Hội thảo công bố Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Chiều ngày 24/05/2025, tại trụ sở Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, 344 Kim Mã, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, công bố Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Công nghệ trong Giáo dục: Công cụ cho những đối tượng nào?”. Hội thảo được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc; ông Nguyễn Sơn Hải, Cục Trưởng Cục Công nghệ thông tin. Về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng các đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu. Về phía Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, có ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện; bà Miki Nozawa, Trưởng phòng Giáo dục cùng các chuyên gia giáo dục của đơn vị. Về phía Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), có ông Arnold John Siena, Phó Giám đốc Chương trình & Phát triển. Ngoài ra, hội thảo thu hút các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của các tổ chức, cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, ông Jonathan Baker vui mừng chào đón các vị đại biểu tham dự sự kiện công bố Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu năm 2023 cho Khu vực Đông Nam Á với chủ đề công nghệ trong giáo dục. Ông cho biết Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu là ấn phẩm độc lập hàng năm được UNESCO biên soạn và xuất bản nhằm giúp các đối tác thực hiện các cam kết của mình theo các Mục tiêu Phát triển Bền vững. UNESCO đánh giá cao sự đóng góp của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong việc thực hiện nghiên cứu điển hình về Việt Nam, đồng thời sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ Việt Nam và tất cả các bên liên quan trong các hoạt động trong tương lai.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu chào mừng hội thảo. Chính phủ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn coi công nghệ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển giáo dục, từ những chính sách quốc gia toàn diện, nhất quán, đến những đề án cụ thể đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo, để thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển bền vững 4 của Liên Hợp Quốc.Ông hoan nghênh vai trò tham gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khi thực hiện một trong 9 nghiên cứu điển hình quốc gia. Báo cáo đã những phân tích, nhận định khách quan, độc lập, có những khuyến nghị dựa trên minh chứng cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ông kì vọng thông qua sự kiện công bố này, chúng ta sẽ xây dựng được một cộng đồng giáo dục mạnh mẽ, đoàn kết, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển bền vững của giáo dục trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo chương trình, TS. Manos Antoninis, Chủ nhiệm Báo cáo, chia sẻ các tiếp cận của báo cáo. Ông cho biết nội dung trong báo cáo truyền tải tới tất cả các quốc gia trên thế giới là trước khi đầu tư vào công nghệ giáo dục, chúng ta cần xem xét những vấn đề nào. Chúng ta cần tự hỏi liệu việc áp dụng công nghệ này có phù hợp với người học không, tức là có giúp nâng cao kết quả học tập hay không? Liệu việc áp dụng đó có công bằng hay không, hay sẽ khiến một số đối tượng người học bị bỏ lại phía sau? Liệu việc áp dụng công nghệ có thể nhân rộng được không? Và vì vậy chúng ta phải tập hợp được các minh chứng rõ ràng thể hiện khả năng nhân rộng trên phạm vi cả nước. Và liệu việc áp dụng công nghệ đó có bền vững không, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội và môi trường.
Tiếp theo chương trình, TS. Anna D'Addio, Chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách trình bày những phát hiện chính và khuyến nghị trong Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu 2023 khu vực Đông Nam Á theo hình thức trực tuyến. Nội dung cho thấy nhiều kết quả tích cực như là hạ tầng số của các nước Đông Nam Á mở rộng nhanh, công nghệ giúp nâng cao tiếp cận các dịch vụ giáo dục, một số công nghệ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, sự phát triể các nội dung trực tuyến. Tuy nhiên, các mặt hạn chế cũng được ghi nhận. Cụ thể là công nghệ hiện chưa tạo ra sự chuyển biến trong giáo dục, thiếu thể chế trong phát triển nội dung trực tuyến, chưa phát huy hết tiềm năng công nghệ trong công tác quản lý giáo dục… Báo cáo đưa ra các căn nhắc khi sử dụng công nghệ trong giáo dục: Cá nhân hóa, thích ứng hay tính xã hội, tính hòa nhập hay sự loại trừ, lợi ích thương mại hay hàng hóa công cộng, hiệu quả ngắn hạn hay chi phí dài hạn.
Đối với trường hợp Việt Nam, ông Lê Anh Vinh trình bày thực trạng công nghệ trong giáo dục ở Việt Nam. Nội dung báo cáo tập trung ở năm vấn đề chính, bao gồm: công nghệ trong bình đẳng và tiếp cận giáo dục, công nghệ trong giáo dục phổ thông và đại học, công nghệ trong quản lý giáo dục; công nghệ trong nâng cao năng lực giáo viên; và thực trạng sử dụng công nghệ và kỹ thuật số. Dù khoảng cách số vẫn còn tồn tại tạo ra những cản trở lớn trong tiếp cận và bình đẳng giáo dục giữa các khu vực nhưng nhiều kết quả tích cực cũng được phân tích một cách chi tiết. Tại Việt Nam, công nghệ đã được áp dụng rộng rãi trong giáo dục phổ thông và đại học. Công nghệ được chú trọng trong công tác quản lý giáo dục, với hành lang pháp lý cụ thể hướng tới chiến dịch Chuyển đổi số quốc gia. Công nghệ được tích hợp trong công tác tập huấn giáo viên một cách hiệu quả. Năng lực số được chú trọng trong hệ thống giáo dục quốc gia, lồng ghép trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với năng lực đặc thù rõ ràng.
Hội thảo tiếp tục với phiên thảo luận với sự tham gia của ông Manos Antoninis, bà Anna D'Addio, ông Nguyễn Sơn Hải, ông Arnold John Siena, bà Đậu Thúy Hà - Giám đốc điều hành của OMT, ông Tôn Quang Cường -Trường Đại học Giáo dục và bà Miki Nozawa. Nội dung thảo luận đề cập đến các chính sách thực hiện công nghệ trong giáo dục tại Việt Nam đảm bảo công bằng đối với các đối tượng người học, sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình sử dụng công nghệ trong giáo dục, các định hướng nghiên cứu đánh giá chính sách giáo dục và các giải pháp triển khai ứng dụng công nghệ trong giáo dục một cách hiệu quả.
Các đại biểu tham dự tại hội trường
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam