Hội thảo tham vấn “Đánh giá xây dựng xã hội học tập cấp xã trong việc góp phần xây dựng nông thôn mới”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 04/10/2016, tại hội trường số 4 Trịnh Hoài Đức, Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Không chính quy tổ chức hội thảo “Chia sẻ kế quả khảo sát thực trạng xây dựng xã hội học tập cấp xã trong việc góp phần xây dựng nông thôn mới”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam với Liên hợp quốc trong chương trình “Hỗ trợ của Liên hợp quốc cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới” do bảy cơ quan thuộc Liên hợp quốc thực hiện (UNIDO, UNESCO, ILO, IOM, UNV, IFAD, FAO).

Về phía Viện, có ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Không chính quy, chủ trì hội thảo; Bà Trần Thị Thái Hà, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực; đại diện các phòng chức năng thuộc Viện; cùng toàn thể nghiên cứu viên của đơn vị tham dự.

Về phía khách mời, có bà Phạm Ngọc Hải, đại diện Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lương Đức Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh hóa; ông Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Đông In, Đông Sơn, Thanh Hóa; và đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Nội dung hội thảo tập trung vào vấn đề xác định vai trò, tác động của việc xây dựng xã hội học tập trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Mục đích hội thảo là chia sẻ, thảo luận về kết quả khảo sát thực trạng kết quả xây dựng xã hội học tập cấp xã trong việc góp phần xây dựng nông thôn mới và những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng xã hội học tập ở địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới.
  

Bà Bùi Thanh Xuân, Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Không chính quy, khái quát về hoạt động nghiên cứu và tiến độ thực hiện

Kết quả khảo sát 360 đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên/hướng dẫn viên và người dân tại 9 xã thuộc 3 tỉnh Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Đồng Nai cho thấy:

- Cán bộ quản lý và người dân có nhận thức đúng đắn về vai trò, đóng góp của việc xây dựng xã hội học tập;

- Công tác khảo sát nhu cầu học tập được thực hiện tốt; các nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ và người dân được tổ chức thường xuyên;

- Việc xây dựng xã hội học tập cấp xã góp phần xây dựng nông thôn mới, cụ thể là lợi ích của cán bộ và người dân khi tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong cộng đồng; tác động vào việc thực hiện các tiêu chí xây dựng công đồng học tập cấp xã; vai trò quan trọng của trung tâm học tập cộng đồng trong việc xây dựng nông thôn mới,..

- Sự quan trọng việc liên kết giữa cơ sở giáo dục không chính quy với cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

- Những khó khăn trong việc xây dựng xã hội học tập tại địa phương là sự di cư lao động, vấn đề môi trường, cơ sở vật chất và quy hoạch các công trình công cộng.
 
Ông Lương Đức Hạnh chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng xã hội học tập tại tỉnh Thanh Hóa

Là địa phương tham gia khảo sát, cũng là địa phương tiên phong trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa cho thấy sự hiệu quả khi có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Từ việc chia sẻ và thảo luận kết quả khảo sát và kinh nghiệm của Thanh Hóa, ông Nguyễn Minh Tuấn tổng kết các bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng xã hội học tập góp phần xây dựng nông thôn mới, làm cơ sở đề xuất các giải pháp giúp quá trình xây dựng xã hội học tập tại các địa phương hiệu quả và bền vững hơn.