Hội thảo “Thực trạng đội ngũ nhà giáo và việc thực thi pháp luật những chính sách quốc gia đối với nhà giáo tại Việt Nam”
Ngày 22/11/2021, Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục tổ chức hội thảo “Thực trạng đội ngũ nhà giáo và việc thực thi pháp luật những chính sách quốc gia đối với nhà giáo tại Việt Nam”. Nội dung hội thảo nằm trong khuôn khổ đề án “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất xây dựng Luật Nhà Giáo”, mã số KHGD/16-20.Đ.A.003.
Tham dự hội thảo có GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đội ngũ chuyên gia của Viện, đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà khoa học thuộc các cơ sở giáo dục trong nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu tầm quan trọng của nhà giáo trong một nền giáo dục nói chung, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thực thi pháp luật những chính sách đối với nhà giáo tại Việt Nam. Ông mong muốn hội thảo sẽ đi sâu thảo luận ba vấn đề: 1) làm thế nào thu hút học sinh giỏi đăng kí học các trường sư phạm; 2) chính sách đào tạo, phát triển chuyên môn cho các thầy cô đang tham gia công tác giảng dạy là gì; 3) chính sách sử dụng nhà giáo như thế nào để phát huy tối đa nguồn lực then chốt cho sự phát triển của một quốc gia này.
Ông Trần Công Phong trình bày báo cáo tại hội thảo
GS.TS. Trần Công Phong, chủ nhiệm đề tài, thay mặt nhóm nghiên cứu đưa ra năm đổi mới trong nghiên cứu khung chính sách. Một là thay đổi tiếp cận quản lý nhà nước đội ngũ nhà giáo ở Việt Nam hiện nay sang tiếp cận phát triển nguồn nhân lực (do qui mô lớn, tính chất của hệ thống giáo dục đa dạng và phức tạp). Hai là nâng dần mức độ luật hóa các điều qui định liên quan đến đội ngũ nhà giáo và nghề dạy học dựa trên hệ sinh thái quản lý nhà nước đội ngũ nhà giáo và nghề dạy học trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ba là định hướng hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước: các văn bản luật nào cần bổ sung, hoàn thiện. Bốn là điều chỉnh các bất cập (khái niệm, khung chính sách...). Năm là khung chính sách nhà giáo và nghề dạy học: phải dựa trên lao động đặc thù của nhà giáo và nghề dạy học, vị thế nhà giáo trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề cập đến những chính sách cơ bản trong khung phân tích chính sách, bao gồm tám nhóm vấn đề 1) Nhà giáo, tính chuyên nghiệp và vị thế đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh đổi mới giáo dục; 2) Quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ, của nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; 3) Vấn đề tuyển sinh, đào tạo để trở thành nhà giáo; 4) Vấn đề bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo; 5) Vấn đề tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, sàng lọc đội ngũ nhà giáo; 6) Vấn đề chính sách đãi ngộ, lương và các điều kiện làm việc của nhà giáo; 7) Vấn đề tôn vinh, khen thưởng nhà giáo; 8) Vấn đề hội nhập đối với công tác phát triển đội ngũ nhà giáo.
Trong phần trao đổi và thảo luận với chuyên đề “Quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”, PGS. TS. Đặng Quốc Bảo khẳng định vị thế cao quý của nhà giáo trong xã hội. Tuy nhiên hiện nay có những người không được đào tạo bài bản nhưng lại làm nghề dạy (ví dụ như nghệ nhân truyền nghề), vậy có nên thêm vào chính sách cho những người làm nghề dạy học không. PGS. TS. Vũ Trọng Rỹ cho rằng chuyên đề đã có sự nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc, xác đáng, đầy sức thuyết phục.
Với chuyên đề “Vấn đề tuyển sinh, đào tạo để trở thành nhà giáo”, nhóm nghiên cứu cho thấy một bức tranh toàn cảnh, đa chiều từ các góc nhìn khác nhau. Đó là hệ thống chính sách liên quan đến nhà giáo còn tản mạn, một số văn bản quản lý chưa thực sự đồng bộ, chưa rõ, chưa đầy đủ và thiếu sự thống nhất, do đó cần sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các qui định để dễ vận dụng và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho giáo dục. GS. TS. Đinh Quang Báo, Đại học Sư Phạm Hà Nội cho rằng quy trình đào tạo khoa học cơ bản và khoa học sư phạm cần phải xem xét nghiên cứu sâu sắc hơn, chuẩn hóa hơn quy trình đào tạo sinh viên sư phạm để trở thành nhà giáo.
Chuyên đề “Vấn đề lương và các điều kiện làm việc của nhà giáo”, TS. Hoàng Đức Minh đặt ra câu hỏi với hai nội dung của chuyên đề: hiện nay lương của nhà giáo đang ở đâu trên thang bậc lương? Ông cho rằng lương và các điều kiện làm việc của nhà giáo chưa đủ sức thuyết phục để thu hút nhân tài, và ông mong muốn đề án làm rõ hơn hai từ khóa “vị trí việc làm” và “tính chuyên nghiệp”. PGS. TS. Trần Kiều đồng tình với ý kiến của TS. Hoàng Đức Minh và hi vọng sẽ có được Luật Nhà Giáo, tách bạch nhà giáo ra khỏi Luật Viên Chức.
Chuyên đề “Vấn đề hội nhập đối với công tác phát triển đội ngũ nhà giáo”, PGS. TS. Phạm Vũ Phi Hổ cho rằng cần phải làm rõ hơn nữa vấn đề dân tộc trong hội nhập với công tác phát triển đội ngũ nhà giáo.
Ở phiên thảo luận, các thành viên đề án tích cực thảo luận các đại biểu tham dự. Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia là cơ sở để thiện nội dung đề án.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam