Hội thảo tổng kết dự án “Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam”

11/08/2022 22:31 GMT+7
Trong 02 ngày, 11-12/8/2022, tại trụ sở số 04 Trịnh Hoài Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án “Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam” (Research on Improving Systems of Education - RISE) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Dự án Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam (RISE VN) là chương trình nghiên cứu từ năm 2016 đến 2022 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) phối hợp với Đại học Minnesota, Hoa Kỳ thực hiện, được tài trợ bởi Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và Bộ Ngoại giao & Thương mại của Chính phủ Australia (DFAT). Chương trình nghiên cứu sẽ làm sáng tỏ những kết quả học tập ở bậc tiểu học và trung học ở Việt Nam, những bài học có thể rút ra cho các nước đang phát triển khác và những gì Việt Nam có thể học được từ chính thành công của mình để tiếp tục cải thiện hệ thống giáo dục. Kết quả từ nghiên cứu này sẽ cung cấp những hiểu biết sâu sắc cho Việt Nam để tăng cường cải cách hệ thống giáo dục và có thể thông báo các chính sách nhằm giúp các nước khác nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.
 

Viện trưởng Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Lê Anh Vinh gửi lời chúc mừng tới nhóm nghiên cứu gồm nhiều các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, đến từ nhiều quốc gia với những lĩnh vực chuyên môn khác nhau, cùng nhau nỗ lực, tâm huyết thực hiện một khối lượng công việc nghiên cứu khổng lồ trong thời gian qua. Kết quả nghiên cứu sẽ luận giải những thành tựu cũng như trở ngại đối với giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 1990 - 2015. Không thể phủ nhận, giáo dục Việt Nam có những chuyển biến lớn, cải thiện đáng kể trong việc giảm sự bất bình đẳng trong tiếp cận và chất lượng giáo dục; tuy nhiên, cũng còn những bất cập về chất lượng nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất,… Kết quả nghiên cứu được phân tích dựa trên bộ dữ liệu được thu thập công phu từ 140 trường tiểu học và 100 trường THCS thuộc 23 tỉnh/ thành trong vòng 05 năm với sự phối hợp của các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&DT và các Sở GD&ĐT địa phương. Ông hy vọng trong hai ngày, Hội thảo sẽ có được những ý kiến trao đổi, thảo luận chất lượng, hiệu quả và có ý nghĩa.
  

Bà Michelle Kaffenberger trình bày những kết quả chính trên nền tảng trực tuyến
  
Tiếp theo, bà Michelle Kaffenberger, Trưởng ban điều hành Dự án RISE toàn cầu giới thiệu tóm tắt những kết quả chính đạt được của dự án khi thực hiện ở 07 quốc gia: Việt Nam, Indonesia, Pakistan, Ấn Độ, Tanzania, Ethiopia, Nigeria. Các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng những công bố kết quả của dự án có tác động to lớn đối với nền giáo dục các nước với 05 hành động nổi bật: (1) Cam kết lấy học tập nền tảng như một mục đích cốt lõi của hệ thống giáo dục; (2) Đo lường việc học càng sớm càng tốt, từ phản hồi cho đến giảng dạy; (3) Điều chỉnh mục tiêu học tập phù hợp với trình độ học tập của học sinh, đồng thời duy trì các mục tiêu mạnh mẽ để đạt được thành tích phổ cập; (4) Hỗ trợ thực hành giảng dạy và học tập hiệu quả; và (5) Điều chỉnh các chính sách và thực tiễn để đạt được tiến bộ bền vững trong bối cảnh địa phương.
  

GS. Paul Glewwe trình bày kết quả nghiên cứu dự án
 
Ngay sau phần khai mạc, Phiên toàn thể là báo cáo “Tổng hợp những phát hiện chính từ nhóm nghiên cứu RISE Việt Nam” với sự trình bày của GS. Paul Glewwe và GS. Joan DeJaeghere - Đại học Minnesota, Hoa Kỳ và ông Jonathan London - Đại học Leiden, Hà Lan tập trung phân tích các vấn đề: Tóm tắt các kết quả nghiên cứu định lượng của nhóm nghiên cứu RISE Việt Nam, những thực hành giảng dạy hướng tới chất lượng giảng dạy tại Việt Nam, và báo cáo về kinh tế - chính trị của hệ thống giáo dục Việt Nam.
 

GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến thảo luận về các kết luận mới của nhóm nghiên cứu
 
Phiên thảo luận là những ý kiến nhận định của các diễn giả: GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến - Nguyên Phó Viện trưởng Viện KHGDVN, TS. Tạ Ngọc Trí - Bộ GD&ĐT và PGS.TS. Phạm Thị Thanh Hải - Đại học Giáo dục. Các chuyên gia đều đánh giá cao các kết quả nghiên cứu đa ngành, có chiều sâu và toàn diện về giáo dục Việt Nam liên quan đến: chính sách giáo dục, những thay đổi về phương pháp dạy học và đánh giá học sinh, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên,… Để tham vấn cải thiện giáo dục Việt Nam, các ý kiến chủ đạo xoay quanh các vấn đề: cải thiện năng lực sư phạm của giáo viên vì điều này có sự tác động mạnh mẽ đến kết quả học tập của học sinh; quy trình tuyển dụng, sử dụng và đào tạo giáo viên ở các cấp học rất quan trọng, các giáo sinh sư phạm cần được thực hành tại các cơ sở giáo dục; đúc rút kinh nghiệm từ hiệu quả vận hành dạy - học trong đại dịch Covid-19; hệ thống phân cấp quản lý giáo dục cần hiệu quả hơn; nền giáo dục cần mở hơn, học sinh cần có tư duy phản biện tốt hơn, sáng tạo hơn, phát triển năng lực cá nhân tốt hơn;…
  
GS. Lê Anh Vinh đúc kết những bài học kinh nghiệm trong sự thành công của giáo dục Việt Nam qua ý kiến của các chuyên gia, đó là có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với giáo dục, sự gắn kết từ đào tạo giáo viên đến thực tiễn công tác giảng dạy, và sự gắn kết của gia đình, nhà trường và toàn xã hội đối với giáo dục.
 

Bà Nguyễn Thị Lan Phương trình bày mối liên hệ giữa kĩ năng lãnh đạo đến phát triển kĩ năng phi nhận thức
 
Cùng trong buổi làm việc buổi sáng, phiên họp chuyên đề đầu tiên với chủ đề “Các năng lực và hoạt động học tập phi nhận thức ở cấp trung học” diễn ra với sự điều hành của PGS.TS. Nguyễn Tiến Trung - Tạp chí Khoa học gồm bốn bài báo cáo. Mở đầu là báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trình bày báo cáo “Khám phá ảnh hưởng của kĩ năng lãnh đạo đến phát triển kĩ năng phi nhận thức bằng cách sử dụng phương pháp so sánh điểm xu hướng” đã đưa ra các nhận định: tố chất lãnh đạo có ảnh hưởng đến sự phát triển kĩ năng phi nhận thức, cần tạo cơ hội cho các học sinh đều có thể được thực hành vị trí lãnh đạo này. Ngoài ra kết quả nghiên cứu đã phân tích so sánh các yếu tố bình đẳng giáo dục (giới, thu nhập gia đình, trẻ dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật, trẻ di cư,…) và việc sử dụng ngôn ngữ Việt trong khảo sát.
 

TS. Lương Minh Phương đề cập việc dạy học tập cảm xúc xã hội trong môn Ngữ văn
 
Báo cáo thứ hai của TS. Lương Minh Phương - Đại học Hà Nội về “Dạy học tập cảm xúc xã hội (SEL) trong môn Ngữ văn” cho thấy: Việc giảng dạy SEL được thấy rõ trong thực tế giảng dạy ở một số lớp mặc dù giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về việc giảng dạy năng lực SEL là như thế nào và trông như thế nào; Mối liên hệ qua lại giữa dạy học dựa trên năng lực và dạy học SEL; Thực hành giảng dạy SEL phụ thuộc vào sự hiểu biết/ nhận thức của giáo viên về quan điểm văn hóa xã hội của bản thân và của học sinh về các khái niệm đã học, khả năng liên kết các khái niệm đã học với các vấn đề văn hóa xã hội và kinh nghiệm sống của học sinh; Nâng cao năng lực về dạy học SEL và dạy học dựa trên năng lực cho giáo viên nên nhấn mạnh cả kĩ năng nhận thức và phi nhận thức, và được thực hiện thông qua các khóa đào tạo dựa trên video (biểu hiện khác nhau của SEL trong các phân môn khác nhau của môn Ngữ văn).
 
Báo cáo của ThS. Khoa Vũ và ThS. Vũ Đào - Đại học Minnesota, Hoa Kỳ tập trung phân tích “Đánh giá tác động của mô hình VNEN của Việt Nam đối với kĩ năng nhận thức và phi nhận thức của học sinh” và “Mô hình dạy học VNEN hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số trong hoạt động học tập như thế nào?”. Các tác giả cũng mong muốn sẽ có cơ hội tiếp tục nghiên cứu thêm về ảnh hưởng của mô hình VNEN đối với phát triển kĩ năng phi nhận thức của học sinh dân tộc thiểu số.
 
Kết thúc phiên 1 là báo cáo do TS. Dương Bích Hằng - Đại học Minnesota, Hoa Kỳ về “Nhận thức của giáo viên về năng lực và dạy học dựa trên năng lực ở Việt Nam” trình bày. Các tác giả đưa ra khuyến nghị cần thay đổi phương pháp giảng dạy hướng đến phát triển năng lực, như nhấn mạnh vào ứng dụng thực tế (học kĩ năng sống), học tập dựa trên các tình huống thực/ các vấn đề trong cuộc sống thực, đánh giá liên tục/ không chính thức về sự tiến bộ của người học trong quá trình phát triển năng lực, thực hành các kĩ năng ứng dụng thông qua hoạt động đóng vai, trò chơi, các hoạt động ngoại khóa,…
 

Các đại biểu tham dự hội thảo tại hội trường
 
Theo chương trình, hội thảo tiếp tục với phiên 2 về chinh sách giáo dục, phiên 3 về các yếu tố ảnh hưởng đến giảng dạy và học tập, phiên 4 về dạy và học trong và sau đại dịch COVID-19, và phiên 5 về đánh giá và hiệu quả học tập.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam