Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học giáo dục số 142

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học giáo dục số 142, tháng 7 năm 2017

1

 

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH  MÔN TOÁN TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

 

            Đỗ Đức Thái - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Email:ducthai.do@gmail.com

Đỗ Tiến Đạt - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: dtdat55@gmail.com

 

Tóm tắt:Để xây dựng Chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cần nghiên cứu, phân tích các ưu điểm cũng như những hạn chế, bất cập của chương trình môn Toán hiện hành. Dưới góc độ đó, bài viết tập trung phân tích các vấn đề chính trong chương trình môn Toán hiện hành, đó là: Mục tiêu; Quan điểm xây dựng chương trình; Kế hoạch dạy học; Nội dung dạy học; Chuẩn kiến thức, kĩ năng; Định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; Vận dụng chương trình theo vùng miền và đối tượng học sinh. Từ đó đề xuất định hướngxây dựng chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Từ khóa: Chương trình; xây dựng chương trình; Môn Toán; chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

2

 

XÂY DỰNG MÔ HÌNH VÀ TỔ CHỨC PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THEOTIẾP CẬN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

 

Thái Văn Thành - Trường Đại học Vinh

Email: thaivanthanhdhv@yahoo.com

Nguyễn Thị Kim Chi - Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An

Email: chintk@nghean.edu.vn

 

Tóm tắt: Phát triển chương trình giáo dục nhà trường là một nhiệm vụ trọng tâm của các trường phổ thông trong bối cảnh hiện nay. Đây là một trong những nhiệm vụ mới và rất khó. Vì vậy, để quản lí phát triển chương trình giáo dục nhà trường có hiệu quả, đòi hỏi phải xây dựng mô hình và tổ chức phát triển chương trình theo quy trình tối ưu. Đồng thời, cần phát huy vai trò của cán bộ quản lí, giáo viên trong nhà trường và sự tham gia, hỗ trợ tích cực của cha mẹ học sinh, chính quyền, xã hội và các bên liên quan. Tác giả bài viết phân tích: 1/ Mô hình quản lí phát triển chương trình giáo dục nhà trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh; 2/ Tổ chức phát triển chương trình giáo dục nhà trường trung học phổ thông theo quy trình phù hợp với đặc trưng phát triển chương trình giáo dục nhà trường trung học phổ thông; 3/ Chỉ đạo tổ chuyên môn phát triển chương trình giáo dục nhà trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

 

Từ khóa: Mô hình; phát triển chương trình; chương trình giáo dục nhà trường;trung học phổ thông; năng lực.

 

3

 

PHÁT TRIỂN KHUNG NĂNG LỰC CỦA ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC,                                         VIÊN CHỨC NGÀNH GIÁO DỤC

 

Nguyễn Tiến Hùng

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: hunga60@gmail.com

 

Tóm tắt: Bài viết phân tích cácvấn đề về bản chất của năng lực; khung năng lực; quy trình phát triển khung năng lực theo vị trí việc làm của đội ngũ công chức, viên chức trong tổ chức ngành Giáo dục. Theo tác giả bài viết, khung năng lực đã được thừa nhận là công cụ hiệu quả trong quản lí đội ngũ công chức, viên chức ngành Giáo dục, cho nên ngày càng có nhiều cơ quan, đơn vị quản lí giáo dục và cơ sở giáo dục áp dụng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay mới đang bắt đầu chuyển sang mô hình công vụ việc làm, vì vậy cần coi trọng quy trình, chất lượng với lộ trình phù hợp, cần sự hướng dẫn của các chuyên gia có kinh nghiệm, và cần chuẩn bị chu đáo trước khi bắt tay vào xây dựng khung năng lực công chức, viên chức.

 

Từ khóa: Khung năng lực; công chức; viên chức; ngành Giáo dục.

 

4

 

NĂNG LỰC SƯ PHẠM CỦA GIÁO VIÊN TRUNG HỌC

 

Phan Trọng Ngọ - Email: ngotamli@gmail.com

Lê Minh Nguyệt – Email: nguyet.daihocsupham@gmail.com   

 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Tóm tắt:Bài viết đề cập tới năng lực sư phạm, khung năng lực sư phạm của giáo viên phổ thông gồm 6 nhóm năng lực với 40 tiêu chí. Bài báo đồng thời cũng khảo sát, đánh giá thực trạng năng lực sư phạm của giáo viên Trung học cơ sở hiện nay. Kết quả khảo sát cho thấy, năng lực sư phạm của giáo viên được khảo sát đạt mức trung bình ở cả 6 nhóm năng lực thành phần. Tuy một số năng lực hoạt động sư phạm đạt mức tương đối cao nhưng năng lực thể hiện vai trò giáo dục, năng lực cốt lõi, năng lực thiết kế và tư vấn phát triển nhân cách học sinh còn đạt mức thấp. Năng lực sư phạm của giáo viên trung học cơ sở chịu tác động mạnh bởi các yếu tố: Sự nỗ lực của bản thân; Kinh nghiệm tích lũy trong quá trình dạy học, giáo dục học sinh; Tổ chức hoạt động chuyên môn, chính sách của nhà trường, ngành Giáo dục; Các phong trào thi đua dạy và học; Sự hợp tác từ phía học sinh, phụ huynh và cộng đồng; Cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo.

 

Từ khóa:Năng lực; năng lực sư phạm; giáo viên; Trung học cơ sở.

 

5

 

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ GIÁO DỤC MẦM NON

Ở VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN 2010-2015

 

Nguyễn Thị Mỹ Trinh

 Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: mytrinhdhv@gmail.com

 

Tóm tắt:Nghiên cứu các vấn đề về giáo dục mầm non ở Việt Nam ngày càng được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội quan tâm. Tình hình nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non ở Việt Nam từ 2010-2015 tập trung vào: Tình hình nghiên cứu về sự phát triển thể chất, tâm lí, xã hội của trẻ mầm non; Tình hình nghiên cứu về giáo dục trẻ mầm non; Tình hình nghiên cứu về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non; Tình hình nghiên cứu về quản lí giáo dục mầm non. Qua đó, chúng ta xác định hướng đi đúng đắn trong giai đoạn sắp tới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của ngành học, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của thời kì đổi mới và hội nhập.

 

Từ khóa: Nghiên cứu khoa học; giáo dục mầm non; trẻ mầm non.

 

6

 

ĐỔI MỚI ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

 

Phạm Quang Tiệp

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Email: pqtiepsp2@gmail.com

 

Tóm tắt: Bên cạnh việc xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục, tài liệu dạy học, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên, bổ sung cơ sở vật chất…, một nhiệm vụ có tính đột phá, một khâu hết sức quan trọng của giáo dục mầm non chính là đổi mới nội dung và phương thức đánh giá các cơ sở giáo dục mầm non, hướng trọng tâm vào việc đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường. Nội dung bài viết này tập trung bàn về hai vấn đề có tính chất bản lề của đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, đó là xác định lại các tiêu chí đánh giá và đề xuất phương án tổ chức đánh giá nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục, góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng của chính các cơ sở giáo dục mầm non.

 

Từ khóa: Giáo dục mầm non; đổi mới; đánh giá; giáo viên.

 

7

 

PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TIẾNG CỦA NGƯỜI HỌC

DƯỚI ÁNH SÁNG LÍ LUẬN NGÔN NGỮ HỌC HIỆN ĐẠI

 

Phạm Hùng Linh

Đại học Thái Nguyên

         Email:hunglinhp@dhsptn.edu.vn

Tóm tắt: Hiện nay, giáo dục nước ta đang được khuyến khích chuyển mạnh phương pháp giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang cách thức giáo dục để phát triển năng lực người học. Bài viết nhằm tổng thuật và phân tích những mô hình năng lực giao tiếp tiên phong và có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ về năng lực tiếng của người học:Mô hình năng lực giao tiếp của Canale và Swain; Mô hình năng lực giao tiếp của Murcia, Dornyei và Thurrell; Mô hình khả năng ngôn ngữ của Bachman và Palmer; Mô hình Khung tham chiếu chung của châu Âu về ngôn ngữ. Qua đó, góp phần vào công cuộc đổi mới cách thức dạy-học, xây dựng chương trình và đánh giá năng lực tiếng của người học trong nhà trường hiện nay một cách hiệu quả hơn.

 

Từ khóa: Năng lực tiếng; giáo dục; lí luận ngôn ngữ học.

 

8

 

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC

GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

 

    Lưu Hồng Uyên 

Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 6 - TP. Hồ Chí Minh

                                                       Email: luuhonguyen@yahoo.com.vn

 

Tóm tắt: Bài báo làm rõ vị trí, vai trò của giáo viên chủ nhiệm và thực trạng công tác giáo viên chủ nhiệm trường trung học cơ sở. Để nâng cao hiệu quả công tác giáo viên chủ nhiệm, các trường trung học cơ sở cần thực hiện đồng bộ 5 biện pháp sau: Nâng cao nhận thức cho các lực lượng giáo dục về vị trí, vai trò quan trọng của công tác giáo viên chủ nhiệm trường trung học cơ sở; Lựa chọn và phân công giáo viên chủ nhiệm phù hợp với đặc điểm của từng lớp học sinh trong nhà trường; Chú trọng bồi dưỡng năng lực giáo dục cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trường trung học cơ sở;Xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với các lực lượng giáo dục khácổi mới công tác thi đua, khen thưởng;Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với giáo viên chủ nhiệm.Việc nâng cao hiệu quả công tác giáo viên chủ nhiệm sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của trường trung học cơ sở.

 

Từ khóa: Giáo viên chủ nhiệm; chất lượng giáo dục; trung học cơ sở.

 

9

 

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CƠ BẢN

 CHO SINH VIÊN KHOA HỌC TỰ NHIÊN NGÀNH SƯ PHẠM

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN

 TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

 

Cao Thị Thặng - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: caothang.hoa@gmail.com

 Đinh Thị Xuân Thảo - Trường Đại học Tây Nguyên

Email: thaodinhtnu@gmail.com

 

Tóm tắt: Việcphát triển chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học đòi hỏi giáo viên nói chung và giáo viên các môn Khoa học tự nhiên nói riêng cần có một số năng lực nhất định. Tác giả đề xuất 5 năng lực cơ bản cần phát triển cho sinh viên Khoa học tự nhiên ngành Sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông: (1)Hiểu nội dung của các Khoa học Vật lí, Hóa học, Sinh học và Khoa học tích hợp; (2) Điều tra, khám phá, nghiên cứu Khoa học tự nhiên và nghiên cứu tác động (nghiên cứu Khoa học sư phạm ứng dụng); (3) Phát triển chương trình các môn Khoa học tự nhiên; (4) Dạy học Khoa học tự nhiên thể hiện ở kĩ năng dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh; (5) Kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Khoa học tự nhiên tập trung đánh giá năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Bên cạnh đó, các tiêu chí khá rõ ràng thể hiện mỗi năng lực, quy trình, biện pháp để phát triển các năng lực đó nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên Khoa học nói riêng và giáo viên phổ thông nói chung.

 

Từ khóa: Năng lực cơ bản; sinh viên; khoa học tự nhiên; đào tạo giáo viên.

 

10

 

ĐỔI MỚI QUẢN LÍ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC

 Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THEO TIẾP CẬN NĂNG LỰC

 

                               Chế Thị Hải Linh

                                                                                       Trường Đại học Vinh

Email: linhhaihvq@gmail.com

 

Tóm tắt: Hiện nay, việc đổi mới quản lí đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường đại học sư phạm là hoạt động tất yếu xuất phát từ yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo tiếp cận năng lực người học và thực tiễn đào tạo ngành học hiện nay. Đổi mới quản lí đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực phải được tiến hành đồng bộ trên tất cả các phương diện: Đổi mới tư duy quản lí; Đổi mới công tác tuyển sinh; Đổi mới mục tiêu và nội dung chương trình đào tạo; Đổi mới kiểm tra, đánh giá quá trình đào tạo giáo viên tiểu học theo tiếp cận năng lực. Vì vậy, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo ở các trường/khoa đại học sư phạm phải theo hướng phát triển năng lực của người giáo viên được thể hiện trong Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học và gắn kết với thực tiễn giáo dục phổ thông.

 

Từ khóa: Trường đại học sư phạm; giáo viên tiểu học; năng lực; quản lí đào tạo.

 

11

 

VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM SƯ PHẠM TÍCH HỢP TRONG DẠY HỌC

NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN

SƯ PHẠM KĨ THUẬT

 

Nguyễn Thị Liễu

 Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Hưng Yên

Email:ntlieu.693@gmail.com

 

Tóm tắt:Quan điểm sư phạm tích hợp là một quan điểm hướng tới phát triển năng lực của người học bằng cách tích hợp các yếu tố nội dung, tích hợp hoạt động dạy học. Việc vận dụng quan điểm sư phạm tích hợp nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên Sư phạm kĩ thuật bao gồm: Xây dựng hệ thống năng lực chuẩn đầu ra trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm theo quan điểm sư phạm tích hợp; Xây dựng các chủ đề học tập tương ứng với từng chuẩn đầu ra nghiệp vụ sư phạm; Xây dựng tình huống tích hợp lĩnh vực nghiệp vụ sư phạm; Vận dụng những phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực dạy học cho sinh viên sư phạm kĩ thuật. Vì vậy, vận dụng quan điểm sư phạm tích hợp trong đào tạo giáo viên kĩ thuật là một phương thức hiệu quả để phát triển năng lực nghề nghiệp của người giáo viên kĩ thuật tương lai.

 

Từ khóa: Sinh viên; sư phạm kĩ thuật; năng lực nghề nghiệp; giáo viên.

 

12

 

QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ KĨ NĂNG LÀM THÍ NGHIỆM

 CỦA SINH VIÊN SƯ PHẠM SINH HỌC

TRONG DẠY HỌC SINH LÍ THỰC VẬT

 

Đỗ Thị Loan

 Trường THPT Chuyên Hưng Yên

Email: loank54clc@gmail.com

 

Tóm tắt:Trong dạy học Sinh lí thực vật, thí nghiệm vừa là phương tiện vừa là phương pháp dạy học hiệu quả giúp truyền tải kiến thức và hình thành kĩ năng cho sinh viên. Đánh giá kĩ năng làm thí nghiệm của sinh viên sư phạm sinh học có vai trò quan trọng nhằm xác định được mỗi sinh viên ở vị trí nào của thang đo kĩ năng, từ đó, giảng viên có kế hoạch rèn luyện và phát triển kĩ năng cho sinh viên. Trong bài viết này, tác giả đề xuất quy trình đánh giá và một số công cụ để đánh giá kĩ năng làm thí nghiệm của sinh viên sư phạm trong quá trình dạy học Sinh lí thực vật.Trên cơ sở nghiên cứu phân tích, tổng hợp các thang đo mức độ phát triển các kĩ năng của nhiều tác giả, bài viết này xây dựng thang đo mức độ phát triển kĩ năng dựa trên tiêu chí là sự thành thạo, tự nhiên của kĩ năng và mức độ giám sát của người hướng dẫn.

 

Từ khóa: Thí nghiệm; sinh lí thực vật; sinh viên sư phạm; đánh giá kĩ năng.

 

13

 

QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC

QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC VỀ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

                                                           

Nguyễn Thị Thu Hà

            Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo

            Email: nttha_tcb@monre.gov.vn

 

Tóm tắt: Quản lí hoạt động bồi dưỡng đội ngũ công chức nhà nước về biển và hải đảo là một trong những nội dung quan trọng của phát triển nguồn nhân lực về biển và hải đảo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay cũng như tình hình phát triển kinh tế biển và chủ quyền quốc gia. Trong bài viết này, vấn đề quản lí hoạt động bồi dưỡng đội ngũ công chức quản lí nhà nước về biển và hải đảo gồm các nội dung: Quản lí mục tiêu bồi dưỡng; quản lí nội dung, chương trình bồi dưỡng; quản lí hình thức bồi dưỡng; quản lí người học; quản lí cơ sở vật chất, kĩ thuật phục vụ bồi dưỡng. Đồng thời, bài viết cũng nghiên cứu các yếu tố khách quan và chủ quan tác động tới quản lí hoạt động bồi dưỡng đội ngũ công chức quản lí nhà nước về biển và hải đảo.

           

Từ khóa: Bồi dưỡng đội ngũ công chức; quản lí nhà nước; biển và hải đảo.

 

14

 

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ HỌC SINH

 LIÊN HỆ GIỮA TOÁN HỌC VỚI THỰC TIỄN

TRONG QUÁ TRÌNH HỌC TẬP MÔN TOÁN

 

Hà Xuân Thành - Bộ Giáo dục và Đào tạo

Email: hxthanh@moet.edu.vn

Phạm Sỹ Nam - Trường Đại học Sài Gòn

Email: phamsynampbc@moet.edu.vn

Tạ Thị Thanh Cao - Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội

Email: tathanhcao202@gmail.com 

        

Tóm tắt:Việc liên hệ đến thực tiễn trong quá trình dạy học môn Toán là một yêu cầu trong dạy học hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giáo viên có nhiều khó khăn trong việc tạo cơ hội cho học sinh kết nối với thực tiễn. Bài viết này trình bày một số định hướng nhằm tạo điều kiện để học sinh liên hệ đến thực tiễn trong quá trình dạy học, thông qua đó nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn – một năng lực quan trọng cần hình thành ở học sinh. Cụ thể, tác giả đi vào phân tích mối quan hệ giữa toán học và thực tiễn; sự cần thiết của việc liên hệ đến thực tiễn tróong dạy học môn Toán và một số định hướng tạo điều kiện để học sinh liên hệ giữa toán học với thực tiễn trong quá trình hoc tập môn Toán.

 

Từ khóa: Toán học; thực tiễn; học sinh.

 

15

 

KHAI THÁC VẺ ĐẸP CỦA TOÁN HỌC

THÔNG QUA MỘT SỐ BÀI TOÁN THỰC TẾ

 

Nguyễn Văn Thà

  Trường THPT Phùng Hưng - TP. Hồ Chí Minh                                                   Email: nvtha.math@gmail.com

 

Tóm tắt: Việc tìm tòi những ứng dụng của các khái niệm, kết quả và phương pháp toán học sẽ giúp ích cho giáo viên và học sinh nhận thức được giá trị thẩm mĩ của toán học, có tác dụng thiết thực trong việc gợi mở khả năng tư duy và năng lực sáng tạo. Vì vậy, cùng với cách giải toán bằng phương pháp truyền thống, học sinh cần được hướng dẫn để tìm tòi các ứng dụng toán học trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Bài viết này đi sâu khai thác về ứng dụng và vẻ đẹp của toán học. Trên cơ sở đó, tác giả thiết kế một số tình huống thực tế và đưa ra các phương án giải quyết các tình huống đó, nhằm bồi dưỡng kĩ năng ứng dụng của toán học vào thực tế cuộc sống cho học sinh.

 

Từ khóa: Ứng dụng của toán học; vẻ đẹp của toán học; tình huống thực tế; đề toán.

 

16

 

SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP “BẮC GIÀN GIÁO” ĐỂ KHẮC PHỤC NHỮNG KHÓ KHĂN VỀ KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU TIẾNG ANH CỦA SINH VIÊN KHÔNG CHUYÊN NGỮ 

 

                               Nguyễn Thị Hiền Lương

                                                                  Trường Đại học Vinh

                                                   Email: hienluong.nguyen87@yahoo.com

 

Tóm tắt: Trong quá trình giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ, có thể thấy, phần lớn sinh viên xem đọc hiểu là một kĩ năng đầy thách thức và dễ làm cho người học nản chí. Thực trạng này thúc đẩy việc tìm hiểu những khó khăn của sinh viên không chuyên đối với việc rèn luyện kĩ năng này. Bài viết đề cập đến những khó khăn của sinh viên không chuyên ngữ về kĩ năng đọc hiểu tiếng Anh; từ đó đề xuất các cách thức sử dụng phương pháp “bắc giàn giáo” trong dạy kĩ năng đọc hiểu tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ. Cụ thể, trong bài viết, tác giả đã tiến hành phát phiếu điều tra cho 126 sinh viên không chuyên ngữ tại trường Đại học Vinh về những khó khăn liên quan đến từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc văn bản, kiến thức nền và các chiến thuật đọc hiểu.

 

Từ khóa:Sinh viên; tiếng Anh; phương pháp “bắc giàn giáo”; kĩ năng đọc hiểu.

 

17

 

TỔ CHỨC DẠY HỌC CHỦ ĐỀ TÍCH HỢP “KHAI THÁC, CHẾ BIẾN QUẶNG BÔ-XÍT” Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

 

                                                                        Nguyễn Văn Biên

                                                                        Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

                                                                        Email: biennv@hnue.edu.vn

 

                                                                        Huỳnh Xuân Quân

                                                            Trường THPT Đăk Song - Đăk Nông

                                                                        Email: quanhx@c3daksong.edu.vn

 

Tóm tắt: Việc lựa chọn chủ đề tích hợp cần gắn với thực tế địa phương. Bài viết mô tả quá trình vận dụng quy trình xây dựng và tổ chức dạy học chủ đề tích hợp vào chủ đề “Khai thác, chế biến quặng bô-xít”. Đây là chủ đề gần gũi với kinh nghiệm sống của học sinh khu vực Tây Nguyên. Mặc dù thực nghiệm chỉ mới được thực hiện trên một lớp, số lượng học sinh còn ít nhưng kết quả thực nghiệm bước đầu cho thấy việc tổ chức dạy học chủ đề tích hợp “Khai thác, chế biến quặng bô-xít” đã góp phần phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh.

 

Từ khóa: Dạy học chủ đề tích hợp; năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn; khai thác; chế biến; quặng Bô - xit.

 

18

 

SỬ DỤNG PHẦN MỀM GEOGEBRA KIỂM NGHIỆM

CÁC DỰ ĐOÁN VÀ HỖ TRỢ KHÁM PHÁ LỜI GIẢI

TRONG DẠY HỌC GIẢI TOÁN HÌNH HỌC KHÔNG GIAN

 Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Bùi Minh Đức

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

                                                       Email: ducbm297@gmail.com

 

Tóm tắt:Bài toán tìm một điểm thuộc một mặt phẳng hay một mặt cầu cho trước, nhìn hai điểm cho trước với một góc lớn nhất hoặc có tổng khoảng cách đến hai điểm cho trước nhỏ nhất là dạng toán không xa lạ đối với học sinh, nhưng không dễ dàng tìm ra lời giải. Phần mềm GeoGebra có thể hỗ trợ kiểm nghiệm các phán đoán và khám phá lời giải những bài toán dạng này.

 

Từ khóa:Phần mềmGeoGebra; kiểm nghiệm; dự đoán; khám phá; hình học không gian.

 

19

 

VẬN DỤNG MÔ HÌNH CIPO TRONG QUẢN LÍ ĐÀO TẠO THEO TIẾP CẬN NĂNG LỰC HƯỚNG TỚI VIỆC LÀM

 

Nguyễn Thị Thanh Bình

Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp

                                                  Email: binhtvet132@gmail.com

 

Tóm tắt: Đào tạo không chỉ nhằm tăng trưởng quy mô mà còn phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng với nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ sống còn của mỗi cơ sở đào tạo. Để thực hiện nhiệm vụ này, mỗi cơ sở đào tạo phải lựa chọn cho mình một mô hình quản lí phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo đáp ứng với những biến động của thị trường lao động và thế giới việc làm. Hiện nay, có nhiều mô hình quản lí đào tạo có thể áp dụng trong các cơ sở đào tạo. Trong bài viết này, tác giả lựa chọn mô hình CIPO để vận dụng quản lí đào tạo theo tiêu chuẩn năng lực hướng tới việc làm.

 

Từ khóa:Vận dụng; mô hình CIPO; quản lí đào tạo; hướng tới việc làm.

 

20

 

PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH ĐÀO TẠO NGHỀ

CHO PHỤ NỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ

Ở CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN KHU VỰC TÂY NAM BỘ

 

Ngô Quang Sơn

Học viện Dân tộc - Ủy ban Dân tộc                        Email: ict882016@gmail.com

 

Tóm tắt:Dạy nghề đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của lực lượng lao động nữ, tạo cơ hội tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo và nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là vùng lõm về giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc còn thấp, đặc biệt là trình độ dân trí của phụ nữ dân tộc thiểu số. Nghiên cứu giải quyết vấn đề đào tạo nghề cho phụ nữ ngày càng có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Nghiên cứu phát triển mô hình đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số có ảnh hưởng tích cực đến giảm thiểu mức độ bất bình đẳng giới trong giáo dục, tỉ lệ nữ được học nghề tăng lên; khi trình độ, nhận thức của phụ nữ trong gia đình được cải thiện, đồng nghĩa với việc số lượng và chất lượng đầu tư cho giáo dục đối với con cái sẽ có tác độngtích cực thông qua sự dạy dỗ của người mẹ, bên cạnh đó người phụ nữ còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở mỗi gia đình.

 

Từ khóa:Mô hình; đào tạo nghề; phụ nữ; dân tộc thiểu số; Tây Nam Bộ.

 

21

 

MỘT SỐ BIỂU HIỆN GIAO THOA NGÔN NGỮ TRONG DÙNG TỪ

TIẾNG VIỆT CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC DÂN TỘC TÀY

 

Trần Thị Kim Hoa

    Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên

Email: trankimhoa25@gmail.com

 

Tóm tắt: Đối với đại đa số học sinh tiểu học, tiếng Việt được học với tư cách là ngôn ngữ thứ nhất (tiếng mẹ đẻ). Với học sinh dân tộc nói chung, học sinh dân tộc Tày nói riêng, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Ở lĩnh vực ngôn ngữ, chúng ta còn thấy, mỗi ngôn ngữ có một đặc trưng ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp riêng. Chính vì vậy, trong nói, viết của học sinh tiểu học dân tộc Tày, chúng ta rất dễ nhận ra những biểu hiện giao thoa giữa tiếng Việt và tiếng Tày. Ở bài viết này, bước đầu chúng tôi tìm hiểu sự giao thoa ngôn ngữ trong nói, viết tiếng Việt của học sinh tiểu học dân tộc Tày qua những hiện tượng sau: Qua việc sử dụng các danh từ chỉ người theo nghề nghiệp, sử dụng đại từ “nó”, sử dụng các động từ phương hướng và sử dụng từ chỉ không gian.

Tkhóa:Giao thoa; ngôn ngữ; tiếng Việt; tiếng Tày; học sinh tiểu học.

 

22

 

BỒI DƯỠNG KĨ NĂNG DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG

PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH CHO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC QUẬN THỦ ĐỨC, THÀNH PHỐ  HỒ CHÍ MINH

 

Đoàn Thị Ngân

Trường Bồi dưỡng Giáo dục Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh

            Email: doanngan0804@yahoo.com.vn

 

Tóm tắt: Thực tế, hoạt động bồi dưỡng kĩ năng dạy học theo định hướng phát triển năng lựchọc sinhcho giáo viên tiểu học tại quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng hệ thống kĩ năng dạy học theo định hướng phát triển năng lựchọc sinhvà đổi mới công tác bồi dưỡng kĩ năng dạy học cho giáo viên tiểu học nhằm nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng và năng lực nghề nghiệp cho giáo viên - chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục cấp Tiểu học nói riêng.

 

Từ khóa:Kĩ năng dạy học; định hướng; phát triển năng lực học sinh;giáo viên tiểu học.

 

23

 

ĐẠI HỌC THEO MÔ HÌNH DOANH NGHIỆP: HƯỚNG ĐI MỚI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP VIỆT - HUNG

NHẰM GẮN ĐÀO TẠO VỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

VÀ SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

 

Kiều Hưng - Email: kieuhung110876@gmail.com

Nguyễn Thị Dung -  Email: dung3h.viu@gmail.com

Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung

 

 

Tóm tắt: Đại họctheo mô hình doanh nghiệp (entrepreneurial university) là khái niệm được dùng để nói đến các trường đại học tích cực, tiên phong trong tìm cơ hội thương mại hóa các ý tưởng, kết nối hiệu quả tri thức khoa học với phát triển và tạo ra giá trị kinh tế; sử dụng thế mạnh về nguồn “vốn” của mình là tri thức để phục vụ xã hội, tham gia cùng doanh nghiệp bằng những sản phẩm có tính ứng dụng. Đề cập đến vấn đề này, bài viết phân tích rõ: 1/ Khái niệm và đặc điểm trường đại học theo mô hình doanh nghiệp; 2/ Cơ sở để triển khai nhà trường theo mô hình doanh nghiệp; 3/ Những kinh nghiệm bước đầu trong phát triển Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung theo mô hình doanh nghiệp. Theo tác giả bài viết, đại học theo mô hình doanh nghiệp là hướng đi phù hợp, giúp cho các trường đại học thực hiện trách nhiệm xã hội, đáp ứng nhu cầu người học cũng như  nhu cầu của của doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà trường theo mô hình doanh nghiệp cũng rất cần đến nhiều yếu tố khác như đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên về chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới chương trình phương pháp đào tạo…

 

Từ khóa: Đại học; mô hình doanh nghiệp; đào tạo; thị trường lao động.

 

24

 

NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG TỚI KHẢ NĂNG CÓ VIỆC LÀM

 CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG TÀI CHÍNH HẢI QUAN

SAU KHI TỐT NGHIỆP: THỰC NGHIỆM BẰNG MÔ HÌNH

 HỒI QUY SỐNG SÓT

 

Nguyễn Quyết

Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan, TP. Hồ Chí Minh

Email: nguyenquyetk16@gmail.com

 

Tóm tắt:Nội dung bài viết đề cập tới vấn đề những nhân tố tác động tới khả năng có việc làm của sinh viên Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan sau khi tốt nghiệp. Phương pháp định lượng và mô hình hồi quy sống sót được áp dụng để phân tích dữ liệu nghiên cứu. Cụ thể, tác giả thực hiện phân tích thực nghiệm bằng mô hình kinh tế lượng với kì vọng xác định những yếu tố ảnh hưởng tới khả năng có việc của sinh viên. Qua đó, dựa trên những chứng cứ thống kê, nghiên cứu gợi ý những giải pháp giúp nhà trườngđịnh hướng chiến lược đào tạo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những nhân tố ảnh hưởng tới khả năng có việc làm của sinh viên bao gồm kinh nghiệm làm việc, điểm trung bình, chương trình đào tạo, chiến lược tìm việc và kĩ năng mềm.

 

Từ khóa:Việc làm; sinh viên; tốt nghiệp; mô hình hồi quy sống sót.

 

25

 

CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP TẠI PHÁP

 VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

 

Hoàng Thị Minh Anh

  Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email:anglesparis2011@yahoo.com

 

Nguyễn Hoàng Mỹ Anh

Đại học Quốc gia Hà Nội

Email: mianojsc@gmail.com

 

Tóm tắt: Hệ thống giáo dục Pháp bao gồm nhiều loại hình đào tạo, phân loại theo học lực và sở thích của học sinh, định hướng tốt ngay từ bậc Trung học phổ thông. Đặc điểm của công tác hướng nghiệp tại Pháp là tính đa dạng của các loại hình hướng nghiệp và nguồn cung cấp thông tin tới học sinh và phụ huynh. Cổng thông tin tra cứu tư vấn hướng nghiệp trên các web lớn mạnh được cả xã hội chú ý và đầu tư. Tại Pháp có một số lượng lớn các chuyên gia hướng nghiệp cho học sinh trên toàn lãnh thổ Pháp. Qua đó việc tìm hiểu công tác hướng nghiệp ở Pháp, những nhà nghiên cứu, cán bộ hướng nghiệp của Việt Nam sẽ rút ra những bài học và áp dụng mềm dẻo những ưu điểm của nước bạn vào công tác giáo dục hướng nghiệp của nước nhà, giúp học sinh có cái nhìn bao quát về nghề và tiếp cận hướng nghiệp sớm hơn để tự chọn con đường đi dựa vào học lực, năng khiếu, sở thích của mình.

 

Từ khóa: Công tác; hướng nghiệp; Pháp; bài học kinh nghiệm; Việt Nam.