Mục tiêu nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ;
- Đề xuất các giải pháp của việc cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ.
Kết quả nghiên cứu
- Về lý luận: Nghiên cứu và làm rõ các khái niệm cơ bản: Ngoại ngữ, làm quen với ngoại ngữ, phân biệt “cho trẻ làm quen với ngoại ngữ” với “dạy ngoại ngữ”; Nghiên cứu đặc điểm phát triển tâm - sinh lý của trẻ mầm non liên quan đến làm quen với ngoại ngữ; Khả năng tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai của trẻ mầm non; Vai trò của việc làm quen với ngoại ngữ đối với sự phát triển của trẻ mầm non; Các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm quen với ngoại ngữ của trẻ mầm non; Một số quan điểm của việc cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ; Phương pháp cho trẻ làm quen với ngôn ngữ thứ hai; Tổng quan và bài học kinh nghiệm về việc cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ ở một số nước trong khu vực và trên thế giới.
- Về thực tiễn: Đề tài đã tiến hành khảo sát qua trưng cầu ý kiến các đối tượng là: Cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh về việc: giáo viên giúp trẻ làm quen với ngoại ngữ; ý kiến của giáo viên về ngoại ngữ mà trẻ được làm quen; về độ tuổi cho trẻ làm quen với ngoại ngữ; về thời lượng và thời gian; về chương trình sách/tài liệu tham khảo và nguồn cung cấp; ý kiến về nội dung chương trình mà trẻ yêu thích làm quen với ngoại ngữ; về phương pháp cho trẻ làm quen với ngoại ngữ; về thiết bị dạy học...Đồng thời tiến hành khảo sát trực tiếp tại các trường mầm non trong và ngoài công lập, các trường cho trẻ làm quen với ngoại ngữ dưới hình thức hoạt động đều theo trình tự chung cho thấy trẻ rất hứng thú với việc làm quen với ngoại ngữ.
+ Báo cáo 15 Tỉnh/ Thành phố về: các quan điểm trong công tác chỉ đạo, quản lý việc cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ; số lượng trẻ làm quen với ngoại ngữ; đội ngũ giáo viên, chương trình, cơ sở vật chất, kinh phí, việc đầu tư kinh phí cho hoạt động, về độ tuổi.
+ Tổ chức Hội thảo về các việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ: Đa số ý kiến của đại biểu cho rằng trẻ làm quen với ngoại ngữ là rất cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển của trẻ.
Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy những lợi thế của việc học ngoại ngữ đối với trẻ nhỏ như: Khả năng giao tiếp của trẻ phát triển, ảnh hưởng tích cực đến việc lĩnh hội và phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ, trẻ được biết đến sự đa dạng về nền văn hóa của nhiều nước trên thế giới, giúp trẻ tư duy linh hoạt và khả năng giải quyết vấn đề, nhận thức toán, đọc sớm và hiểu biết xã hội tốt hơn; Kết quả khảo sát thực trạng việc cho trẻ mầm non tại 15 tỉnh thành phố trên cả nước cho thấy quy mô và số lượng trẻ học ngoại ngữ ngày càng tăng đặc biệt tập trung ở nhiều thành phố lớn;
Từ lý luận và thực tiễn của đề tài, để góp phần vào việc quản lý chỉ đạo tốt hơn trong việc cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ, đề tài đã đề xuất 5 giải pháp..
Phạm Tuyết Nhung