Dự án “Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam” - Những kết quả đáng ghi nhận

17/08/2022 20:49 GMT+7
Dự án Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam (RISE VN) là chương trình nghiên cứu từ năm 2016 đến 2022 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) phối hợp với Đại học Minnesota, Hoa Kỳ thực hiện, được tài trợ bởi Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và Bộ Ngoại giao & Thương mại của Chính phủ Australia (DFAT).

Mục đích chính của chương trình nghiên cứu RISE VN là:
  
1. Hiểu và lí giải các yếu tố quyết định đến thành quả của Việt Nam (và cả những thiếu sót) trong giáo dục và học tập trong vòng 30 năm qua thông qua việc phân tích toàn diện và hệ thống từ các nguồn dữ liệu sẵn có và phân tích hồi cứu về sự phát triển của hệ thống giáo dục, chú trọng đến sự hình thành chính sách, những thành tựu và thách thức trong quá trình thực hiện chính sách;
  
2. Hiểu và lí giải tác động của các nỗ lực nhằm tăng cường giáo dục và học tập ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, bao gồm VNEN và cải cách giáo trình dự kiến thực hiện năm 2018 thông qua cách phân tích hệ thống, tập trung vào (1) các kết quả đánh giá, (2) các thực hành sư phạm và (3) phân tích mối quan hệ về trách nhiệm giải trình trong hệ thống giáo dục xung quanh việc học.
 
 
Hình ảnh hoạt động thể chất tại một trường học trong 140 trường tiểu học, 100 trường THCS được nghiên cứu trong dự án RISE VN
  
Hội thảo Tổng kết Dự án hay còn gọi là Hội nghị tư vấn cuối cùng (lần thứ sáu) của Dự án “Nghiên cứu cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục Việt Nam” diễn ra ngày 11, 12/8/2022 tại tại trụ sở Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, số 04 Trịnh Hoài Đức.
  
Đây là Hội nghị tổng kết quá trình triển khai dự án trong 06 năm và công báo những kết quả nghiên cứu chính của dự án cũng như xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sư phạm về về những kết quả phân tích cũng như đề xuất cải thiện chất lượng hệ thống GD Việt Nam.
  
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các viện nghiên cứu, Học viện Quản lý giáo dục, trường phổ thông, trường đại học trong và ngoài nước. Tham dự Hội nghị có GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; bà Michelle Kaffenberger, Trưởng ban điều hành Dự án RISE toàn cầu; GS.TS Paul Glewwe, trường Đại học Minnesota Hoa Kỳ; GS.TS. Joan Dejaeghere, Minnesota Hoa Kỳ; các đại biểu đại diện cho dự án RISE tại Indonesia, Ấn Độ; GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Học viện Quản lý giáo dục; TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; TS. Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Mê Kông (MDRI); các chuyên viên đại diện cho Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Cục Quản lý chất lượng; các chuyên gia cao cấp của World Bank, cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; các hiệu trưởng, giáo viên một số trường phổ thông tham gia Dự án.
  
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGD phát biểu khai mạc hội nghị
  
Trong Hội nghị này, Dự án đã tổng kết một số kết quả nghiên cứu và định hướng sử dụng kết quả nghiên cứu để cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục Việt Nam.
  
Những kết quả nghiên cứu chính của dự án RISE VN:
 
Các nghiên cứu của Dự án đã xác định một số nhân tố ảnh hưởng đến thành tích học tập của HS. Các yếu tố đầu vào: Đặc điểm gia đình (kkiều kiện, trình độ học vấn cha mẹ, chi tiêu cho GD); đặc điểm học sinh (số năm đi học mầm non, tố chất lãnh đạo, tích cực tham gia các hoạt động…); đặc điểm trường, lớp (cỡ lớp; số tiết học trong ngày; tài liệu học tập; trình độ đào tạo của GV;…). Các yếu tố quá trình: hoạt động của GV (tư vấn học tập của GV; chẩn đoán sai lầm cho HS; kỹ năng/ năng lực giảng dạy; văn hóa ứng xử; thực hành giảng dạy phát triển siêu nhận thức, tình cảm xã hội cho học sinh); hoạt động của học sinh (tham gia hoạt động trưởng nhóm; tích cực làm bài tập; số lần phát biểu trong lớp học;…); tạo lập môi trường học tập an toàn, thân thiện;…
  
Với mẫu rất lớn các trường học và học sinh, Dự án tiến hành nghiên cứu tác động của Chương trình VNEN đến giáo dục Việt Nam. Kết quả cho thấy Chương trình VNEN làm tăng kỹ năng nhận thức và phi nhận thức của các học sinh DTTS, nhưng ít ảnh hưởng đến các học sinh khác.
  
Hình ảnh phỏng vấn học sinh trong dự án RISE
  
Các nghiên cứu công phu của Dự án cũng cho thấy: Cam kết của hệ thống chính trị gần một thế kỷ về ưu tiên phát triển GD; Công nhận nhu cầu thực hành giáo dục; Đặc điểm mô hình quản trị công và phân cấp quản lý, chỉ ra những bất cập về quy trình, thủ tục, dân chủ; Sự tham gia của lực lượng xã hội vào GD: nhận thức về GD công/ tư, chính sách xã hội hóa, tác động của hệ thống truyền thông; Hiệu quả của GD trong việc thúc đẩy tiếp cận GD, và sự gắn kết hơn trong hệ thống GD.
  
Hình ảnh học sinh làm bài khảo sát trong dự án RISE
  
Trao đổi với các chuyên gia, nghiên cứu RISE toàn cầu cũng gợi ý học tập kinh nghiệm các quốc gia khác: Chương trình đào tạo giáo viên phương pháp dạy học của Indonexia: gắn chặt với hệ thống trường thưc hành; tập trung phát triển năng lực Giáo viên theo chuẩn quốc gia; Giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục của Ấn Độ: học nhóm theo cấp học, không theo lớp học, đánh giá trực tiếp từng học sinh, không phải trên giấy-bút; chú trọng thực hành giảng dạy,…
  
Các kết quả nghiên cứu của dự án đã tư vấn, đề xuất điều chỉnh/ đổi mới giáo dục VN ở một số vấn đề như: Tích hơp giảng dạy và đánh giá môn học để phát triển năng lực nhận thức, phi nhận thức, thái độ, tình cảm xã hội,… từ đó hình thành hệ thống giá trị; Hỗ trợ giáo viên về việc tăng cường niềm tin. Khuyến khích đổi mới thực hành giảng dạy đáp ứng nhu cầu/ tốc độ học tập, phát triển tiềm năng, tố chất cá nhân học sinh; Phát triển chuyên môn, đặc biệt cộng đồng học tập của giáo viên; Phát huy những điểm mạnh của VNEN trong phát triển chương trình giáo dục.
  
Hình ảnh ghi hình lớp học trong dự án RISE
 
Trong thời gian tới, Nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu thêm một số biến khác có thể giải thích thêm về thành công của Việt Nam như: sự quan tâm đến việc học tập của cha mẹ; cam kết của hệ thống chính trị về giáo dục; vai trò của giáo viên và chất lượng đội ngũ,… Viện Khoa học giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác nghiên cứu, khai thác hiệu quả bộ dữ liệu phong phú của RISEVN theo hướng: Merging dữ liệu định lượng, định tính và chính sách giáo dục; phân tích nhân tố tác động đến chất lượng hệ thống bằng cách vận dụng các mô hình, phương pháp đánh giá cùng phần mềm tin học hiện đại và công bố các kết quả nghiên cứu.
 
Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục

Tin khác