn dịch trong nhận thức, trong việc hình thành và phát triển khái niệm sinh học; Các bước sử dụng phối hợp con đường quy nạp và diễn dịch trong dạy học khái niệm “Cảm ứng cấp độ cơ thể”. Theo tác giả bài viết, khi dạy học các khái niệm Sinh học đại cương mang tính nguyên lí, xuyên suốt, giáo viên cần sử dụng phối hợp con đường quy nạp và diễn dịch "đan xen" nhau để kiến thức lĩnh hội được sâu sắc nhất, đồng thời phát triển ở học sinh kĩ năng tự học. Đây cũng là một gợi ý nhằm định hướng cho giáo viên trong dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới.
Từ khóa: Quy nạp; diễn dịch; cảm ứng cấp độ cơ thể; Sinh học 11.
|
12 |
TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO MĨ THUẬT CHO HỌC SINH
TRẦN THỊ VÂN Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Email: tranvan_mtcs@yahoo.com.vn
Tóm tắt: Giáo dục Mĩ thuật trong nhà trường phổ thông có vai trò cơ bản là giáo dục thẩm mĩ và hình thành cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cơ bản về tạo hình thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Để quá trình dạy học Mĩ thuật có hiệu quả, giáo viên cần thực hiện tốt một số yếu tố tăng cường sự tham gia của học sinh như: Tạo môi trường học tập thoải mái, thú vị, an toàn, kích thích sự khám phá của học sinh; Thiết kế các nhiệm vụ, hoạt động học tập Mĩ thuật phù hợp với mức độ phát triển của học sinh; Dạy học dựa trên trải nghiệm thực tế; Các hoạt động học tập cần được tổ chức đa dạng và phong phú; Tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn hoạt động theo sở thích của mình.
Từ khóa: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; giáo dục Mĩ thuật; học sinh; Tiểu học.
|
13 |
MỐI QUAN HỆ GIỮA TRÍ TUỆ CẢM XÚC VÀ HÀNH VI NGUY CƠ Ở THANH THIẾU NIÊN
TRẦN HÀ THU Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Email: tranhathu2811@gmail.com
Tóm tắt: Trí tuệ cảm xúc là một dạng năng lực có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của con người nói chung và với thanh thiếu niên nói riêng. Đây được xem là yếu tố có đóng góp đáng kể tới thành công học đường và cuộc sống của thanh thiếu niên. Mối tương quan nghịch giữa trí tuệ cảm xúc và hành vi nguy cơ ở thanh thiếu niên đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới chứng minh và điều đó góp phần khẳng định thêm ý nghĩa quan trọng của năng lực trí tuệ cảm xúc đối với sự phát triển của lứa tuổi này. Trí tuệ cảm xúc được xem như “tấm lá chắn” ngăn chặn những biểu hiện hành vi gây nguy hiểm ở thanh thiếu niên. Do đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần có định hướng và phương pháp giáo dục nhằm rèn luyện và nâng cao năng lực trí tuệ cảm xúc cho lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay.
Từ khóa: Mối quan hệ; trí tuệ cảm xúc; hành vi nguy cơ; thanh thiếu niên.
|
14 |
NHỮNG YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC TƯ VẤN CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG LÊ THỊ QUỲNH NGA Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Email: quynhnga2981@gmail.com Tóm tắt: Để giúp đỡ học sinh giải quyết được những vấn đề gặp phải trong cuộc sống nhằm hỗ trợ các em thực hiện tốt nhiệm vụ học tập của mình và phát triển bản thân một cách hài hòa, cần có nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, trong đó có sự tư vấn của người giáo viên. Người giáo viên cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của năng lực tư vấn về các thành tố tri thức, kĩ năng và thái độ để mục đích tư vấn đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó, người giáo viên xác định và xây dựng các biện pháp phát triển năng lực tư vấn để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ giáo dục của mình. Từ khóa: Tư vấn học đường; giáo viên; năng lực tư vấn; trung học phổ thông.
|
15 |
GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA
PHẠM VIỆT THẮNG Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Email: vietthang271077@yahoo.com.vn Tóm tắt: Toàn cầu hóa là một trong những quá trình đang trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên những biến đổi to lớn trong đời sống nhân loại. Việt Nam cũng không thể tự mình đặt ra ngoài quá trình này. Nhưng việc nhận thức một cách sâu sắc về bản chất và những tác động của nó là rất cần thiết, giúp cho chúng ta giảm thiểu được những rủi ro, trong đó, điều quan trọng là làm sao để vừa hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế một cách bền vững, vừa tiếp thu được những tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời ngăn chặn được những nguy cơ làm suy thoái đạo đức xã hội. Trong bối cảnh như vậy, giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị cho học sinh, sinh viên ngày càng trở nên cấp thiết và cần đi vào những nội dung thiết thực. Bài viết phân tích vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Từ khóa: Giáo dục đạo đức;học sinh; sinh viên; toàn cầu hóa.
|
16 |
HỆ THỐNG CÂU HỎI NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC ĐỌC HIỂU TRONG DẠY HỌC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
NGUYỄN THỊ QUỐC MINH Trường Đại học Đồng Tháp Email: meomeo251011@gmail.com
Tóm tắt: Trong bất kì giờ học nào câu hỏi của giáo viên đều mang sứ mệnh chủ đạo. Những câu hỏi khép kín, vụn vặt, tản mạn sẽ không thể mang lại hiệu quả khoa học cao, không làm kích thích người học hăng say tham gia vào quá trình học tập. Vì thế, xây dựng và vận dụng thành công, có hiệu quả hệ thống câu hỏi phát triển năng lực đọc hiểu trong dạy học tác phẩm văn chương với hai dạng câu hỏi lớn là câu hỏi chức năng và câu hỏi tác động sẽ là một trong những giải pháp tối ưu, mang lại sự đổi mới, hiệu quả thật sự cho quá trình dạy học tác phẩm văn chương nói riêng và dạy học môn Ngữ văn nói chung. Điều này góp phần vào sự đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học như Nghị quyết 29 đã đề ra.
Từ khóa: Phát triển năng lực; đọc hiểu; tác phẩm văn chương ; câu hỏi chức năng; câu hỏi tác động.
|
17 |
SỬ DỤNG KÊNH HÌNH TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ Ở NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG
NGÔ THỊ HẢI YẾN Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Email: yenppdl@gmail.com
Tóm tắt: Bài viết phân tích vai trò quan trọng của việc sử dụng kênh hình trong dạy học Địa lí ở nhà trường phổ thông. Thông qua kênh hình, học sinh được quan sát trực quan về đối tượng nhận thức địa lí và tham gia trực tiếp các thao tác trên kênh hình nên học sinh có niềm tin vào tri thức được cung cấp, có nhu cầu tự giải quyết vấn đề để chiếm lĩnh tri thức mới. Các biện pháp cần thiết để sử dụng hiệu quả kênh hình trong dạy học Địa lí là: Lựa chọn kênh hình để tạo ra tính trực quan về đối tượng nhận thức địa lí; Ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế kênh hình; Sử dụng kênh hình kết hợp với các phương pháp dạy học hiện đại; Thiết kế các bài toán nhận thức thông qua khai thác kênh hình,…
Từ khóa: Địa lí; nhà trường phổ thông; kênh hình; phương pháp dạy học.
|
18 |
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC TRẺ TẠI TRƯỜNG MẦM NON THEO PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC MONTESSORI
Đặng Lộc Thọ Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Email: tho1962@gmail.com
Tóm tắt: Phương pháp giáo dục Montessori xây dựng môi trường học tập với hệ thống các thiết bị, đồ dùng dạy học riêng nhằm tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm cuộc sống, thể hiện cái tôi cá nhân, định hướng phát triển nhân cách theo hướng hình thành phẩm chất, năng lực trẻ được xem là phương pháp giáo dục đặc biệt dành cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Bài viết phân tích: 1/ Nội dung, nguyên tắc của phương pháp giáo dục Montessori; 2/ Một số biện pháp áp dụng phương pháp Montessori trong thực hiện chương trình giáo dục tại trường mầm non ở Việt Nam. Theo tác giả bài viết, phương pháp giáo dục Montessori là phương pháp nuôi dưỡng tình yêu trong học tập và khuyến khích sự độc lập của trẻ em bằng cách cung cấp một môi trường hoạt động và các tài liệu để trẻ em có thể sử dụng (học tập) theo cách riêng, tốc độ riêng của mình. Điều này giúp xây dựng sự tự tin; giúp trẻ có động lực để chủ động học tập, phát triển đầy đủ tiềm năng của mình, tự nhận biết được vị trí của mình trong cộng đồng.
Từ khoá: Phương pháp giáo dục Montessori; hoạt động giáo dục; trường mầm non.
|
19 |
HỌC THÔNG QUA TRẢI NGHIỆM - MỘT PHƯƠNG THỨC ĐÁP ỨNG NHU CẦU HỌC CỦA TRẺ KHUYẾT TẬT MẦM NON
LÊ THỊ THÚY HẰNG Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Email: thuyhang213@yahoo.com
Tóm tắt: Học trải nghiệm là cách học tự nhiên, mang lại sự cảm nhận rõ ràng, tác động trực tiếp từ các giác quan và tạo những dấu ấn cảm xúc mạnh mẽ đối với trẻ trong suốt quá trình khám phá, phát hiện để nhận biết. Trẻ được trải nghiệm thông qua hoạt động trong môi trường và điều kiện phù hợp sẽ kích thích cơ hội và phát triển khả năng sáng tạo của trẻ. Đặc biệt, đối với trẻ khuyết nghiệp, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đa dạng của trẻ khuyết tật chính là một khía cạnh đảm bảo cho sự phát triển của trẻ. Với trẻ khuyết tật, học dựa trên trải nghiệm đa dạng, phù hợp với đặc điểm khả năng, nhu cầu, phong cách và mức độ phát triển của trẻ sẽ khuyến khích sự tham gia tìm hiểu, khám phá môi trường xung quanh và nhận biết bản thân trẻ một cách hiệu quả hơn. Bài viết đề cập đến các nội dung: 1/ Trải nghiệm và trải nghiệm ở trẻ khuyết tật; 2/ Học trải nghiệm của trẻ khuyết tật mầm non; 3/ Đáp ứng và thúc đẩy nhu cầu học trải nghiệm đối với trẻ khuyết tật mầm non.
Từ khóa: Học; trải nghiệm; trẻ khuyết tật; mầm non.
|
20 |
CHẬM PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN TRẺ MẪU GIÁO
NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH Trường Đại học Vinh Email: quynhanhgddhv@gmail.com
Tóm tắt: Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ mẫu giáo hiện nay không phải là hiện tượng hiếm gặp. Hiện tượng này có thể khắc phục nếu người lớn có biện pháp phù hợp sẽ giảm thiểu những hạn chế do chậm phát triển ngôn ngữ gây ra. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nếu nhận được hỗ trợ thêm từ những người lớn quan trọng trong cuộc sống của mình thì sẽ giúp trẻ có thể phát triển tốt nhất. Vì vậy, cần phải hiểu đúng, không được coi thường sự chậm trễ ngôn ngữ và có biện pháp can thiệp hỗ trợ sớm. Đây là điều rất quan trọng để trẻ có thể phát triển bình thường, theo kịp bạn bè trước lúc bắt đầu vào phổ thông, giúp trẻ phát triển các kĩ năng giao tiếp cần thiết để trẻ thành công trong tương lai, trong cuộc sống học tập và cá nhân của trẻ sau này. Từ khóa: Chậm phát triển ngôn ngữ; ảnh hưởng; phát triển; trẻ mẫu giáo.
|
21 |
BỒI DƯỠNG CHO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRƯỚC YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC
TRẦN THỊ YÊN Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Email: yenttdt@yahoo.com
Tóm tắt: Lớp ghép - một hình thức tổ chức dạy học đặc thù ở vùng dân tộc thiểu số, đã và đang tồn tại ở Việt nam trong nhiều thập kỉ qua. Các kết quả nghiên cứu và thực tiễn giáo dục đều khẳng định vai trò và những đóng góp quan trọng của lớp ghép đối với sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số. Mặc dù được xác định là sẽ tồn tại lâu dài nhưng lớp ghép đang đối mặt với nhiều bất cập, đặc biệt là chất lượng dạy và học. Bài viết đưa ra những kĩ thuật dạy học lớp ghép và đề xuất một số nội dung cần bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học vùng dân tộc thiểu số trước yêu cầu đổi mới giáo dục.
Từ khoá: Kĩ thuật; dạy học; lớp ghép; giáo viên tiểu học; dân tộc thiểu số.
|
22 |
THỰC TRẠNG QUẢN LÍ THỰC TẬP SƯ PHẠM TRONG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN MẦM NON Ở CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG MIỀN NÚI TÂY BẮC
LÊ THỊ HÀ GIANG Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu Email: lhgiangclc@gmail.com
Tóm tắt: Nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường sư phạm trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo là phát triển đội ngũ giáo viên, trong đó có nội dung quản lí quá trình thực tập sư phạm đối với sinh viên. Việc xác định đúng đắn mục tiêu, nội dung, phương thức, kiểm tra đánh giá thực tập sư phạm trong đào tạo giáo viên mầm non đồng thời chuẩn bị tốt cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non tri thức, kĩ năng và những điều kiện cần thiết cho thực tập sư phạm sẽ giúp cho quá trình thực tập sư phạm vận hành có chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, điều đó giúp cho các ban chỉ đạo, các nhà trường có cơ sở tìm hiểu, đánh giá kết quả thực tập sư phạm. Từ đó, các nhà trường sư phạm trong đào tạo giáo viên mầm non có những điều chỉnh, đổi mới quản lí thực tập sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Từ khóa: Thực trạng; quản lí; thực tập sư phạm; giáo viên mầm non; trường cao đẳng; miền núi Tây Bắc.
|
23 |
MỘT SỐ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở XÃ TÀ XÙA, HUYỆN BẮC YÊN, TỈNH SƠN LA
BÙI CHÍNH Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Email: bchinh@daihocthudo.edu.vn
Tóm tắt: Xây dựng một xã hội học tập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình hướng tới một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững. Nhưng, đó là một quá trình cần vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Nếu các tỉnh miền núi và các vùng dân tộc không cùng nhau học tập, xây dựng xã hội học tập thì Việt Nam sẽ không thể xây dựng thành công là một xã hội học tập. Bài viết đề xuất một số giải pháp xây dựng xã hội học tập tại xã Tà Xùa - xã vùng cao chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Từ khóa: Giải pháp; xây dựng; xã hội học tập; xã Tà Xùa; huyện Bắc Yên; tỉnh Sơn La.
|
24 |
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Trường Đại học An Giang Email: nguyenbachthang1966@gmail.com
Tóm tắt: An Giang là tỉnh biên giới đông dân ở miền Tây Nam Bộ, sát biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Ở vị trí đầu nguồn khu vực Tây Nam Bộ, An Giang có những thuận lợi cơ bản để phát triển mạnh mẽ sản xuất nông - ngư nghiệp, đặc biệt là trồng lúa và nuôi trồng thuỷ sản. Những điều kiện kể trên có nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh An Giang. Chính vì vậy, An Giang cần phải tiến hành các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Bài viết tóm lược những đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh An Giang. Từ đó, đề xuất một số giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang đến năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo trong thời kì hội nhập quốc tế ngày nay. Từ khóa: Thực trạng; giải pháp; giáo dục và đào tạo; tỉnh An Giang; đổi mới giáo dục
|
25 |
GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP Ở CANADA
NGUYỄN THỊ LUYẾN Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Email: luyen79sp@gmail.com
Tóm tắt: Bài viết phân tích về giáo dục hướng nghiệp ở Canada. Giáo dục hướng nghiệp ở Canada xuất hiện từ rất sớm và có một quá trình phát triển nhanh chóng, chuyên nghiệp. Năm 1975, chính phủ Canada đã thành lập trung tâm tư vấn quốc gia về phát triển nghề nghiệp (NATCON). Năm 1999, hệ thống hướng dẫn và kế hoạch nghề nghiệp trực tuyến được giới thiệu. Hệ thống trực tuyến này bao gồm các công cụ tự đánh giá để thanh niên tự xác định bản thân và nghề nghiệp của mình qua hướng dẫn trực tuyến. Năm 2004, Viện Nghiên cứu giáo dục Canada đã chính thức ra mắt một tổ chức từ thiện nhằm nâng cao nghiên cứu giáo dục trong nghề nghiệp, tư vấn các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Có thể nhận thấy, Canada có một hệ thống các chương trình về giáo dục hướng nghiệp đã được hình thức và triển khai một cách quy củ, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.
Từ khóa: Giáo dục hướng nghiệp; học sinh; nghề nghiệp, Canada.
|
26 |
ĐÁNH GIÁ PHẨM CHẤT HỌC SINH PHỔ THÔNG Ở VIỆT NAM TRẦN THỊ HƯƠNG GIANG Email: lgriver04@yahoo.com DƯƠNG THỊ THU HƯƠNG Email: duongthuhuong@gmail.com Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Tóm tắt: Trong bối cảnh giáo dục hiện nay ở Việt Nam, vấn đề giáo dục phẩm chất được đặt lên hàng đầu. Từ trước tới nay giáo viên chỉ dừng lại đánh giá phẩm chất học sinh thông qua môn học Đạo đức, chưa đi sâu vào đánh giá các biểu hiện phẩm chất cụ thể ở mỗi học sinh. Việc đánh giá phẩm chất của học sinh chủ quan, thiếu cơ sở khoa học nên không thể đánh giá chính xác mức độ lĩnh hội phẩm chất của học sinh, do đó không thể có những hoạt động can thiệp thích đáng, dẫn tới không thể phát triển được phẩm chất của học sinh. Chính vì vậy, nội dung bài viết này sẽ đi vào phân tích về đánh giá phẩm chất học sinh phổ thông ở Việt Nam và một số kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này. Từ đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm về đánh giá phẩm chất học sinh phổ thông tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Đánh giá; phẩm chất; học sinh phổ thông; đạo đức.
|