Đây là một trong những hội thảo về “Kinh nghiệm quốc tế về đổi mới Chương trình Giáo dục Phổ thông” trong khuôn khổ chương trình READ do Bộ phận thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (gọi tắt là Bộ phận thường trực) của Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng thế giới tại Hà Nội tổ chức.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của Ban cố vấn Quốc tế về kinh nghiệm đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cùng các đại biểu đến từ các Cục, Vụ, Nhà xuất bản Giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu đến từ các trường đại học Sư phạm, đại học Giáo dục và đông đảo các cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Đoàn Chủ tịch chủ trì và điều hành hội thảo là các thành viên của Ban cố vấn Quốc tế về kinh nghiệm đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Mở đầu, ông Đoàn Văn Ninh, đại diện Bộ phận thường trực, đã phát biểu khai mạc hội thảo và khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của Hội thảo trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khoá XI và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút chuẩn bị cho việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam cho giai đoạn sau 2015.
Chương trình Hội thảo ngày thứ nhất 07/7/2014 gồm hai nội dung:
- Về các thuật ngữ hỗ trợ cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
- Về cơ cấu tổ chức và thực hiện đổi mới
trên cơ sở đó có những đề xuất định hướng cho việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam sau năm 2015.
Thay mặt cho Ban cố vấn Quốc tế về kinh nghiệm đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, TS. Michael Kamil đã trình bầy báo cáo về Định nghĩa thuật ngữ nhằm hỗ trợ đổi mới chương trình giáo dục cho thế kỷ 21. Trong phần thuyết trình của mình, TS. Kamil đã trình bày các định nghĩa và một số nghiên cứu và quan điểm của nhóm nghiên cứu (do TS. Daniel Willingham và TS. Michael Kamil chuẩn bị) về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo tiếp cận năng lực, về năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự học và năng lực hợp tác, giao tiếp và các năng lực chung cần thiết khác trong phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Thay mặt cho Bộ phận thường trực, PGS.TS Đào Thái Lai, nguyên Trưởng phòng Quản lý Khoa học của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng có bài trình bày những định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện nay, quan điểm về các thuật ngữ năng lực, cách tiếp cận xây dựng chương trình và các năng lực chung cần thiết trong chương trình giáo dục phổ thông.
Đến buổi chiều, Hội thảo đã tiếp tục với các nội dung về Cơ cấu tổ chức và thực hiện đổi mới do TS. Catherine Chan, thành viên Ban cố vấn Quốc tế về kinh nghiệm đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và TS. Nguyễn Anh Dũng, Bộ phận thường trực, Nguyện Phó viện trưởng Viện KHGD Việt Nam trình bầy. Các báo cáo xoay quanh các chủ đề liên quan đến cấu trúc của chương trình dựa trên kinh nghiệm đổi mới của Hồng Kông gần đây và quan điểm, cách thức triển khai thực hiện của Việt Nam; cách bố trí thời gian và nhân lực cho việc đổi mới, các cơ cấu tổ chức các ban biên sọan chuẩn và tài liệu về phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và quản lý giáo dục trong bối cảnh đổi mới.
Đã có nhiều ý kiến phát biểu, chia sẻ quan điểm và đặt câu hỏi của các đại biểu ở phần thảo luận. Các ý kiến hầu hết tập trung làm rõ hơn các thuật ngữ, các xu thế, kinh nghiệm quốc tế và của Hồng Kông về quá trình xây dựng, phát triển chương trình theo định hướng phát triển năng lực, các khó khăn, thách thức và quan điểm của các chuyên gia trong nước và quốc tế về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Các trao đổi, chia sẻ của các chuyên gia quốc tế đều khẳng định, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực là cách tiếp cận “tham vọng cần thiết”, phù hợp với xu thế quốc tế, nhưng cần rất thận trọng và có sự chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, có lộ trình triển khai, thực hiện phù hợp để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, cần tăng cường công tác truyền thông để huy động và tham vấn ý kiến của tất cả các bên liên quan, đồng thời tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội trong công cuộc đổi mới giáo dục, và cần chú ý rằng giáo dục là hướng đến giúp học sinh có khả năng học suốt đời cũng như có được cuộc sống chất lượng hơn...
Kết thúc ngày Hội thảo thứ nhất, Đoàn Chủ tịch đã tổng kết các kết quả đã đạt được, những vấn đề đã thống nhất cũng như các vấn đề còn tiếp tục được quan tâm và làm rõ, hoan nghênh những đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo và đề nghị các đại biểu tiếp tục có những chia sẻ sâu hơn nữa để có những đề xuất cụ thể hơn cho việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam sau 2015 trong các ngày Hội thảo tiếp theo.
Dự kiến chương trình Hội thảo các ngày tiếp theo bao gồm các nội dung cụ thể sau:
Ngày 08/7/2014 - Chương trình giáo dục và chuẩn môn Ngôn ngữ và Đọc hiểu: Đổi mới Chương trình Đọc hiểu và Ngôn ngữ; Chương trình Ngữ Văn Việt Nam; Công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình Ngôn ngữ/Đọc hiểu ở trường tiều học; Mở rộng khái niệm đọc hiểu thông qua tích hợp liên môn; Chương trình Ngôn ngữ và Đọc hiểu của Hồng Kông.
Ngày 10/7/2014 - Chuẩn học tập trong lớp học và các vấn đề khác: Triển khai chuẩn học tập; Tổ chức hỗ trợ thực hiện ngoài lớp học.