Đề cập dưới nhiều góc độ, các ý kiến đã phân tích, bàn thảo về mối liên hệ gắn kết giữa giáo dục với văn hóa và xây dựng con người trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn bày tỏ mong muốn được lắng nghe những ý kiến tâm huyết, giàu kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia, nhà khoa học để từ đó, tham góp vào việc chuẩn bị xây dựng Nghị quyết mới về văn hóa. Các nội dung điểm nhấn được nêu tại tọa đàm là quan điểm gắn kết giáo dục với xây dựng con người, phát triển văn hóa trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; quá trình bổ sung, hoàn thiện đường lối phát triển giáo dục của Đảng từ khi ban hành Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII đến nay; cơ sở lý luận và những quan điểm về mối quan hệ tương hỗ giữa giáo dục và văn hóa trong phát triển bền vững; thực tiễn gắn kết giữa giáo dục trong nhà trường đối với việc xây dựng con người, phát triển văn hóa ở VN trong 15 năm qua; sự gắn kết giữa giáo dục trong gia đình, trong xã hội và việc xây dựng con người, phát triển văn hóa 15 năm qua...
GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học nhấn mạnh, giá trị văn hóa của mỗi con người, mỗi dân tộc đều chứa đựng, thể hiện trong các tác phẩm, chương trình dạy- học và ngược lại, các chương trình dạy- học cũng nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa, nhân cách con người. Muốn bảo tồn văn hóa dân tộc, xây dựng nhân cách con người trước hết phải dựa vào giáo dục. Tuy nhiên, mối quan hệ gắn kết này để phát triển cần có các chiến lược với những bước đi cụ thể.
Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nhân cách con người VN mà chúng ta mong muốn đang tồn tại một khoảng cách khá xa so với nhân cách con người VN hiện tại. Văn hóa nhà trường, văn hóa gia đình và văn hóa xã hội là ba môi trường đang tồn tại trong mối quan hệ xung đột với nhau về giá trị và chính điều đó đã tác động tiêu cực đến nhân cách con người VN hiện nay.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng cho rằng, sự báo động về nhân cách con người VN với những đảo lộn về hệ giá trị có một phần nguyên nhân do nền kinh tế thị trường. Hiện tượng “con người VN xấu xí” tồn tại dai dẳng, với những hiện tượng cụ thể như thầy đánh trò, học sinh vô lễ, con cái không nghe lời cha mẹ... Bên cạnh những tác động khách quan còn có nguyên nhân từ chính là những mục tiêu được đặt ra quá viển vông, xa vời. Yêu cầu quá cao dẫn đến hệ quả là không đạt được mục đích, xuất hiện “văn hóa thành tích”, “văn hóa lừa dối”... Nhiều giá trị lệch chuẩn lên ngôi, làm suy thoái các giá trị văn hóa truyền thống và xã hội rơi vào tình trạng “tranh tối tranh sáng”. “Vấn đề hiện nay là cần tập trung xây dựng nhân cách con người với những giá trị cốt lõi: sự tử tế, tính lương thiện, lòng trung thực và tinh thần trách nhiệm”, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh.
Cũng đồng quan điểm về việc xây dựng những mục tiêu cụ thể trong giáo dục, xây dựng con người trong tình hình mới, GS.TS Dương Phú Hiệp cho rằng, trong mối liên hệ, gắn kết giữa giáo dục với văn hóa để phát triển con người cần có cách nhìn nhận, đặt vấn đề xuất phát từ hiện thực cuộc sống, với các mục tiêu thiết thực, có thể giải quyết được ngay, hơn là những mục tiêu to tát mà không thể thành hiện thực.
Nhìn nhận về xu thế phát triển của văn hóa- giáo dục, PGS.TS Trần Lê Bảo, Đại học Sư phạm Hà Nội lại khẳng định, văn hóa, giáo dục đang chịu những ảnh hưởng bởi nhiều biến đổi lớn lao của nhân loại. Đó là quá trình toàn cầu hóa, là những điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ với nhiều biến đổi lớn lao, nhanh chóng. Điều này đòi hỏi cả văn hóa và giáo dục đều phải đổi mới cho phù hợp và thích ứng với thời đại. “Để vượt qua được những thách thức và cơ hội này, mỗi con người, mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc đều phải tăng cường giáo dục, học tập không mệt mỏi… để nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển đất nước và tăng cường giao lưu hội nhập...” , PGS.TS Trần Lê Bảo nhấn mạnh.
Hà Phương-baovanhoa.vn