Hội thảo tham vấn quốc gia "Khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông"

17/10/2024 21:03 GMT+7
Sáng ngày 16/10/2024, tại trụ sở số 4 Trịnh Hoài Đức - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia "Khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông" theo hình thức kết hợp và trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia và giáo viên thảo luận về tầm quan trọng của việc thiết kế, xây dựng khung năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) cho học sinh phổ thông; đồng thời tham vấn ý kiến đại biểu để hoàn thiện khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông. Hội thảo ước tính có khoảng 400 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, gồm đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên và những người quan tâm.
 
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các vị khách quý tới tham dự Hội thảo. Để hình thành những thế hệ người học thành công trong tương lại, việc phát triển năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh là vấn đề mang tính chất chiến lược. Phát triển năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh phổ thông sẽ tạo cầu nối, giúp thế hệ trẻ không chỉ hiểu rõ về công nghệ mà còn biết cách sử dụng nó một cách thông minh và có trách nhiệm, chuẩn bị những hành trang cần thiết để vững bước vào tương lai. Ông cũng bày tỏ mong muốn, các đại biểu sẽ cùng tham gia thảo luận, trao đổi ý kiến để tìm kiếm giải pháp khả thi cho việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào chương trình giảng dạy, từ đó góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
 
 
Trong bài phát biểu chào mừng, bà Tara O’Connell - Trưởng chương trình Giáo dục, Tổ chức UNICEF Việt Nam nhấn mạnh bàn luận về việc tích hợp AI vào giáo dục là toàn diện và đa diện, giải quyết cả tiềm năng, hạn chế và rủi ro liên quan đến việc tích hợp công nghệ này. Điều rõ ràng là AI đã và đang được học sinh và giáo viên sử dụng, cả trên toàn cầu và tại Việt Nam. Trong bối cảnh này, phải khẳng định sự cần thiết về khung năng lực AI cho học sinh. Tốc độ tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi điều đó. AI không chỉ là một công cụ hoặc công nghệ cho tương lai; nó đang ở đây, ngay bây giờ, thay đổi cơ bản cách chúng ta dạy và học, và cách chúng ta sống.
 
 
Tiếp theo chương trình là Phiên 1 “Giới thiệu khung năng lực trí tuệ nhân tạo”. Mở đầu, GS.TS. Lê Anh Vinh trình bày Báo cáo “Giới thiệu khung năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh Việt Nam”. Các nội dung được đề cập bao gồm: Tại sao phải học AI? Dạy và học AI như thế nào? Học sinh nên được học những điều gì về AI? Nhóm nghiên cứu đề xuất Khung năng lực AI cho học sinh gồm 04 thành phần: (1) Đạo đức khi sử dụng AI; (2) Nền tảng và kĩ năng sử dụng AI; (3) Thiết kế hệ thống AI; và (4) Tư duy lấy con người làm trung tâm.
 
 
Ông Lê Quang Quân - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thay mặt nhóm nghiên cứu, trình bày Báo cáo nghiên cứu về sự sẵn sàng dạy và học AI trong nhà trường phổ thông. Báo cáo thể hiện thực trạng về hiểu biết của học sinh phổ thông về AI, thực trạng sử dụng AI trong nhà trường, các đề xuất để sử dụng AI hiệu quả hơn, và dự đoán các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng AI.
  
 
Phiên 2 là phiên thảo luận bàn tròn về trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, mở đầu với bài trình bày “Giáo dục trí tuệ nhân tạo cho phổ thông: Nhìn ra thế giới, nhìn về Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Phi Lê - Viện nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI4LIFE), Đại học Bách Khoa Hà nội. Diễn giả đã chỉ ra sự khác biệt của trí tuệ nhân tạo với tin học truyền thống và những thách thức trong giảng dạy trí tuệ nhân tạo, như: Thiết kế chương trình thật sự phù hợp, có ích cho người học, xây dựng học liệu, đào tạo giáo viên, hạ tầng tính toán,…
 
 
  
Tham luận “Các khía cạnh đạo đức, xã hội về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và thực trạng chính sách, pháp luật Việt Nam về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm” do PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày. Nội dung chính gồm: Khái luận về các khía cạnh đạo đức, xã hội của trí tuệ nhân tạo; Khía cạnh đạo đức, xã hội của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục; Những công cụ điều chỉnh trí tuệ nhân tạo; Thực trạng khung chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam; và Khuyến nghị cho Việt Nam.
 
 
Ông Đỗ Đức Lân - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam điều hành phiên thảo luận với sự tham gia của các chuyên gia: TS. Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học,Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bà Miki Nozawa - Trưởng phòng Giáo dục, Tổ chức UNESCO Việt Nam; Ông Nguyễn Xuân Hùng - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng; PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; và PGS.TS. Nguyễn Phi Lê - Viện AI4LIFE, Đại học Bách khoa Hà Nội. Nội dung thảo luận xoay quanh những vấn đề liên quan đến giáo dục trí tuệ nhân tạo từ chính sách đến nội dung, hình thức, điều kiện thực hiện, người dạy và người học; những khía cạnh đạo đức và xã hội liên quan đến việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục;… Các nhà quản lý giáo dục và các chuyên gia đều chung một mục đích là tìm ra các giải pháp để phát triển năng lực trí tuệ nhân tạo cho học sinh một cách bền vững và có trách nhiệm.
 

Ban tổ chức và các đại biểu tham dự
 
Tin bài và ảnh: Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
  
Các tin bài liên quan đến Hội thảo: