Đôi điều suy nghĩ qua kết quả xếp hạng của OECD về giáo dục Việt Nam

10/08/2017 16:55 GMT+7
Từ khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 12 chất lượng giáo dục toàn cầu trên cơ sở xếp hạng 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đã có không ít những tranh luận xoay quanh chủ đề này với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

     Tựu trung, có ba luồng ý kiến như sau: Luồng ý kiến thứ nhất, cho rằng kết quả xếp hạng của OECD phản ánh đúng thực chất giáo dục phổ thông Việt Nam bởi phương pháp, cách thức thực hiện khảo sát PISA của tổ chức này rất đáng tin cậy trong nhiều năm qua. Các chuyên gia cho rằng đánh giá của PISA thiên về năng lực vận dụng kiến thức của học sinh để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống (thông qua các bài kiểm tra của học sinh lứa tuổi 15), và đây là kết quả của những cố gắng trong chính sách phát triển giáo dục phổ thông Việt Nam.
      Luồng ý kiến thứ hai, cho rằng kết quả xếp hạng của OECD là đáng tham khảo để phục vụ hoạch định chính sách, nhưng “hoài nghi” về thực tế năng lực học sinh Việt Nam so với các nước xếp ở vị trí thấp hơn Việt Nam vì cho rằng kết quả nói trên chỉ phản ánh một phần năng lực của học sinh bởi đánh giá của PISA dựa trên ba lĩnh vực cơ bản: ngôn ngữ, toán và khoa học, và cũng chỉ dành cho học sinh 15 tuổi chứ không phải học sinh phổ thông ở các độ tuổi khác nhau.
     Luồng ý kiến thứ ba, cho rằng kết quả xếp hạng của OECD không đáng tin cậy bởi chỉ đánh giá một khía cạnh nhỏ của giáo dục Việt Nam, chỉ trên một đối tượng học sinh 15 tuổi trong khi để đánh giá được năng lực của học sinh không chỉ ở dừng lại ở ba lĩnh vực mà PISA thực hiện khảo sát.

     Bài viết này không có hàm ý phê phán hay đồng tình với các luồng ý kiến nói trên bởi mỗi luồng ý kiến đều có sự hợp lý nhất định và cần thiết đưa ra tranh luận nhằm hướng đến nhận thức đầy đủ hơn trong xã hội về chất lượng giáo dục.

     Có một điều không thể phủ nhận rằng, Việt Nam trong những năm gần đây, không chỉ ở lĩnh vực giáo dục mà còn nhiều lĩnh vực khác đã "mạnh dạn" tham gia các khảo sát, đánh giá quốc tế và được xếp hạng từ chỉ số phát triển con người, chỉ số năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chỉ số hạnh phúc, xếp hạng trường đại học... và các kết quả đấy đều đã phản ánh phần nào thực trạng cũng như đã tác động đến quá trình xây dựng thực thi chính sách để cải thiện.

      Với kết quả xếp hạng mà OECD đã công bố về Việt Nam, cá nhân tác giả cho rằng, cách tổ chức, đánh giá của OECD là đáng tin cậy, và những kết quả này cũng phản ánh được thực tế năng lực của học sinh Việt Nam. Rõ ràng, học sinh Việt Nam đang có lợi thế ở góc độ kiến thức về toán và khoa học, và lợi thế này có được tiếp tục hỗ trợ bởi hệ thống giáo dục sau trung học hay không mới chính là điểm cần đưa ra tranh luận sâu hơn để tìm ra hướng đi phù hợp cho giáo dục trong giai đoạn sắp tới.

 

(Nguồn: OECD, http://www.oecd.org/edu/universal-basic-skills-9789264234833-en.htm)

  "Nút thắt cổ chai" của giáo dục Việt Nam là ở đâu?
     Báo cáo "Khoa học, công nghệ và Sáng tạo: Động lực cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam" của Worldbank (2014) đã đưa ra nhận định rằng: Một trong những thành tựu quan trọng của Việt Nam là sự sẵn có nguồn nhân lực cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thể hiện ở kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) bình quân ở môn toán và khoa học khá cao so với nhiều quốc gia, và cao hơn điểm bình quân 500 của OECD. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những tiền đề quan trọng nhưng chưa phải là yếu tố quyết định đến kết quả tăng trưởng và hiệu quả kinh tế của đất nước. Bởi chính Worlbank cũng chỉ ra rằng chất lượng giáo dục, trong đó có sự phát triển không đồng đều về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, và đặc biệt là sự thiếu gắn kết giữa giáo dục và thị trường lao động là nguyên nhân của năng suất lao động ở Việt Nam thấp.
     Theo số liệu của Trung tâm năng suất Việt Nam thì tốc độ tăng năng suất Việt Nam giai đoạn 2007-2013 là 3.9%, so với các nước châu Á và trong khu vực, tốc độ tăng năng suất Việt Nam thuộc nhóm trung bình. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam khá thấp và không có nhiều cải thiện. Nếu vào năm 2007, tỷ lệ qua đào tạo của lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chỉ đạt 17.4% thì vào năm 2013, con số này cũng không cải thiện nhiều với tỷ lệ 18,4%.
     Cũng như nhận định của Worldbank, sự khác biệt về giáo dục giữa nông thôn và thành thị kéo theo sự chênh lệch về chất lượng nguồn lao động được thể hiện rõ nhất là ở khu vực nông thôn và thành thị. Ở thành thị lao động đã được đào tạo chiếm 30,9%, trong khi ở nông thôn chỉ có 9%. Đây chính là một rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động. Một vấn đề quan trọng là, đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam chưa gắn kết với nhu cầu của thị trường cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh học sinh, sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Năm 2012, Ngân hàng Thế giới công bố kết quả khảo sát về mức độ đáp ứng các kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học so với yêu cầu của nhà tuyển dụng tại 7 quốc gia Đông Á trong đó có Việt Nam thì thái độ làm việc được đánh giá ở mức thiếu hụt nghiêm trọng, các kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề thiếu hụt lớn.
     Để thêm minh chứng cho sự thiếu tin tưởng vào hệ thống giáo dục đại học và nghề nghiệp dẫn đến tình trạng học sinh, sinh viên tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài gia tăng. Theo báo cáo về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, du học sinh Việt Nam hiện có mặt tại 50 quốc gia, vùng lãnh thổ với con số trên 100.000 người. Trong số này, khoảng 90% học sinh đi học bằng kinh phí tự túc của cá nhân và gia đình và chỉ 10% có học bổng từ các nguồn tài chính khác nhau như ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, hoặc tài trợ của Chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, hoặc các cá nhân tổ chức nước ngoài. Như vậy số lượng du học sinh Việt Nam đi học bằng con đường tự túc đông gấp nhiều lần so với số du học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học. Trong khi đó, số lượng trở về làm việc ở Việt Nam lại rất ít. Nguy cơ chảy máu chất xám ngày một lớn trong khi nền kinh tế lại thiếu lao động được đào tạo tốt. Đây là một thực tế đáng báo động trong bối cảnh kết quả giáo dục của học sinh Việt Nam được đánh giá cao.
     Đây chính là nút "thắt cổ chai" của nền giáo dục Việt Nam. Chính vì vậy, Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị về giải pháp "tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp bằng cách trao quyền tự chủ cho các trường học để họ thiết lập các mối quan hệ với các đối tác...", điều này cũng giống như ý kiến của GS Ngô Bảo Châu: “Trọng tâm giáo dục hiện nay cần hướng đến là cải cách giáo dục đại học. Đây là mấu chốt cần giải quyết vì giáo dục đại học quyết định sự phát triển đất nước trong đào tạo nhân lực cho xã hội”./.

Nguyễn Văn Chiến (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) - http://dangcongsan.vn/