Seminar khoa học “Giáo dục trong đại dịch Covid-19: Từ chính sách đến thực tiễn”
Chiều ngày 16/3/2022, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc tổ chức Seminar khoa học “Giáo dục trong đại dịch Covid-19: Từ chính sách đến thực tiễn” theo hình thức trực tuyến.
Tham dự buổi Seminar khoa học có GS. Lê Anh Vinh -Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, TS. Bangran Ryu - Chủ tịch Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc (KEDI) cùng các nghiên cứu viên, chuyên viên của hai đơn vị đồng tổ chức. Ngoài ra, Seminar đã thu hút sự quan tâm của gần 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, sinh viên của hai nước Hàn Quốc và Việt Nam.
Ông Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc seminar khoa học
Phát biểu khai mạc, ông Lê Anh Vinh và bà Bangran Ryu đều bày tỏ sự vui mừng với sự kiện Webminar lần này là sự khởi đầu tốt đẹp cho sự hợp tác giữa hai viện nghiên cứu. Đại dịch Covid-19 gây ra sự gián đoạn lớn nhất chưa từng có trong giáo dục, ảnh hưởng đến người học và giáo viên ở hầu hết các quốc gia, từ các trường mầm non đến trung học, các cơ sở giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, các trường đại học, quá trình học tập của người lớn và phát triển kỹ năng. Đến năm 2021, đại dịch đã ảnh hưởng đến 94% người học trên toàn cầu, tương đương 1,58 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên ở 200 quốc gia, từ giáo dục mầm non đến đại học. Đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động học thông thường với việc đóng cửa trường học trên toàn quốc ở hầu hết các quốc gia Châu Á bao gồm Việt Nam và Hàn Quốc. Đảm bảo tính liên tục của việc học trong thời gian trường học đóng cửa trở thành ưu tiên của các chính phủ trên thế giới, nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng Công nghệ thông tin, yêu cầu giáo viên chuyển sang cung cấp bài học trực tuyến.
Bà Bangran Ryu đề cập những thách thức của giáo dục Hàn Quốc trong bối cảnh đại dịch
Mặc dù các chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể để duy trì việc học liên tục trong thời kỳ này, nhưng thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Trẻ em và học sinh, ở một mức độ nào đó, phải dựa nhiều hơn vào các nguồn lực của riêng mình để tiếp tục học từ xa thông qua Internet, truyền hình hoặc đài phát thanh. Giáo viên cũng phải thích ứng với các khái niệm sư phạm mới và các phương thức giảng dạy mà họ có thể chưa được đào tạo hoặc sử dụng trước đây. Tuy nhiên, theo nhiều cách, khủng hoảng giống như một nút khởi động lại, buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về cách dạy và học theo những cách thông minh và tốt hơn. Đại dịch Covid-19 có thể khiến tạm ngừng việc học tập tại trường học nhưng không thể dừng giáo dục. Vì vậy, thay vì chờ đợi quay trở lại quá khứ hoặc chờ đợi sự thay đổi để bình thường hóa, cách tiếp cận tốt nhất của chúng ta là nắm bắt cơ hội, ứng dụng công nghệ tiên tiến để học sinh được hưởng sự giáo dục có chất lượng.
Seminar được tổ chức với mong muốn tạo một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và các thầy, cô giáo, sinh viên ở cả Việt Nam, Hàn Quốc trao đổi các ý tưởng và thảo luận về những kinh nghiệm và bài học trong việc ứng phó với đại dịch trong hai năm qua, cũng như về các giải pháp cần thực hiện để bảo đảm chất lượng giáo dục và thúc đẩy các sáng kiến giáo dục mới.
Theo chương trình làm việc, Phiên 1 với chủ đề “Giáo dục trong đại dịch Covid-19” dưới sự điều hành của ông Đỗ Đức Lân - Viện KHGDVN diễn ra với 02 báo cáo chính và đan xen phần thảo luận, hỏi đáp.
Bà Hyejin Kim trình bày cách tiếp cận giáo dục của Hàn Quốc trong đại dịch
Báo cáo “Cách thức ứng phó với Covid-19 của Giáo dục Hàn Quốc”, bà Hyejin Kim - Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc nhấn mạnh đến việc cần tăng cường tiếp cận giáo dục trong đại dịch để không nhóm học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Với phương thức học trực tiếp thì cần đảm bảo môi trường học tập an toàn, đảm bảo sức khoẻ cho cả người dạy và người học; với phương thức học trực tuyến thì tạo nền tảng để hỗ trợ giáo viên, cho phép giáo viên truy cập thông tin đầy đủ, có sự kết nối với các bên liên quan như phụ huynh, các chuyên gia giáo dục, các nhà cung cấp dịch vụ và học liệu. Báo cáo cũng chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thành tích học tập của học sinh, ở cấp độ quốc gia, tiêu chuẩn về kết quả cần đạt đối với các môn ngôn ngữ, toán học và tiếng Anh đều giảm sút so với các năm học trước.
Bà Bùi Thị Diển trình bày nỗ lực của Việt Nam hỗ trợ học sinh học tập trực tuyến
Báo cáo “Cách thức ứng phó với Covid-19 của Giáo dục Việt Nam”, bà Bùi Thị Diển - Viện KHGDVN giới thiệu chương trình “Sóng và máy tính cho em” của chính phủ Việt Nam được thực hiện từ tháng 9/2021 nhằm hỗ trợ máy tính cho học sinh, giáo viên và mạng Internet để kết nối học trực tuyến. Ngoài ra, để thích ứng với việc dạy và học trong đại dịch, kế hoạch giáo dục của nhà trường linh động hơn, thay đổi chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt là việc đánh giá kết quả giáo dục có sự tham của công nghệ thông tin.
Tiếp theo chương trình, bà Hyowon Park - Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc điều hành Phiên 2 với chủ đề “Các giải pháp, bài học kinh nghiệm trong giáo dục thời kì đại dịch Covid-19”.
Ông Minchul Shin chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Báo cáo “Covid-19, cơ hội cho sự đổi mới”, ông Minchul Shin - Trường tiểu học Daegu Jinwolm chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy - học. Ông đã cống hiến hết mình để truyền bá phương pháp học dựa trên Edtech trong các trường học và đưa ra những trường hợp sáng tạo trong lớp học. Khi tất cả các trường học ở Hàn Quốc bị đóng cửa bởi Covid-19, ông đã mở trường học trực tuyến Hakgyogaja.com (Hãy đi học) với các giáo viên từ khắp nơi trên đất nước bằng cách sử dụng các nền tảng cộng tác trực tuyến. Hakgyogaja.com đã góp phần giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh điều chỉnh việc học trực tuyến và đưa ra mô hình tuyệt vời cho giáo dục trực tuyến trong Covid-19.
Bà Lê Thị Mai Hương chia sẻ kinh nghiệm của nhà trường đối với dạy học trực tuyến
Báo cáo “Chủ động và linh hoạt tổ chức dạy và học trong thời kì Covid-19”, bà Lê Thị Mai Hương - Trường TH, THCS & THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục đưa 05 bài học kinh nghiệm của nhà trường: Vai trò của hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn rất quan trọng, nếu người đứng đầu tham gia và cùng thực hành với giáo viên thì toàn thể đội ngũ cùng đồng lòng và tin tưởng làm việc cùng nhau; Ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học yêu cầu sự linh hoạt và kỉ luật, cần có một nền tảng trực tuyến thống nhất với các yêu cầu chung cho toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh, đảm bảo dễ tương tác và điều hành; Hỗ trợ giáo viên, phụ huynh và học sinh theo quy trình chung; Tìm kiếm sự hỗ trợ và đồng hành của các bên liên quan; Tiếp tục áp dụng Công nghệ thông tin trong dạy học kể cả khi học sinh ngay trở lại trường học.
Phiên trao đổi của buổi seminar
Kết thúc buổi Seminar khoa học, bà Eun Young Kim - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc và ông Đỗ Đức Lân - Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện KHGDVN gửi lời cảm ơn các chuyên gia, diễn giả, giáo viên và các nhà giáo dục đã hỗ trợ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc trong nỗ lực tổ chức Seminar khoa học có ý nghĩa này. Hai bên đều bày tỏ mong muốn trong tương lai sẽ có nhiều sự hợp tác vì sự phát triển của hai đơn vị nói riêng, cũng như của ngành giáo dục hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc nói chung.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam
Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế