Nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu luận cứ khoa học về sắp xếp các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật”
Ngày 5/01/2022, tại phòng họp A4, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu luận cứ khoa học về sắp xếp các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật”, mã số B2020VKG-01NV do PGS. TS. Lê Văn Tạc làm chủ nhiệm.
Phát biểu khai mạc buổi nghiệm thu, Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh cho biết đây là nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ trọng điểm, báo cáo hôm nay là báo cáo cơ sở, bao gồm các luận cứ ban đầu của nhiệm vụ quan trọng này.
PGS. TS. Lê Văn Tạc trình bày kết quả nghiên cứu đề tài
Mục đích của đề tài là nhằm xây dựng được cơ sở lí luận sắp xếp các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; Đánh giá được thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở Việt Nam; Đề xuất được các giải pháp về cơ chế́ chính sách để quản lý và thực hiện có hiệu quả sắp xếp các cơ sở giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật Việt Nam.
Nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung nghiên cứu cơ sở lý thuyết và xu hướng quốc tế trong việc sắp xếp các cơ sở giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật (cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập); nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về sắp xếp các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trên thế giới; nghiên cứu đánh giá thực trạng các cơ sở giáo dục đặc biệt ở Việt Nam hiện nay thông qua khảo sát tại năm tỉnh/thành phố trực thuộc Trung Ương; nghiên cứu các phương án sắp xếp các cơ sở giáo dục đặc biệt ở Việt Nam; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện sắp xếp các cơ sở giáo dục đặc biệt ở Việt Nam.
Từ những nghiên cứu trên, nhóm tác giả đã đưa ra những kết luận và khuyến nghị sau:
Từ các văn bản của Liên Hiệp Quốc và kinh nghiệm quốc tế cho thấy: giáo dục hướng nghiệp là chủ đạo, đảm bảo Quyền được giáo dục của người khuyết tật. Do vậy, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cần được xây dựng ở tất cả các tỉnh thành làm nguồn lực thực hiện giáo dục hướng nghiệp, các cơ sở giáo dục chuyên biệt truyền thống cần nâng cấp để hỗ trợ cho giáo dục hào nhập và giáo dục cho một số người khuyết tật thuộc chính sách.
Khảo sát thực trạng trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và cơ sở giáo dục chuyên biệt cho thấy: các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đã thực hiện có hiệu quả can thiệp sớm, dạy một số kĩ năng đặc thù, còn rất hạn chế trong hỗ trợ các cơ sở giáo dục hòa nhập,... Các cơ sở giáo dục chuyên biệt đã thực hiện tốt một số người khuyết tật đang theo học, cơ sở vật chất của trung tâm và cơ sở giáo dục chuyên biệt còn hạn chế, đặc biệt các trang thiết bị, đồ dùng dạy học đặc thù.
Sáu mươi ba tỉnh thành trên cả nước đều có trung tâm hỗ trợ người khuyết tật; Nâng cấp các cơ sở giáo dục đặc biệt của hai trường đại học sư phạm và ba trường cao đẳng sư phạm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, thành lập đơn vị chuyên trách về giáo dục đặc biệt thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Đa số thành viên của Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao các sản phẩm của đề tài, nội dung đồ sộ của đề tài. Về hình thức, các sản phẩm của đề tài đã đầy đủ. Tuy nhiên, về nội dung, một số khái niệm đang chưa được sáng tỏ, như “sắp xếp”, “quy hoạch”. Các văn bản trong phần tổng quan đang nằm rải rác và tách biệt, nên được gom lại thành hệ thống, tránh trùng lặp trong phần cơ sở lý luận; Phần kinh nghiệm quốc tế còn sơ sài, mờ nhạt, một số quốc gia dữ liệu cũ (Thái Lan, Na-Uy), cần lý giải sự sắp xếp của quốc tế với các cơ sở chuyên biệt và các trung tâm hỗ trợ. Báo cáo tổng kết nên được làm logic, đúng trọng tâm và chặt chẽ hơn.
Toàn thể Hội đồng nghiệm thu đồng ý thông qua nghiệm thu cơ sở với điều kiện các sản phẩm phải điều chỉnh theo góp ý của hội đồng.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam