Học tập cá nhân hóa: Các nhân tố cần thiết và lưu ý triển khai

21/03/2022 17:58 GMT+7
Cá nhân hóa việc học tập đang là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để góp phần luận giải rõ hơn về học tập cá nhân hóa, tác giả Trần Thị Thu Hương của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổng hợp và phân tích các khái niệm liên quan và các nhân tố thiết yếu cần đảm bảo trong quá trình triển khai dạy học cá nhân hóa một cách hiệu quả. Kết quả nghiên cứu chỉ ra xu hướng học tập cá nhân hóa bắt nguồn từ nhu cầu giải quyết các vấn đề của giáo dục trong bối cảnh mới, đồng thời cũng nêu rõ sáu nhân tố thiết yếu cần đảm bảo của học tập cá nhân hóa.

Tổng quan tài liệu nghiên cứu trên thế giới hiện nay cho thấy, học tập cá nhân hóa là một phạm trù nhiều lớp với nhiều định nghĩa khác nhau và dạng thức triển khai khác nhau. Nghiên cứu này tổng hợp và phân tích các định nghĩa khác nhau về học tập cá nhân hóa, chỉ ra các nhân tố cần thiết trong triển khai phương pháp học tập này. Từ đó, tác giả nêu ra các khuyến nghị đối với các nhà quản lí giáo dục trong quá trình triển khai học tập cá nhân hóa tại nhà trường.
  

Bảng so sảnh mô hình giảng dạy truyền thống và mô hình kỹ thuật số
  
Qua các tài liệu thu thập được, tác giá đã đưa ra nhiều khái niệm về “Học tập cá nhân hóa” và cho rằng học tập cá nhân hóa có thể liên quan đến các cấp độ khác nhau trong quá trình giáo dục. Hơn nữa, việc học tập được cá nhân hóa có thể diễn ra trong môi trường học tập truyền thống (mặt đối mặt) cũng như trong môi trường học tập nâng cao công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mở rộng quy mô lớp học cá nhân hóa không áp dụng công nghệ dường như là không thể thực hiện. Bảng 1 dưới đây so sánh mô hình giảng dạy truyền thống và mô hình lớp học kĩ thuật số trong đó học tập cá nhân hóa được thực hiện.
 
Tác giả cũng đã chỉ ra và phân tích sáu yêu cầu thiết yếu cần đảm bảo khi triển khai học tập cá nhân hóa: 1) Sử dụng các tiêu chuẩn để định hướng nội dung; 2) Cho phép sự linh hoạt về tốc độ; 3) Chuyển từ việc lấy giáo viên làm trung tâm sang lấy học sinh làm trung tâm; 4) Phát triển sự chủ động của người học; 5) Phát triển 04 kĩ năng cần thiết của thế kỉ XXI (4Cs gồm: kĩ năng hợp tác (collaboration), kĩ năng tư duy phản biện (critical thinking), kĩ năng giao tiếp (communication) và sáng tạo (creativity); 6) Môi trường kĩ thuật số là không thể thiếu đối với việc triển khai học tập cá nhân hóa.
  
Tác giả cho rằng để triển khai hiệu quả môi trường học tập cá nhân hóa, cần có sự tham khảo kĩ lưỡng các lí thuyết học tập liên quan, các kĩ thuật thực hiện. Bên cạnh đó, cần vạch ra một kế hoạch có tầm nhìn cho trường học: Xây dựng được văn hóa nhà trường; Cá nhân hóa việc phát triển chuyên môn của giáo viên; …