Nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất chính sách quốc gia chuyển đổi số trong quản lý trường học ở Việt Nam”
Ngày 14/08/2023, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất chính sách quốc gia chuyển đổi số trong quản lý trường học ở Việt Nam”, mã số B2021-VKG-04, do TS. Trịnh Thị Anh Hoa làm chủ nhiệm.
Tham dự hội đồng nghiệm thu có GS. TS. Lê Anh Vinh, Chủ tịch hội đồng, các thành viên của hội đồng, các thành viên của nhóm nghiên cứu, đại diện các phòng chức năng của Viện.
TS. Trịnh Thị Anh Hoa báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài
Đại diện nhóm đề tài, TS. Trịnh Thị Anh Hoa trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm đề xuất chính sách quốc gia chuyển đổi số trong quản lý trường học ở Việt Nam. Về lý luận, đề tài đã tổng quản nghiên cứu các công trình trong nước và quốc tế về chính sách, chuyển đổi số, quản lý trường học, chính sách chuyển đổi số trong quản lý trường học. Đề tài cũng đề cập đến các khái niệm liên quan, bao gồm khái niệm chính sách, chính sách công, quản lý nhà trường, chuyển đổi số, chuyển đổi số trong giáo dục. Các vấn đề liên quan đến chính sách quốc gia chuyển đổi số trong giáo dục cũng được trình bày chi tiết, cụ thể là định hướng chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục, nội dung chinh sách quốc gia chuyển đổi số trong quản lý trường học, đánh giá tác động các nội dung cơ bản của chính sách.
Về thực tiễn, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng về chính sách chuyển đổi số trong quản lý nhà trường của một số trường mầm non và phổ thông hiện nay. Một số kết quả chính là (1) đội ngũ giáo viên năm bắt, đồng thuận với các chinh sách ứng dụng công nghệ thông tin/chuyển đổi số trong quản lý và dạy học, (2) ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông rất cần thiết để giảm tải các công việc, tăng hiệu quả các hoạt động của nhà trường, (3) việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường còn hạn chế, (4) các hệ thống tiêu chí, chỉ báo còn chưa thống nhất, nhất quán giữa các khu vực, (5) đội ngũ giáo viên, học sinh còn chưa khai thác được các thế mạnh của ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, (6) xây dựng nội dung cho các hệ thống chuyển đổi số còn hạn chế, (7) chính sách hỗ trợ các cán bộ triển khai công tác chuyển đổi số còn hạn chế, (8) cơ sở vật chất đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, (9) thiếu chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, (10) các rào cản ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi số trong quản lý trường học.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài tiến hành xây dựng và thử nghiệm bộ tiêu chí, chỉ báo về chuyển đổi số trong quản lý cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Bộ tiêu chí gồm 63 chỉ báo được phân thành 10 tiêu chí thành phần. Kết quả thử nghiệm cho thấy bộ tiêu chí đã đánh giá được mức độ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo tiếp cận chuyển đổi số, các chỉ báo phù hợp với thực tiễn.
Các thành viên hội đồng thống nhất đây là đề tài khó, nhóm nghiên cứu nỗ lực đáp ứng các nội dung của thuyết minh đề tài. Bên cạnh đó, hội đồng đề xuất các nội dung chỉnh sửa để hoàn thiện đề tài, đặc biệt là rà soát khung chính sách chuyển đổi số hiện có, thống nhất sử dụng thuật ngữ trong đề tài, phân tích sâu hơn kết quả theo các nhóm đối tượng, rà soát sự phù hợp của các chỉ báo. Ngoài ra các thành viên hội đồng khuyến nghị bổ sung hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chí.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam