Nghiệm thu chuyên đề 19: Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo 2011-2020, mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025

09/07/2020 12:01 GMT+7
Ngày 17/06/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức nghiệm thu chuyên đề 19: Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo 2011-2020, mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025 do PGS.TS. Lê Anh Vinh làm chủ nhiệm.

  
Mục tiêu nghiên cứu
Đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo 2011-2020 và phương hướng phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030.
Kết quả nghiên cứu
1. Đánh giá thực hiện mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo 2011-2020
 
1.1. Thành tựu
 
a) Xây dựng được hệ thống giáo dục quốc dân liên thông từ mẫu giáo đến đại học, từ giáo dục chính qui tới giáo dục thường xuyên; đào tạo nhân lực theo khung trình độ quốc gia, (tham chiếu trình độ ASEAN và Châu Âu). Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục để chuẩn hóa điều kiện bảo đảm chất lượng, quản lý quá trình giáo dục và chất lượng đầu ra. Nhiều cơ sở giáo dục đầu tư nền tảng CNTT, phần mềm quản lý đào tạo, E-Learning, trường/ lớp học thông minh, phòng họp trực tuyến,… Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (công khai tài chính, nhân sự, hoạt động đào tạo, tuyển sinh,…) Hoạt động hợp tác quốc tế được chú trọng; các cơ sở giáo dục đại học mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học, tăng số lượng chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, liên thông chương trình…
 
b) Chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện. Trẻ mầm non phát triển tốt cả thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội, thẩm mỹ; tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm đều đặn hàng năm, hiện còn 3,0% trẻ nhà trẻ và 3,1% trẻ mẫu giáo có thể thấp còi. 
 
Học sinh phổ thông vượt mức trung bình học sinh khối OECD (xếp thứ 8 khoa học, 22 toán học, 32 đọc hiểu ở PISA 2015); luôn ở tốp đầu về số lượng huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi Olympic quốc tế, sáng tạo khoa học kỹ thuật,… Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm năm 2018 đạt 65.5%; sinh viên một số trường trọng điểm tiếp cận trình độ trong khu vực. Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng được thành lập ở hầu hết xã, phường; 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ; hàng năm có 18 triệu lượt người bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
 
c) Nhà nước đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh thành cơ sở giáo dục xuất sắc, 25 cơ sở giáo dục thành trường trọng điểm. Việt Nam có 02 ĐH thuộc top 1000 ĐH hàng đầu thế giới (là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); 08 ĐH thuộc nhóm ĐH hàng đầu Châu Á. Nguồn nhân lực từng bước đáp ứng tốt nhu cầu xã hội; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên 62% năm 2019, một số ngành đạt chất lượng cao như công nghệ thông tin, y tế,...
 
d) Cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người được mở rộng. Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, và củng cố, duy trì, phát triển bền vững phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi ở các cấp học đều tăng so với năm 2011 (mẫu giáo tăng 1,3%, phổ thông tăng 0.9%). Viêc dạy tiếng, chữ dân tộc được đẩy mạnh, Hầu hết trẻ em vùng đặc biệt khó khăn được đón nhận đến hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. 
 
1.2. Một số hạn chế 
 
a) Cơ hội tiếp cận giáo dục còn hạn chế với trẻ nhà trẻ (đạt 30% năm 2020) và trẻ vùng khó khăn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; thiếu trường, lớp ở khu công nghiệp, khu đông dân cư, một số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; quy mô giáo dục thường xuyên mất cân đối cục bộ.
 
b) Một bộ phận học sinh chưa đáp ứng yêu cầu về kiến thức xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng sống và khả năng tự học; nhiều sinh viên đại học chưa đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng thực hành, năng lực nghề nghiệp còn thấp so với khu vực;
 
c) Công tác quản lý chưa theo kịp tiến trình đổi mới giáo dục. Việc phân cấp, phân định trách nhiệm trong quản lý giáo dục chưa thực hiện triệt để, thống nhất. Trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương về chất lượng giáo dục kém hiệu quả
 
d) Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giảng viên, giáo viên còn yếu; phương pháp chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển năng lực người học
 
e) Nguồn lực đầu tư cho giáo dục hạn chế, suất đầu tư trên đầu học sinh, sinh viên còn rất khiêm tốn so với một số nước trong khu vực
 
g) Việc gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn hạn chế; phát triển khoa học giáo dục thiếu tầm nhìn chiến lược; nghiên cứu chưa sâu, thiếu đồng bộ.
 
  
2. Phương hướng phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030
  
1) Hoàn thiện thể chế chính sách để phù hợp với yêu cầu thực tiễn; Xây dựng và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển giáo dục và đào tạo nhất là chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.
  
2) Quy hoạch, phát triển mạng lưới: trường lớp mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập; thực hiện cơ chế tự chủ đổi với giáo dục đại học và thí điểm tự chủ đối với cơ sở giáo dục phổ thông nơi có điều kiện theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường.
  
3) Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo hướng: thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu để giải quyết thừa, thiếu giáo viên; bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp; Đảm bảo chế độ, chính sách về lương thích hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác phấn đấu phát triển chuyên môn nghề nghiệp.
  
4) Đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình Giáo dục mầm non mới; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới đánh giá người học và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sồng, kỹ năng sống cho người học. Đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông.
  
5) Đổi mới triệt để công tác quản lý giáo dục theo hướng: Phân cấp quản lý cho các cơ sở giáo dục địa phương, đặc biệt là quyền tự chủ, chủ động trong quản lý nhân sự, tài chính của Sở và Phòng GD ĐT ở các địa phương; Thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học. 
  
6) Đa dạng các mô hình học tập, nâng cao hiệu quả các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; Phát triển các hình thức đào tạo từ xa trong các cơ sở giáo dục.
  
7) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục; chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục
  
8) Có chính sách mạnh, giải pháp triển khai thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non. 
  
9) Đổi mới cơ chế phân bổ tài chính. Bảo đảm nguồn lực tài chính bền vững cho phát triển giáo dục và đào tạo
  
10) Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục: phát triển các nhóm nghiên cứu quốc tế. Nâng cao chất lượng hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục ./.
 
Nhóm nghiên cứu chuyên đề 19

Tin khác