Đánh giá mức độ gắn kết của sinh viên với nhà trường trong quá trình học tập: Nghiên cứu tại Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

10/07/2022 15:44 GMT+7
Sự gắn kết của sinh viên với nhà trường đóng vai trò quan trọng, tác động trực tiếp tạo ra các động lực, đem lại cảm giác thuộc về, thúc đẩy quá trình từ đó nâng cao kết quả học tập. Bài viết của nhóm tác giả Tăng Thị Thùy, Đỗ Linh Chi, Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Dương Phương Thảo và Nguyễn Thị Kim Tranh, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày 3 nhóm mức độ gắn kết: nhận thức, tình cảm, hành vi được nghiên cứu tại Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của 222 sinh viên.

Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá mức độ gắn kết của sinh viên với nhà trường trong quá trình học tập để đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao mức độ gắn kết của sinh viên. Nghiên cứu này được tiến hành trong khuôn khổ đề tài mã số QS.NH.21.18 của Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
 
Nghiên cứu đánh giá mức độ gắn kết của sinh viên Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho thấy mức độ gắn kết giữa sinh viên với nhà trường trong quá trình học tập đạt kết quả cao. Nghĩa là, có sự gắn kết tốt giữa sinh viên với nhà trường trong quá trình học tập qua hành vi, nhận thức và tình cảm. Mặc dù không có sự khác biệt lớn giữa ba nhân tố này, nhưng cao nhất là mức độ gắn kết về mặt tình cảm (điểm trung bình = 4,16), tiếp theo là mức độ gắn kết về mặt hành vi (điểm trung bình = 4,08), cuối cùng là mức độ gắn kết về mặt nhận thức (điểm trung bình = 4,05).
  
 
Mức độ gắn kết theo hành vi
  
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về gắn kết hành vi, nhận thức, tình cảm qua từng năm học nhưng không có sự khác biệt về giới tính. Kết quả này cũng chỉ ra các hướng nghiên cứu tiếp theo: sự gắn kết giữa sinh viên với nhà trường ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên. Thực tế đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra nếu sinh viên càng gắn kết với nhà trường thì kết quả học tập càng cao. Từ đó cho thấy, để tăng cường sự gắn kết với nhà trường cần chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động, phong trào, tạo lớp học vui nhộn để sinh viên hứng thú khi đến lớp. Với mỗi bài học, kiến thức mới, giảng viên thiết kế các bài giảng gắn với thực tiễn. Như vậy, nhà trường, giảng viên cần tạo ra môi trường học tập lí tưởng và có sự gắn kết để sinh viên thấy được vai trò quan trọng của quá trình học tập và tích cực tham gia học tập một cách thoải mái, tự tin, đạt kết quả cao nhất.