Kiểm tra tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của Ban Nghiên cứu Giáo dục Thường Xuyên
Ngày 9/9/2022, tại phòng họp C53, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội đồng kiểm tra tiến độ thực hiện Nhiệm vụ theo chức năng của Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên với sự chủ trì của Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh.
Năm 2022, Ban Nghiên cứu Giáo dục Thường Xuyên thực hiện hai nhiệm vụ theo chức năng. Nhiệm vụ “Nghiên cứu mô hình trung tâm học tập cộng đồng ngoài công lập” do ThS. Vũ Thị Phương Thảo làm chủ nhiệm và nhiệm vụ “Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy tổ chức thực hiện chương trình xóa mù chữ ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn” do ThS. Hồ Huyền Trang làm chủ nhiệm.
ThS. Vũ Thị Phương Thảo thay mặt nhóm nghiên cứu nhiệm vụ “Nghiên cứu mô hình trung tâm học tập cộng đồng ngoài công lập” trình bày tổng quan vấn đề nghiên cứu, cơ sở lí luận, nghiên cứu mô hình trung tâm học tập cộng đồng ngoài công lập ở một số nước. Nhóm đã xây dựng được bộ công cụ khảo sát thực trạng hoạt động của mô hình/ tổ chức giáo dục ở cộng đồng. Đề xuất mô hình, điều kiện và lộ trình xây dựng trung tâm học tập cộng đồng ngoài công lập hiện đang tiến hành.
Sau khi nghe trình bày, các thành viên hội đồng kiểm tra cho rằng đề tài cần làm rõ hơn các khái niệm về trung tâm học tập, trung tâm học tập cộng đồng ngoài công lập, lý luận về mô hình trung tâm học tập cộng đồng ngoài công lập (chương trình, cơ chế hoạt động, …); bổ sung thêm thông tin về thực trạng mô hình trung tâm học tập cộng đồng ngoài công lập ở các nước khác.
Tiếp theo chương trình, ThS. Hồ Huyền Trang báo cáo về khái niệm có liên quan, chương trình xóa mù chữ, đặc điểm vùng kinh tế khó khăn; kinh nghiệm tổ chức thực hiện chương trình xóa mù chữ ở Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ công cụ bao gồm phiếu hỏi cán bộ quản lý/giáo viên, phiếu tọa đàm/ phỏng vấn sâu cán bộ quản lý/ giáo viên. Đề xuất các biện pháp thúc đẩy xóa mù chữ cho vùng điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn đang được triển khai.
Theo góp ý của Hội đồng, đề tài cần làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện chương trình xóa mù chữ ở các nước trên thế giới, các yếu tố bất lợi khi xây dựng chương trình xóa mù chữ để làm cơ sở đề xuất các giải pháp xây dựng chương trình xóa mù chữ hiệu quả hơn. Nhóm cũng cần bổ sung thêm các khung câu hỏi trong báo cáo thực trạng.
Hai nhiệm vụ đều được đánh giá đúng tiến độ, bám sát thuyết minh.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam