Mục tiêu của đề tài:
Xây dựng bộ công cụ và tài liệu hướng dẫn đánh giá hiệu quả công tác của giáo viên mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN)..
Kết quả nghiên cứu:
Qua quá trình nghiên cứu, Nhiệm vụ đã đưa ra các kết luận:
1. Trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế hiện nay, việc đánh giá hiệu quả công tác của đội ngũ giáo viên một cách nghiêm túc, chính xác và công bằng là rất quan trong và cần thiết vì phải làm tốt đánh giá thì mới có cơ chế để sàng lọc đội ngũ, đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế theo quy định (Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TWngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức).
2. Cần coi Chuẩn nghề nghiệp là những yêu cầu tối thiểu để một người có thể được phép hành nghề giáo viên. Vì vậy chuẩn nghề nghiệp nên sử dụng để đánh giá một người đã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn để làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng giáo viên.
3. Công cụ đánh giá GV theo chuẩn nghề nghiệp hay theo Nghị định 56 chưa đánh giá được hiệu quả công tác của giáo viên.
4. Để đánh giá hiệu quả giáo viên cần xây dựng được bộ công cụ đánh giá. cần xây dựng bộ công cụ và tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác đối với giáo viên các cấp để hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong việc đánh giá hiệu quả công tác của viên dựa trên các quy định hiện hành của Luật Viên chức về đánh giá viên chức dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với các đặc điểm mang tính đặc thù của giáo viên. Bộ công cụ này phải đáp ứng mong muốn về việc hợp các quy định hiện hành về đánh giá đối với đội ngũ hiện hành, có thể sử dụng với nhiều mục đích đánh giá khác nhau, vào các thời điểm khác nhau trong cùng một năm đánh giá như: giúp quản lý đội ngũ giáo viên, là căn cứ ra các quyết định nhân sự liên quan đến đề bạt, nâng ngạch, khen thưởng, phân phối tiền lương, tăng lương, là cơ sở định hướng đào tạo, bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cá nhân giáo viên và là cơ sở để nhà trường có kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nhà trường.
5. Có thể sử dụng chỉ số hiệu quả (KPIs) để đánh giá hiệu quả công tác của giáo viên. Bộ công cụ đánh giá giáo viên được thiết kế theo KPIs, đảm bảo GV thực hiện đúng các trách nhiệm trong bản mô tả công việc của từng vị trí chức danh cụ thể; Các chỉ số đánh giá mang tính định lượng cao, có thể đo lường cụ thể do đó nâng cao hiệu quả của đánh giá thực hiện công việc; Việc sử dụng các chỉ số KPIs góp phần làm cho việc đánh giá thực hiện công việc trở nên minh bạch, rõ ràng, cụ thể, công bằng và hiệu quả hơn…