Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông trong kỉ nguyên số’’

11/11/2021 14:13 GMT+7
Ngày 10/11/2021, trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (06/12/1961 – 06/12/2021), Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông Quốc gia – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông trong Kỉ nguyên số”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ GD&ĐT, cùng lãnh đạo một số Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục và các trường phổ thông.

  
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông Quốc gia nhắc tới sự kì diệu của công nghệ tạo nên những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, những sáng tạo đột phá của kỉ nguyên số cũng đặt ra nhiều thách thức khi sự dịch chuyển mô hình diễn ra trên mọi phương diện xã hội trong đó có hệ thống giáo dục, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm thay đổi gần như hoàn toàn phương thức học tập trên toàn thế giới. Trước bối cảnh chung đó, ông mong muốn tạo một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và các thầy, cô giáo… trao đổi, thảo luận, đánh giá những nội dung lý luận và thực tiễn có liên quan đến vấn đề về Giáo dục phổ thông trong kỉ nguyên số, như Phát triển chương trình giáo dục phổ thông, các mô hình giáo dục phổ thông, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, các vấn đề về tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn liên quan đến giáo dục phổ thông.
  
Hội thảo diễn ra với ba phiên thảo luận dưới góc nhìn của các chuyên gia giáo dục hàng đầu. Trong phiên đầu buổi sáng của Hội thảo “Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông trong kỉ nguyên số”, Dr Goh Chor Boon của Viện giáo dục Singapore (NIE) trao đổi xung quanh câu hỏi: liệu Việt Nam có thể “chuyển đổi giáo dục” thành công hay không? Diễn giả cũng liên kết cuộc thảo luận với chiến lược khoa học và công nghệ của Việt Nam và sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
  
Tiếp đến, TS. Lương Việt Thái, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tóm tắt một số nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam góp phần xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Trong đó đáng chú ý là nghiên cứu đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; Nghiên cứu các lí luận hiện đại về phát triển chương trình (phát triển năng lực, xây dựng chuẩn giáo dục phổ thông, quan điểm dạy học tích hợp, dạy học phân hoá, xây dựng tiêu chí đánh giá chương trình…). Các nghiên cứu đóng góp cơ sở khoa học quan trọng cho những định hướng đổi mới của CTGDPT 2018. Song song với đó là xây dựng chuẩn đánh giá năng lực, cách thức triển khai dạy học phân hóa ở THPT, dạy một số môn tích hợp phù hợp thực tiễn đa dạng các địa phương, nhà trường; Sự thể hiện, cách thức thực hiện, đánh giá các năng lực cốt lõi trong môi trường số, bối cảnh CM 4.0…
  
  
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của TS Đoàn Thị Thúy Hạnh phân tích, đánh giá thực trạng việc triển khai tài liệu giáo dục địa phương cấp Tiểu học theo Chương trình GDPT năm 2018 và đề xuất một số giải pháp cụ thể như: (1) Hướng dẫn biên soạn tài liệu nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học (quy trình biên soạn, khung nội dung, cấu trúc tài liệu) thống nhất chung của toàn quốc, từ đó, mỗi địa phương căn cứ vào đặc điểm tỉnh mình sẽ đưa nội dung giáo dục phù hợp; (2) Xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương.
  
Phiên 2 với chủ đề Mô hình giáo dục phổ thông. Trong bài tham luận “Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam đáp ứng các yêu cầu thay đổi của xã hội”, TS. Lê Đông Phương chỉ ra hệ thống giáo dục đang dần được đa dạng hóa về cấp học, trình độ đào tạo cũng như phương thức học tập, giáo dục phổ thông ổn định và trở thành nền tảng của mục tiêu phát triển dân trí, phát hiện nhân tài. Tuy nhiên cơ cấu hệ thống giáo dục hiện đang bị chi phối bởi quá nhiều văn bản pháp quy khác nhau, đôi khi còn trái ngược nhau, không theo thông lệ chung của quốc tế. Các thay đổi về công nghệ và khoa học giáo dục đang đặt ra đòi hỏi cấp thiết về đổi mới tiếp tục hệ thống giáo dục để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi có những đổi mới mạnh mẽ tiếp theo.
  
  
Nhóm nghiên cứu của ThS. Phan Thị Bích Lợi tổng quan những quan niệm về dạy học kết hợp và phân tích một số mô hình dạy học kết hợp phổ biến trên thế giới. Dựa trên kết quả khảo sát thực trạng, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất vận dụng mô hình dạy học kết hợp vào điều kiện thực tiễn của nhà trường Tiểu học ở Việt Nam đáp ứng việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
  
  
Phiên 3 với chủ đề “Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông”. Các tham luận khái quát một số nét chính trong các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên ở Việt Nam và một số mô hình bồi dưỡng giáo viên hiệu quả trên thế giới, từ đó, đề xuất một số kiến nghị cho công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông ở Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Minh Phượng, trong nội dung trình bày về “công tác kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông từ khuôn khổ pháp lý đến triển khai”, cho rằng kết quả kiểm định chất lượng là cơ sở để các trường và Bộ, Sở, Ban, Ngành xác định định hướng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc xây dựng văn bản thực hiện kiểm định chất lượng và thực hiện tự đánh giá sẽ giúp nhà trường và Bộ, Sở, Ban, Ngành giáo dục ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển trong quản lý giáo dục.
  
Ở cuối phiên buổi chiều, Dr. Stéphan Vincent-Lancrin, OECD, kết lại hội thảo với một bài trình bày mang tính gợi mở về tiềm năng của công nghệ thông minh trong chuyển đổi giáo dục.
 
Tin bài: Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam
Ảnh: Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông Quốc gia