Mục tiêu của đề tài: Nghiên cứu một số mô hình phong cách học tập (Learning Styles) và đề xuất khả năng ứng dụng lý thuyết này vào giáo dục trung học phổ thông.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
1/ Về lý luận
- Hệ thống hóa cơ sở lý luận về các quan điểm, đặc điểm, các thành tố, phân loại, đưa ra một số luận điểm về phong cách học tập.
- Mô tả, phân tích đánh giá và gợi ý ứng dụng trong giáo dục của 3 mô hình phong cách học tập tiêu biểu là mô hình của Kolb, Honey- Mumford và Fleming. Từ việc tìm hiểu rõ về quan điểm của các tác giả để vận dụng mô hình phong cách học tập vào giáo dục Việt Nam.
2/ Về thực tiễn
- Đề tài đưa ra một số đề xuất, khả năng ứng dụng phong cách học tập trong giáo dục trung học phổ thông trong việc đặt ra mục tiêu dạy học, trong tổ chức hoạt động học tập, trong quản lý lớp học và trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh.
3/ Khuyến nghị
- Người nghiên cứu, giáo viên tìm hiểu về phong cách học tập cần có cái nhìn phê phán đối với những vấn đề còn đang tranh cãi xung quanh ảnh hưởng của phong cách học tập đến hiệu quả dạy học.
- Giáo viên cần tìm hiểu thêm các loại hình phong cách học tập khác nhau, cách đánh giá phong cách học tập của học sinh và áp dụng một cách linh hoạt các đặc điểm riêng đó vào thiết kế hoạt động học tập phù hợp với chương trình môn học.
- Học sinh được giáo viên giúp đỡ tìm ra các điểm mạnh và điểm yếu thông qua đánh giá phong cách học tập. Đồng thời giáo viên hướng dẫn học sinh cách học phù hợp với phong cách học tập chiếm ưu thế và khắc phục những nhược điểm để hoàn thành nhiệm vụ học tập một cách chủ động tích cực.
- Nhà trường cần tạo môi trường học tập thuận lợi cho học sinh về điều kiện cơ sở vật chất thiết bị dạy học, duy trì số lượng học sinh trong lớp không quá đông (sĩ số 25 đến 30 học sinh/ lớp), khuyến khích giáo viên tìm hiểu và áp dụng các kết quả nghiên cứu mới sẽ giúp việc dạy và học theo lý thuyết phong cách học tập được hiệu quả hơn.