Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 132

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 132, tháng 9 năm 2016

NGHIÊN CỨU LÍ LUẬN:
1. Đinh Xuân Khoa. Quản trị nhân sự trong trường đại học Việt Nam 
     Tóm tắt: Quản trị nguồn nhân sự là toàn bộ các hoạt động, chính sách và các quyết định quản lí về mối quan hệ giữa tổ chức và cán bộ nhân viên. Đây là một trong những nội dung cốt lõi của quản trị trường đại học. Trên cơ sở làm rõ khái niệm, ý nghĩa và các yếu tố ảnh hưởng đến quản trị nhân sự, bài viết trình bày nội dung và phương pháp quản trị nhân sự ở các trường đại học Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
     Từ khóa: Quản trị nhân sự; nhân sự; trường đại học; Việt Nam. 
2. Đặng Bá Lãm. Tự chủ của các trường đại học trong hoạt động khoa học
     Tóm tắt: Bài viết nêu bản chất tự chủ của các trường đại học là nhà trường tự do phát triển, tạo nền tảng cho sự phát triển không những của chính nhà trường mà còn cho sự phát triển của cả một đất nước. Phạm vi tự chủ của trường đại học bao gồm các hoạt động đào tạo, khoa học và tự chủ trong các điều kiện để thực hiện sứ mệnh đó là: Cơ cấu tổ chức, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất.Trong các lĩnh vực tự chủ, thì tự chủ về khoa học đứng hàng đầu vì sáng tạo về khoa học là cơ sở để tổ chức đào tạo và phát triển xã hội. Thực tế, ở các trường đại học nước ta, hoạt động khoa học vẫn được coi là thứ yếu. Vì vậy, cần xác định rõ vị trí các trường đại học Việt Nam trong hệ thống khoa học quốc gia và đảm bảo tự chủ của các trường đại học trong hoạt động khoa học.
     Từ khóa: Tự chủ; trường đại học; hoạt động khoa học.
3. Phạm Đỗ Nhật Tiến. Thiếu hụt kĩ năng của lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực: Vấn đề và giải pháp
     Tóm tắt: Bài toán thiếu hụt kĩ năng của lao động ở Việt Nam trở thành vấn đề bức xúc trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu trong khu vực, với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là do các cơ sở đào tạo của Việt Nam thiếu năng lực, thiếu động lực và thiếu thông tin trong việc tạo nên những gắn kết cần thiết với môi trường xung quanh. Nguyên nhân sâu xa là do những bất cập, yếu kém trong chính sách phát triển nhân lực của Việt Nam. Vì vậy, lời giải của bài toán về mặt chính sách là tái cơ cấu tài chính công, nâng cao trách nhiệm giải trình, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực và tái cơ cấu giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo hướng cầu.
     Từ khóa: Thiếu hụt kĩ năng; phát triển nhân lực; tái cơ cấu giáo dục; lao động Việt Nam.
4. Nguyễn Thị Hạnh. Cơ sở khoa học của việc thiết kế Chuẩn môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực 
     Tóm tắt: Chuẩn của môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực là loại chuẩn học tập, được thiết kế dựa trên những cơ sở tâm lí học về vùng phát triển gần nhất, cơ sở nghiên cứu về cấu trúc năng lực, cơ sở về đo lường năng lực theo mô hình toán, cơ sở về xác định các năng lực đặc thù và năng lực chung trong môn Ngữ văn. Quy trình thiết kế Chuẩn môn học được xây dựng theo 6 bước bằng phương pháp chuyên gia và phương pháp thực nghiệm. Chuẩn môn Ngữ văn là một tổ hợp chuẩn của các năng lực Đọc và xem, Viết và trình bày, Nghe và Nói tương tác, Thẩm mĩ về lĩnh vực văn chương. Trong chuẩn của mỗi năng lực nói trên đã có tích hợp những yếu tố của một số chuẩn năng lực chung.
     Từ khóa: Chuẩn của môn Ngữ văn; năng lực; chuẩn học tập; chuẩn năng lực; môn Ngữ văn.
5. Đào Thị Thu Thủy. Trẻ rối loạn phổ tự kỉ và hỗ trợ trẻ hòa nhập cộng đồng
     Tóm tắt: Số lượng trẻ rối loạn phổ tự kỉ không ngừng tăng nhanh trong xã hội. Để giúp giáo viên và phụ huynh hiểu đúng về trẻ có rối loạn phổ tự kỉ, bài báo sẽ phân tích một số đặc điểm chính về: Trẻ rối loạn phổ tự kỉ; Khó khăn của trẻ rối loạn phổ tự kỉ; Hỗ trợ trẻ rối loạn phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng. Trẻ rối loạn phổ tự kỉ cần được cảm thông với các khác biệt, hỗ trợ để giao tiếp, chứ không thể sửa chữa được hoàn toàn những khác biệt.
     Từ khóa: Hội chứng rối loạn phổ tự kỉ; hòa nhập cộng đồng; khuyết tật phát triển. 
6. Đặng Thị Minh Hiền. Học phí từ góc độ kinh tế công: Quan niệm và căn cứ xác định 
     Tóm tắt: Dịch vụ giáo dục là dịch vụ công cộng không thuần túy có thể được cung cấp công cộng (bởi chính phủ) hoặc cung cấp tư nhân (bởi các doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân) cho người học. Học phí là mức giá (hoặc phí) mà người sử dụng dịch vụ phải trả cho nhà cung cấp để được thụ hưởng dịch vụ giáo dục. Trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục, Chính phủ cần xác định rõ hình thức cung cấp dịch vụ, mức thu học phí giữa các nhóm dịch vụ giáo dục để đảm bảo sự phát triển cho mọi cơ sở giáo dục và nguồn nhân lực của quốc gia.
     Từ khóa: Học phí; kinh tế công; dịch vụ giáo dục.
7. Trần Thụy Hoàng Yến. Phát triển năng lực giải toán cho sinh viên thông qua việc rèn luyện khả năng liên tưởng
     Tóm tắt: Thuyết liên tưởng đã được vận dụng khá nhiều vào dạy học và có tác dụng to lớn trong việc thiết lập vấn đề hay định hướng tìm lời giải, khai thác lời giải của bài toán và sáng tạo bài toán mới, góp phần phát triển năng lực giải toán cho sinh viên. Trong hoạt động giải toán, chỉ có nắm vững kiến thức mới có cơ sở để tiến hành các hoạt động liên tưởng. Qua đó, sinh viên phát triển năng lực giải toán Hình học nói riêng và Toán sơ cấp nói chung, đồng thời nâng cao năng lực dạy học môn Toán ở trường phổ thông sau khi trở thành giáo viên.
     Từ khóa: Năng lực giải toán; khả năng liên tưởng; sinh viên. 
8. Trần Khánh Đức, Nguyễn Lệ Hằng. Năng lực học tập và đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo tiếp cận năng lực
     Tóm tắt: Năng lực học tập của sinh viên vừa là kết quả của quá trình đào tạo trong giai đoạn học đại học vừa là nền tảng để thích ứng với hoạt động nghề nghiệp sau này. Đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực là một quá trình đánh giá dựa trên mục tiêu và nội dung học tập nhằm xác định mức độ các năng lực được hình thành ở người học. Việc đánh giá năng lực học tập của sinh viên cần nhận diện đầy đủ về đặc điểm cấu trúc, nội dung năng lực học tập; cách thức, thang điểm và quy trình đánh giá kết quả học tập. 
     Từ khóa: Đánh giá năng lực học tập; đánh giá kết quả học tập; tiếp cận năng lực; sinh viên.
9. Thái Thị Nga. Xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực giải quyết vấn đề của sinh viên đại học sư phạm Toán
     Tóm tắt: Năng lực giải quyết vấn đề là năng lực chung cần thiết cho mọi người trong mọi lĩnh vực hoạt động. Đối với nghề giáo viên, hoạt động giảng dạy là quá trình tương tác, phản ánh qua lại giữa thầy và trò, luôn tiềm ẩn nhiều tình huống, vấn đề cần giải quyết. Vì vậy, năng lực giải quyết vấn đề càng cần thiết. Bài báo này đề cập đến vấn đề xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực giải quyết vấn đề của sinh viên sư phạm Toán nhằm góp phần phát triển năng lực này như một trong những năng lực cần thiết để giúp sinh viên sư phạm Toán tự tin bước vào nghề dạy học.
     Từ khóa: Năng lực giải quyết vấn đề; sinh viên sư phạm Toán; tiêu chí đánh giá
10. Võ Nguyên Dạ Thảo. Phát triển năng lực tự học tiếng Anh của sinh viên không chuyên ngữ trong giảng dạy tiếng Anh ở các trường đại học hiện nay
     Tóm tắt: Trong học tập Tiếng Anh ở trường đại học, tự học giúp sinh viên lĩnh hội kiến thức môn học cũng như phát huy năng lực của bản thân dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Đối với quá trình học tập tiếng Anh của sinh viên không chuyên ngữ, năng lực tự học của sinh viên càng có ý nghĩa quan trọng, thiết thực. Sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu tài liệu nhằm trang bị cho bản thân các kĩ năng thực hành Tiếng Anh thành thạo, đáp ứng chuẩn đầu ra của môn học và chuẩn đầu ra tiếng Anh của nhà trường. Vì vậy, phát triển năng lực tự học trong quá trình giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra là việc làm có ý nghĩa quan trọng và cần thiết, đặc biệt là trong điều kiện trình độ tiếng Anh của sinh viên không chuyên ngữ ở các trường đại học hiện nay là không đồng đều và còn nhiều hạn chế.  
     Từ khóa: Năng lực tự học; tiếng Anh; sinh viên không chuyên ngữ; trường đại học.
11. Đặng Thành Hưng. Dạy học khoa học ở tiểu học theo hướng tìm tòi thực nghiệm 
     Tóm tắt: Bài viết trình bày vấn đề dạy học khoa học ở tiểu học theo hướng tìm tòi thực nghiệm. Dạy học dựa vào tìm tòi thực nghiệm là chiến lược học tập hiệu quả, rất thích hợp với giáo dục khoa học ở tiểu học hiện nay. Dạy học khoa học ở tiểu học theo hướng tìm tòi thực nghiệm giúp học sinh có thể vượt qua mức độ nhớ, hiểu nội dung và ít nhất cũng đạt được trình độ áp dụng và trình độ tư duy logic trên các sự kiện thực tế liên quan đến bài học. Trong bài viết, tác giả trình bày về đặc điểm, tính chất của học tập tìm tòi và thực nghiệm nhằm làm rõ nội dung và tiến trình của cách dạy học khoa học ở tiểu học theo hướng tìm tòi thực nghiệm.
     Từ khóa: Dạy học; khoa học; tiểu học; thực nghiệm.
12. Dương Thị Huyền. Phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua tổ chức hoạt động dạy học theo nhóm môn Tiếng Anh ở trường trung học phổ thông
     Tóm tắt: Dạy học hợp tác hay dạy học theo nhóm là phương pháp phát huy được tối đa tính chủ động, tích cực, sáng tạo và sự tự tin - những yếu tố quyết định phát triển năng lực hợp tác của học sinh. Dạy học theo nhóm là hình thức dạy học quan trọng giúp học sinh có cơ hội phát huy kĩ năng sáng tạo, đánh giá, tổng hợp, phân tích, so sánh... biết giải quyết các vấn đề và tình huống, từ đó tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân. Dạy học hợp tác có thể được vận dụng tối đa trong các lớp học môn Tiếng Anh, một môn học có nền tảng văn hoá – xã hội. Việc chia nhóm hợp lí, các hoạt động theo nhóm được thiết kế không lặp lại thường xuyên nhằm tránh gây nhàm chán, nâng cao hiệu quả làm việc theo nhóm và việc phát triển năng lực hợp tác cho học sinh.
     Từ khoá: Năng lực hợp tác; dạy học theo nhóm; môn Tiếng Anh; trung học phổ thông.
13. Lê Thị Thanh Thủy. Biện pháp quản lí đội ngũ giáo viên Tiếng Anh tiểu học trong bối cảnh đổi mới giáo dục 
     Tóm tắt: Môi trường giáo dục mới, chủ trương đổi mới quản lí giáo dục đòi hỏi các nhà quản lí phải có những giải pháp tích cực, hiệu quả, khoa học và phù hợp với thực tiễn. Đội ngũ giáo viên Tiếng Anh tiểu học hiện nay về cơ bản là đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu. Trên cơ sở nghiên cứu lí luận về quản lí đội ngũ giáo viên và thực trạng quản lí đội ngũ giáo viên Tiếng Anh tiểu học, tác giả đã đề xuất 05 giải pháp quản lí đội ngũ giáo viên Tiếng Anh tiểu học theo khung năng lực nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục.
     Từ khóa: Quản lí; đội ngũ giáo viên Tiếng Anh; Tiểu học; giáo dục.
14. Trịnh Thị Lan. Đề xuất một khái niệm “Văn bản thông tin” gắn với phong cách ngôn ngữ của văn bản cho chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông
     Tóm tắt: Chương trình môn học Ngữ văn mới được định hướng sẽ gia tăng các loại văn bản trình bày các thông tin cập nhật, gần gũi của đời sống xã hội, gắn với việc hình thành các kĩ năng sống thiết thực của người học. Nhiệm vụ đặt ra là phải xác định được một khái niệm chính xác, khoa học cho loại văn bản này. Từ việc xem xét chỗ đứng của văn bản thông tin trong chương trình giáo dục của một số nước phát triển, nghiên cứu về nhu cầu và thực trạng dạy học văn bản thông tin của nhà trường phổ thông, bài viết đã đề xuất một khái niệm “văn bản thông tin” dựa trên sự phân loại về phong cách ngôn ngữ của văn bản. 
     Từ khóa: Văn bản thông tin; phong cách ngôn ngữ văn bản; chương trình Ngữ văn.
15. Nguyễn Thị Hương Lan. Hoạt động siêu nhận thức trong quá trình khám phá bài toán kết thúc mở
     Tóm tắt: Trong những năm gần đây siêu nhận thức đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà giáo dục toán. Một trong những vấn đề mà các nhà nghiên cứu toán học theo đuổi là tìm hiểu vai trò của siêu nhận thức đến khả năng giải quyết vấn đề toán học của học sinh. Bài viết tập trung vào việc tìm hiểu hoạt động siêu nhận thức trong quá trình khám phá bài toán kết thúc mở của học sinh cũng như ảnh hưởng của siêu nhận thức đến khả năng giải quyết thành công các bài toán kết thúc mở. Bên cạnh đó, tác giả còn chỉ ra mối tương tác giữa hoạt động siêu nhận thức của học sinh và khả năng giải quyết vấn đề của các em. 
     Từ khoá: Siêu nhận thức; khám phá; bài toán kết thúc mở. 
16. Đào Thái Lai, Nguyễn Ngọc Giang. Sách giáo khoa điện tử thiết kế theo kiểu phân nhánh và ứng dụng trong dạy học hình học phẳng ở trung học phổ thông
     Tóm tắt: Bài viết đã trình bày quan điểm, cấu trúc của sách giáo khoa điện tử trong dạy học phân nhánh. Tác giả đưa ra những con số thực tế về việc sử dụng sách giáo khoa điện tử trong dạy học hình học phẳng ở trường trung học phổ thông trên thế giới và trong nước. Bằng ví dụ minh họa cụ thể, sinh động, bài viết nêu lên những ưu điểm vượt trội của việc ứng dụng sách giáo khoa điện tử trong dạy học hình học phẳng tại địa chỉ http://e-edvietnam.edu.vn.
     Từ khóa: Sách giáo khoa điện tử; dạy học phân nhánh; hình học phẳng; trung học phổ thông.
17. Đặng Thị Thu Huệ. Phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh lớp 7 thông qua dạy học dự án Thống kê trong đời sống
     Tóm tắt: Giáo dục đóng vai trò quan trọng để khai phá năng lực sáng tạo ở mỗi con người. Để phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh trung học cơ sở, việc dạy học phải đặc biệt chú trọng đến các phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học tạo điều kiện cho học sinh được tích cực, tự chủ, sáng tạo, được gắn lí thuyết với thực tiễn, gắn học với hành. Bài viết đưa ra vấn đề về phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh lớp 7 khi dạy học dự án Thống kê trong đời sống. Dự án đã đáp ứng được việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực sáng tạo của học sinh.
     Từ khóa: Năng lực sáng tạo; học sinh; dạy học dự án; Thống kê trong đời sống.
18. Trần Thị Bích Hồng. Dạy học phân hóa dựa vào phong cách học tập của học sinh trong môn Khoa học lớp 4
     Tóm tắt: Một trong những giá trị trung tâm của phương pháp dạy học hiện đại là dạy người khác muốn học tức là dạy học theo nhu cầu học tập. Theo đó, việc giảng giải muốn tối ưu cần phán đoán phong cách học tập của mỗi cá nhân để đưa ra các cách dạy phù hợp với phong cách đó. Bài viết trình bày một số vấn đề về dạy học phân hóa ở tiểu học dựa vào phong cách học tập và một số biện pháp sư phạm nhằm tổ chức dạy học phân hóa trong môn Khoa học lớp 4.
     Từ khóa: Dạy học phân hóa; phong cách học tập; môn Khoa học. 
19. Nguyễn Thị Hương. Rèn luyện kĩ năng quan sát cho học sinh - sinh viên trong học phần Múa và phương pháp dạy trẻ vận động theo nhạc
     Tóm tắt: Bài viết đề cập đến việc rèn luyện kĩ năng quát sát khi học múa cho học sinh- sinh viên trong học phần Múa và phương pháp dạy trẻ vận động theo nhạc. Múa và phương pháp dạy trẻ vận động theo nhạc là học phần bắt buộc thuộc chương trình đào tạo giáo viên mầm non. Đặc thù môn học số tiết thực hành chiếm số lượng lớn, chiếm 3/4 tổng số tiết, các động tác múa lại không thể chuyển tải cho người học hiểu bằng kênh ngôn ngữ nói hay viết nên học múa có thể nói duy nhất bằng con đường bắt chước. Để học múa tốt sinh viên cần có kĩ năng quan sát. Biết quan sát động tác khi giáo viên làm mẫu sẽ giúp cho học sinh thể hiện các động tác múa đẹp, nhanh, chính xác và diễn cảm dẫn đến kết quả học tập học phần cao hơn. 
     Từ khóa: Kĩ năng quan sát; Âm nhạc; múa; học sinh; sinh viên.
20. Nguyễn Thị Thu Huyền. Giáo dục kĩ năng phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi
     Tóm tắt: Vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng tai nạn thương tích có chiều hướng ngày càng gia tăng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ hiện nay. Đặc biệt, trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi đã có thể tự tham gia các hoạt động mà không cần sự giám sát của bố mẹ. Nhưng ở độ tuổi này các em thường tò mò, hiếu kì với các hiện tượng lạ mà chưa có kĩ năng phòng, tránh tai nạn. Do vậy, tai nạn thương tích thường xảy ra nhiều ở độ tuổi này. Một trong các biện pháp giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi là giáo dục các kĩ năng phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ ngay trong cuộc sống hàng ngày và trên lớp học.
     Từ khóa: Giáo dục kĩ năng; tai nạn thương tích; trẻ mẫu giáo.
 
NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
21. Phạm Minh Hùng. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở các trường trung học phổ thông tỉnh Nghệ An
     Tóm tắt: Chuyển từ dạy học theo tiếp cận nội dung sang dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh là bước đổi mới căn bản, cốt lõi của giáo dục phổ thông. Trên cơ sở phân tích thực trạng dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở các trường trung học phổ thông tỉnh Nghệ An, bài viết đưa ra một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học ở các trường trung học phổ thông tỉnh Nghệ An  theo định hướng phát triển năng lực học sinh.  
     Từ khóa: Dạy học; phát triển năng lực; học sinh; trung học phổ thông.  
22. Thái Huy Bảo. Phát triển đội ngũ giảng viên Trường Đại học Sài Gòn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học
     Tóm tắt: Phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và nâng cao chất lượng là nhiệm vụ trung tâm của tất cả các trường đại học. Trường Đại học Sài Gòn tuy mới thành lập nhưng đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Từ sự phân tích thực trạng đội ngũ giảng viên Trường Đại học Sài Gòn, bài viết đưa ra năm giải pháp cụ thể nhằm phát triển đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Sài Gòn giai đoạn 2016-2020.
     Từ khóa: Giảng viên; đội ngũ giảng viên; giáo dục đại học; Trường Đại học Sài Gòn.
23. Trương Bạch Lê. Xác định nhu cầu phát triển nghiệp vụ giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trong các trường cao đẳng và đại học ở Huế
     Tóm tắt: Hiện nay, dạy và học tiếng Anh chuyên ngành là một khâu quan trọng để thực hiện mục tiêu “đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập”. Để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh chuyên ngành, một yếu tố then chốt là cần nâng cao năng lực chuyên môn  giáo viên qua hình thức phát triển nghiệp vụ. Bài viểt trình bày kết quả của một nghiên cứu nhằm xác định nhu cầu phát triển nghiệp vụ của các giảng viên dạy tiếng Anh chuyên ngành ở các trường cao đẳng và đai học  tại Huế, làm cơ sở cho việc thiết kế chương trình phát triển nghiệp vụ cho giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. 
     Từ khóa: Giảng viên; tiếng Anh chuyên ngành; nghiệp vụ; cao đẳng; đại học.
24. Hoàng Trọng Nghĩa. Quản lí hoạt động hỗ trợ sinh viên nội trú tại Đại học Quốc gia Hà Nội theo tiếp cận quản lí chất lượng tổng thể 
     Tóm tắt: Bài viết trình bày về quản lí hoạt động hỗ trợ sinh viên nội trú tại Đại học Quốc gia Hà Nội theo tiếp cận quản lí chất lượng tổng thế (Total Quality Management - TQM). TQM trong giáo dục là triết lí về sự cải tiến liên tục, có khả năng cho mọi cơ sở giáo dục một hệ thống công cụ thiết thực nhằm đáp ứng và thỏa mãn vượt mức các nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Vận dụng quan điểm quản lí chất lượng tổng thể trên cơ sở hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng  và từng bước nâng cao văn hóa chất lượng là lựa chọn thích hợp để đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lí hoạt động hỗ trợ sinh viên nội trú tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
     Từ khóa: Quản lí chất lượng tổng thể; sinh viên nội trú; giáo dục đại học. 
25. Nguyễn Dục Quang, Đỗ Thị Bích Loan. Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng giá trị nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông các tỉnh miền núi phía Bắc
     Tóm tắt: Bài viết này trình bày về các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng giá trị nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong bài, tác giả phân tích yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Về yếu tố chủ quan, bài viết phân tích về đặc điểm sự phát triển thể chất; đặc điểm của sự phát triển trí tuệ; sự phát triển của tự ý thức; xu hướng nghề nghiệp; hoạt động học tập; điều kiện sống của học sinh trung học phổ thông, ... Về yếu tố khách quan, bài viết phân tích về bối cảnh kinh tế - xã hội tại các tỉnh miền núi phía Bắc; nhu cầu nhân lực của địa phương; yếu tố văn hóa truyền thống gia đình và bạn bè của học sinh. 
     Từ khóa: Giá trị nghề nghiệp; học sinh; trung học phổ thông; giáo viên. 
26. Nguyễn Thị Kim Hằng. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng môi trường văn hóa học đường ở Trường Trung học cơ sở Lộc Hòa, tỉnh Nam Định
     Tóm tắt: Văn hóa học đường là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục học sinh. Trong nhà trường, văn hóa học đường mang tính sống còn, góp phần hoàn thiện chất lượng giáo dục. Bài viết đề cập đến thực trạng văn hóa học đường ở Trường Trung học cơ sở Lộc Hòa, tỉnh Nam Định, từ đó đưa ra một số biện pháp nâng cao hoạt động xây dựng môi trường văn hóa học đường.
     Từ khóa: Môi trường; văn hóa học đường; trung học cơ sở.  
 
NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC DÂN TỘC:
27. Trần Trung. Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trong tình hình hiện nay
     Tóm tắt: Thực hiện tốt chế độ, chính sách và công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ làm công tác dân tộc trong nhiều năm qua đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bài viết trình bày các giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Trong đó, tập trung vào công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; các chính sách về chế độ đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng cán bộ làm công tác dân tộc theo hướng chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả trong thực thi công vụ, đây cũng là một trong các lĩnh vực của cấu trúc chỉ số cải cách hành chính hiện nay.
     Từ khóa: Đào tạo; công tác dân tộc; đội ngũ cán bộ; giáo dục. 
28. Nguyễn Thị Hài. Một số biện pháp giúp học sinh tiểu học vùng dân tộc và và miền núi nâng cao năng lực viết đúng chính tả 
     Tóm tắt: Chương trình dạy tiếng Việt trong trường tiểu học được thiết kế theo các nguyên tắc và phương pháp dạy học cho người học tiếng mẹ đẻ. Học sinh dân tộc thiểu số học theo chương trình này gặp không ít khó khăn vì học tiếng Việt đối với học sinh người dân tộc thiểu số là học ngôn ngữ thứ hai, không phải tiếng mẹ đẻ. Trong Chương trình tiểu học, chính tả nhằm hình thành và phát triển năng lực viết tiếng Việt cho học sinh. Viết đúng chính tả không chỉ giúp học sinh học tốt môn tiếng Việt mà còn giúp cho các em học tốt các môn học khác. Chính vì vậy, bài viết này đưa ra một số biện pháp khắc phục các lỗi viết sai về chính tả nhằm nâng cao năng lực viết cho học sinh dân tộc thiểu số cấp Tiểu học.
     Từ khóa: Biện pháp; học sinh tiểu học; vùng dân tộc và miền núi; năng lực viết đúng chính tả.

NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
29. Nguyễn Đức Huy. Kinh nghiệm phong và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư ở Đức và Hungary
     Tóm tắt: Giáo sư, phó giáo sư  là học vị cao nhất dành cho bậc học thuật của một trường đại học và các loại giáo dục sau phổ thông khác cũng như các trường mang chức năng nghiên cứu ở hầu hết các nước. Ở mỗi quốc gia lại có những đặc điểm nhiệm vụ, tiêu chuẩn, quy trình, lương bổng của giáo sư; phó giáo sư khác nhau. Khái niệm giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam với thế giới còn tồn tại nhiều sự khác biệt. Chính vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả giới thiệu các nét chính về việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của hai nước Hungary và Đức. Từ đó nêu ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm giáo sư; phó giáo sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 
     Từ khóa: Giáo sư;  phó giáo sư; tiêu chuẩn; quy trình.