CBM là một tổ chức quốc tế với sứ mạng xây dựng một thế giới gồm tất cả người khuyết tật được hưởng các quyền con người và giúp họ phát triển đầy đủ các tiềm năng. Tất cả 11 thành viên hiệp hội CBM cung cấp mối kiên kết giữa những người khuyết tật ở những nơi nghèo nhất trên thế giới với những người có nguồn lực và có mong muốn được giúp đỡ. CBM thực hiện các cuộc vận động quốc gia, các chiến dịch nâng cao nhận thức để đảm bảo rằng các quyền và nhu cầu của người khuyết tật trong các cộng đồng nghèo không bị lãng quên.
Bà Nicola J. Crews hiện là chuyên gia của CBM Vương quốc Anh, là giáo viên đã tham gia dạy học và hỗ trợ giáo viên có học sinh khiếm thị tại một số nước. Nội dung bà trình bày tại seminar là một phần chương trình tập huấn cho giáo viên có học sinh khiếm thị tại Vương quốc Anh.
Đến dự seminar có dự tham dự của bà Vương Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biệt, cùng các giáo viên thuộc các trường học có hỗ trợ học sinh khiếm thị (trường Khánh An, trường Nguyễn Đình Chiểu, trường khiếm thị Hải Phòng), các giảng viên thuộc khoa Giáo dục Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm, các chuyên gia thuộc Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hải Phòng, và các cán bộ nghiên cứu của Viện quan tâm tới dự.
Theo bà Nicola, chúng ta tiếp nhận 75% lượng thông tin về môi trường xung quanh qua đôi mắt. Do đó, trước tiên để dạy học sinh nhìn kém thì giáo viên cần phải biết được các em gặp vấn đề gì về thị giác. Các em có thể bị đục thủy tinh thể, võng mạc tiểu đường, thoái hóa hoàng điểm, tăng nhãn áp, bán thị trường (hemianopia), thoái hóa sắc tố võng mạc hay rung giật nhãn cầu. Hiểu được từng dạng, người hướng dẫn có thể giúp từng học sinh tiếp cận thông tin qua thị giác tốt hơn.
Và để học sinh nhìn kém có thể tiếp nhận được thông tin dễ dàng hơn, bà Nicola đã đưa ra các nhóm giải pháp mà giáo viên có thể thực hiện, cụ thể như sau:
- Các giải pháp công nghệ thấp: tăng cỡ chữ in, cung cấp đủ ảnh sáng trong lớp học, sử dụng mầu sắc có độ tương phản để làm nổi bật chủ thể.
- Các giải pháp công nghệ cao: sử dụng các thiết bị hỗ trợ (kính gọng, giá đọc tài liệu, các loại kính lúp) với các nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng.
- Điều chỉnh tài liệu phù hợp với học sinh nhìn kém: giáo viên cần xác định loại tài liệu và cách sử dụng phù hợp với học sinh nhìn kém, nội dung tài liệu cần được giản lược, văn bản cần được trình bày đơn giản, dễ nhìn, trên loại giấy không bị lóa và đủ dày để không hiện chữ in sau mặt giấy.
Nội dung trình bày được xây dựng với các tình huống sư phạm giúp đại biểu cùng thực hiện và thảo luận với nhau.
Seminar khoa học “Một số vấn đề chung về nhìn kém” được tổ chức và kết thúc trong ngày.