Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục số 143

12/09/2017 17:08 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục số 143

1
ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH MÔN NGỮ VĂN

Đỗ Ngọc Thống
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: thongdongoc@yahoo.com

Tóm tắt: Bài viết đề cập đến việc định hướng xây dựng, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới. Theo đó, tác giả trình bày cụ thể một số điểm chính trong định hướng đổi mới Chương trình môn Ngữ văn sắp tiến hành, bao gồm các vấn đề về: Tên môn học; Mục tiêu môn học; Cấu trúc, phạm vi nội dung môn học; Phương pháp dạy học; Kiểm tra, đánh giá. Theo tác giả bài viết, định hướng này dựa trên nhiều cơ sở khoa học và thực tiễn của việc phát triển chương trình nói chung, Chương trình môn Ngữ văn nói riêng; kết hợp kinh nghiệm của Việt Nam và tham khảo chương trình môn học của nhiều nước trên thế giới. Từ định hướng này, Ban Xây dựng chương trình môn học sẽ cụ thể hóa thành văn bản chương trình đầy đủ, hoàn chỉnh. Dự thảo văn bản chương trình Ngữ văn mới sẽ được xin ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau trong và ngoài nước. Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, văn bản Chương trình Ngữ văn mới sẽ được Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét. Nếu đạt yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phê duyệt và ban hành chính thức.  

Từ khóa: Chương trình; đổi mới chương trình; môn Ngữ văn; giáo dục phổ thông.

2
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU MÔN TOÁN TRONG CHƯƠNG TRÌNH 
GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

Đỗ Đức Thái 
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: ducthai.do@gmail.com

Đỗ Tiến Đạt 
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
 Email: dtdat55@gmail.com 

Các thành viên Ban Phát triển Chương trình môn học (môn Toán) 

Tóm tắt: Để phát triển chương trình môn Toán theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, vấn đề then chốt đầu tiên là xác định mục tiêu, bao gồm mục tiêu chung và mục tiêu ở từng cấp học. Vì vậy, cần thống nhất quan niệm về cấu trúc và cách biểu đạt mục tiêu. Căn cứ trên định hướng của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như những phân tích kinh nghiệm xác định mục tiêu môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam và các nước, bài viết đề xuất cách xác định, biểu đạt mục tiêu giáo dục môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm: Định hướng khái quát, sau đó trình bày theo cấu trúc gồm ba thành tố: Kiến thức và kĩ năng toán học; Các năng lực toán học cần hình thành và phát triển; Các phẩm chất cần hình thành và phát triển ở học sinh.
Từ khóa: Mục tiêu; chương trình; giáo dục phổ thông; môn Toán; chương trình giáo dục phổ thông mới. 

3
CHỈ SỐ IQ VÀ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ NHẬN THỨC “ĐẦU VÀO” Ở TRẺ VÀO LỚP 1 TỪ CÁCH TIẾP CẬN TÂM LÍ HỌC THẦN KINH

VÕ THỊ MINH CHÍ
Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: Minhchi12a4h@yahoo.com



Tóm tắt: Nhận thức là một hệ thống các chức năng nên để hiểu về mức độ nhận thức của trẻ mới vào lớp 1, có thể dùng chỉ số IQ với các mức độ phát triển của nó sẽ có cái nhìn khái quát hơn. Kiến thức của tâm lí học thần kinh cho phép xác định các vùng não phát triển đúng độ tuổi, làm cơ sở “bù trừ” chức năng cho các vùng chậm phát triển, giúp trẻ chậm phát triển ranh giới có cơ hội học tập trong các nhà trường phổ thông với các bạn đồng trang lứa.

Từ khóa: Chỉ số IQ; kết quả đánh giá; hệ thống các chức năng nhận thức; trẻ vào lớp 1; chậm phát triển ranh giới; “bù trừ” chức năng.

4
NÂNG CAO HIỆU QUẢ TỰ HỌC NGOẠI NGỮ
 CHO SINH VIÊN VIỆT NAM

Nguyễn Ngọc Lưu Ly
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
Email: nguyen.ngocluuly@yahoo.fr 
        Tóm tắt: Tính tự chủ là một chủ đề được đông đảo giới khoa học các nước quan tâm, nghiên cứu và áp dụng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiệu quả tích cực của việc tăng cường bồi dưỡng, phát triển tính tự chủ trong việc lĩnh hội và làm chủ ngoại ngữ. Bài viết cung cấp một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tự học ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh cần đổi mới phương pháp dạy học để có thể sử dụng ngoại ngữ trong công việc và cuộc sống. Các giải pháp đó là: 1/ Nâng cao hứng thú người học;2/ Củng cố sự tự tin cho người học; 3/ Thay đổi nội dung kiến thức dạy học; 4/ Rèn luyện kĩ năng gắn với các nhiệm vụ thực tế; 5/ Hướng dẫn tự học; 6/ Liều lượng “buông tay” của giáo viên; 7/ Kiểm tra đánh giá; 8/ Hỗ trợ của bạn đọc; 9/ Xây  dựng mội trường ngoài lớp học; 10/ Phát triển học liệu đa dạng, phù hợp. 

Từ khoá: Tự chủ; tự học; dạy học ngoại ngữ; sinh viên; trường đại học.

5
PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NĂNG LỰC CHUNG
 TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 
MÔN NGỮ VĂN

NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: nhvan1965@gmail.com

Tóm tắt: Phát triển chương trình theo hướng tiếp cận năng lực là xu thế chung của thế giới và cũng là quan điểm tiếp cận trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam. Bài viết đề cập đến quan niệm và biểu hiện của các năng lực chung trong chương trình môn Ngữ văn: Năng lực tự học và tự chủ; Năng lực giao tiếp và hợp tác; Năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề. Đồng thời, tác giả đưa ra minh họa cụ thể về quy trình, biện pháp và cơ hội để phát triển năng lực giao tiếp trong môn học Ngữ văn. Như vậy, việc vận dụng quy trình dạy học và đánh giá năng lực chung trong môn học Ngữ văn vừa góp phần cụ thể hoá mục tiêu phát triển năng lực trong chương trình môn học vừa góp phần thực hiện tốt nhất mục tiêu dạy học Ngữ văn.

Từ khóa: Năng lực; môn Ngữ văn; chương trình giáo dục phổ thông.

6
ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC VIỆT NAM 
TRONG THỜI KÌ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

Nguyễn Thị Hà Lan
Trường Đại học Hồng Đức
Email: nguyenhalan.hdu@gmail.com

Tóm tắt: Đề cập đến việc định hướng đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tác giả bài viết phân tích cụ thể các vấn đề: 1/Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nguồn nhân lực; 2/ Yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với nguồn nhân lực; 3/ Định hướng trong đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam. Theo tác giả bài viết, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực thực sự phù hợp với sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng. Nhận thức đúng đắn và kịp thời về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển xã hội, nhiệm vụ của các cấp quản lí, các ban ngành cùng với các trường học trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học cần tập trung hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo những thế hệ lao động có đầy đủ phẩm chất, năng lực của người lao động trong xã hội hiện đại, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.

Từ khóa: Đào tạo; nguồn nhân lực; công nghiệp hóa; hiện đại hóa.

7
MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG XÂY DỰNG CÂU HỎI 
CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM NGÀNH NGỮ VĂN

NGUYỄN THỊ HIÊN
Trường Đại học Hải Phòng
Email: hienvan1975@gmail.com

Tóm tắt: Thiết kế, xây dựng câu hỏi là một trong những kĩ năng dạy học cơ bản của mỗi giáo viên để tổ chức dạy học đạt hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến nay, kĩ năng nghề nghiệp này vẫn chưa thực sự được chú trọng trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho sinh viên các ngành Sư phạm. Xuất phát từ thực tế và yêu cầu chuẩn hoá kĩ năng dạy học theo định hướng phát triển toàn diện năng lực dạy học, bài viết đề xuất một số biện pháp tổ chức dạy học, rèn luyện để phát triển kĩ năng xây dựng câu hỏi cho sinh viên Sư phạm ngành Ngữ văn trong quá trình học tập ở trường đại học để có thể vận dụng tốt trong nghề nghiệp của mình sau này.

Từ khóa: Câu hỏi; kĩ năng xây dựng câu hỏi; sinh viên sư phạm; Ngữ văn.


8
VẬN DỤNG DẠY HỌC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THEO TIẾP CẬN PISA 
TRONG DẠY HỌC VẬT LÍ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 
 

Phạm Kim Chung 
Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội
Email: chungpk@vnu.edu.vn

           Tóm tắt: Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA (The Programme for International Student Assessment) khảo sát năng lực Đọc hiểu, Toán và Khoa học của học sinh trong độ tuổi 15, nhằm kiểm tra mức độ chuẩn bị để đáp ứng các thách thức của cuộc sống sau này cho học sinh ở độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc. Qua hai kì tham gia PISA năm 2012 và 2015, mặc dù được xếp hạng cao nhưng lĩnh vực Khoa học là lĩnh vực học sinh Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vật lí là môn học có nhiều ứng dụng trong thực tiễn, theo đó việc dạy học Vật lí có vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực tư duy, khả năng giải quyết vấn đề cho học sinh. Bài viết đề cập đến việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề theo tiếp cận PISA trong dạy học Vật lí ở trường trung học phổ thông. Theo tác giả, để tổ chức dạy học theo hướng trên, đòi hỏi người giáo viên phải tìm kiếm, sáng tạo các nội dung dạy học, cụ thể là các tình huống thực tiễn gắn với nội dung kiến thức cần dạy, với những vấn đề xã hội quan tâm, tổ chức các hoạt động đa dạng và phong phú, thực hiện một cách toàn diện từ đổi mới phương pháp dạy học đến cách kiểm tra đánh giá.

          Từ khóa: Dạy học; giải quyết vấn đề; PISA (The Programme for International Student Assessment); Vật lí; trung học phổ thông.


 
HÌNH THÀNH NĂNG LỰC DẠY HỌC VĂN NGHỊ LUẬN
CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM NGÀNH NGỮ VĂN

NGUYỄN THỊ THU THỦY 
Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên
Email: thuythu1930@yahoo.com.vn

         Tóm tắt: Việc hình thành năng lực dạy học văn nghị luận cho sinh viên sư phạm Ngữ văn là một nghiệm vụ quan trọng và cần thiết. Sinh viên cần phải có năng lực tạo lập văn bản nghị luận và được rèn luyện thành thạo kĩ năng dạy học văn nghị luận ở trường phổ thông. Quá trình hình thành năng lực dạy học Ngữ văn nói chung và dạy học văn nghị luận nói riêng cho sinh viên được tổ chức theo ba giai đoạn cơ bản: (1) Hình thành kiến thức về dạy học văn nghị luận; (2): Rèn luyện kĩ năng dạy học văn nghị luận; (3) Hình thành năng lực dạy học văn nghị luận. Việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng chuẩn đầu ra là góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

         Từ khóa: Năng lực dạy học; văn nghị luận; sinh viên sư phạm; Ngữ văn.

10
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN 
NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG  
CÔNG AN NHÂN DÂN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU 
ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Đinh Hoàng Hương
Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I
Email: Rocker.sovo@gmail.com

          Tóm tắt: Đội ngũ giảng viên ngành Công an nhân dân luôn được xem là lực lượng cốt cán quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy, Chính phủ, Bộ Công an luôn quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Trong tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp về các loại tội phạm, đội ngũ giảng viên nghiệp vụ chuyên ngành vẫn còn những hạn chế nhất định. Tác giả phân tích và đưa ra một số giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên nghiệp vụ chuyên ngành đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới hiện nay.

         Từ khóa: Đội ngũ giảng viên; nghiệp vụ chuyên ngành; công an nhân dân; an ninh trật tự; trường cao đẳng. 

11
QUẢN LÍ PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH
GIÁO DỤC NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 
THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

NGUYỄN THỊ KIM CHI
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An
 Email:chintk@nghean.edu.vn

NGUYỄN THỊ HƯỜNG
Trường Đại học Vinh
Email: nguyenthihuongcd@gmail.com


Tóm tắt: Bài viết đề cập đến việc quản lí phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Theo tác giả, quản lí phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh là vấn đề quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Hiệu quả của việc phát triển chương trình giáo dục nhà trường nói chung, trường trung học học phổ thông nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quản lí. Việc xác định rõ các nội dung, cách thức, chủ thể quản lí sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phát triển chương trình giáo dục nhà trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh. 
Từ khóa: Chương trình; giáo dục nhà trường; trung học phổ thông; phát triển năng lực học sinh. 



12
MỘT SỐ BIỆN PHÁP XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC 
THEO TIẾP CẬN “VĂN HÓA TỔ CHỨC” TẠI CÁC TRƯỜNG
 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN TRONG BỐI CẢNH
 HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Lê Thị Oanh
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam
Email: oanhlevn@gmail.com

         Tóm tắt: Bài viết trình bày một số biện pháp xây dựng môi trường giáo dục theo tiếp cận ‘văn hóa tổ chức” tại các trường trung học phổ thông chuyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Theo tác giả, hệ thống các biện pháp này bao gồm các vấn đề: Giáo dục nhận thức; Xác lập bộ tiêu chí; Thiết kế chương trình, nội dung; Triển khai xây dựng môi trường giáo dục; Phát huy tích cực vai trò của các chủ thể giáo dục; Hỗ trợ kiểm tra, đánh giá; Tăng cường các nguồn lực cho các hoạt động xây dựng môi trường giáo dục theo tiếp cận “văn hóa tổ chức” trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mỗi biện pháp đều có vai trò, tác dụng ảnh hưởng khác nhau đến hiệu quả công tác xây dựng môi trường giáo dục trong trường trung học phổ thông chuyên. Để phát huy tối đa hiệu quả của các biện pháp cần sử dụng chúng đồng bộ để sao cho mỗi biện pháp trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi hoạt động quản lí nhằm đạt được mục tiêu chung của nhà trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.

        Từ khóa: Môi trường giáo dục; văn hóa tổ chức; trường trung học phổ thông chuyên; hội nhập quốc tế. 

13
RÈN LUYỆN VÀ PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH LOGIC TOÁN 
CHO HỌC SINH THÔNG QUA DẠY HỌC HÌNH HỌC 
Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

NGUYỄN TRUNG THANH
Trường Trung học cơ sở Đông Hòa - Đông Sơn - Thanh Hóa
Email: trungthanhds78@gmail.com

Tóm tắt: Bài viết phân tích về khái niệm trí thông minh logic toán học, những biểu hiện về khả năng linh hội và giải quyết các vấn đề toán học của đối tượng học sinh có dạng tí thông minh logic toán học nổi trội. Có nhiều biện pháp để rèn luyện và phát triển năng lực toán học vốn có cho học sinh, ở đây bài báo chỉ đưa ra một số biện pháp như: Rèn luyện cho học sinh kĩ năng vận dụng thuần thục các thao tác tư duy cơ bản; Rèn luyện cho học sinh các kĩ năng sử dụng công cụ Đại số vào giải quyết một số vấn đề Hình học; Rèn luyện cho học sinh kĩ năng sử dụng công cụ Hình học để giải quyết một số bài toán Đại số. Từ đó, học sinh được tèn luyện tính linh hoạt, mềm dẻo trong tư duy giải quyết các vấn đề Toán học - nét nổi bật của học sinh có trí thông minh logic - Toán nổi trội.

Từ khóa: Trí thông minh logic toán; Trung học cơ sở; dạy học; Hình học.


14
QUY TRÌNH LỰA CHỌN VÀ SỬ DỤNG CÁC TÌNH HUỐNG 
THỰC TIỄN TRONG DẠY HỌC TOÁN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

ĐÀO TAM - Trường Đại học Vinh
Email: daotam32@gmail.com
PHẠM NGUYỄN HỒNG NGỰ - Trường Đại học Quảng Nam
Email:phamhongngu@gmail.com

         Tóm tắt: Kết nối Toán học với thực tiễn được thực hiện chủ yếu nhờ việc triển khai các hoạt động mô hình hóa để toán học hóa các tình huống của hiện thực khách quan. Việc nghiên cứu triển khai các hoạt động toán học hóa ở trong nước và trên thế giới hiện nay chỉ mới thể hiện qua việc tổ chức cho học sinh hoạt động, thực hiện các bước mô hình hóa. Bài viết đề cập đến các nghiên cứu sư phạm về kết nối Toán học với thực tiễn trên nhiều bình diện và đưa ra những ví dụ minh họa dành cho học sinh trải nghiệm gắn kết kiến thức toán với thực tiễn. Đây là cơ sở để tìm kiếm và xây dựng quy trình lựa chọn, sử dụng tình huống thực tiễn vào dạy học Toán ở trường phổ thông nhằm phát triển năng lực cá nhân của học sinh. 
        Từ khóa: Quy trình lựa chọn; tình huống thực tiễn; Toán học; trường phổ thông. 

15
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THIẾT KẾ VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH 
BÀI HỌC MÔN TOÁN THEO ĐỊNH HƯỚNG 
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CỦA GIÁO VIÊN TIỂU HỌC HIỆN NAY

ĐỖ HOÀNG MAI 
Trường Đại học Hồng Đức
Email: dohoangmai@hdu.edu.vn

          Tóm tắt: Để dạy học theo định hướng phát triển năng lực ở Tiểu học nói chung và môn Toán nói riêng, đòi hỏi người giáo viên phải có năng lực sư phạm nổi trội, trong đó thiết kế kế hoạch bài học theo hướng phát triển năng lực người học là kĩ năng quan trọng góp phần vào sự thành công của dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Qua điều tra bằng phiếu hỏi 185 giáo viên ở 12 trường tiểu học thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bài viết phân tích thực trạng và nguyên nhân về vấn đề thiết kế kế hoạch bài học môn Toán của giáo viên Tiểu học hiện nay. Từ đó, đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao kĩ năng thiết kế kế hoạch bài học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực cho giáo viên Tiểu học gồm: Bồi dưỡng kĩ năng phân tích chương trình, sách giáo khoa Toán Tiểu học cho giáo viên Tiểu học; Bồi dưỡng cho giáo viên các kĩ thuật gắn với yêu cầu của thiết kế kế hoạch bài học theo định hướng phát triển năng lực người học; Tăng cường tổ chức các đợt tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên Tiểu học, giúp giáo viên giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình dạy học.

       Từ khóa: Năng lực; giáo viên Tiểu học; kế hoạch bài học; môn Toán.

16
NHẬN DIỆN CẤU TRÚC MỘT BÀI BÁO KHOA HỌC

NGUYỄN THU TUẤN
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: thutuan.dhsphn@gmail.com

Tóm tắt: Để có được một công trình nghiên cứu nói chung và một bài báo khoa học nói riêng thật sự có chất lượng, đòi hỏi người viết phải có các tố chất khoa học. Nội dung bài viết nêu và phân tích cấu trúc của một bài báo khoa học theo thông lệ quốc tế để giúp các nhà nghiên cứu thực hiện đúng quy chuẩn. Tác giả cũng đưa ra những yêu cầu đối với người viết một bài báo khoa học, bao gồm: Có ý tưởng khoa học; Tham khảo về bố cục bài viết đã được đăng trên tạp chí; Biết cách trình bày trong bài báo khoa học; Việc lựa chọn tạp chí phù hợp để đăng bài. Từ đó, người làm khoa học sẽ tạo dựng được tính chuyên nghiệp trong thời kì hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay. 

Từ khóa: Bài báo khoa học; tạp chí khoa học; cấu trúc bài báo. 

17
ĐẶT GIẢ THUYẾT CHO ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU 
KHOA HỌC GIÁO DỤC

HUỲNH MỘNG TUYỀN
Trường Đại học Đồng Tháp
Email: huynhmongtuyen73dhdt@gmail.com

          Tóm tắt: Việc nghiên cứu đặt giả thuyết khoa học cho đề tài nghiên cứu có ý nghĩa cấp thiết về mặt lí luận và thực tiễn, giúp cho việc nghiên cứu thành công. Bài viết đề cập đến khái niệm và đặc trưng của giả thuyết khoa học, vai trò của giả thuyết khoa học trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, các loại giả thuyết khoa học, cách đặt giả thuyết khoa học, việc kiểm chứng giả thuyết và những lỗi thường gặp khi đặt giả thuyết trong các đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục. Từ đó, tác giả đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao năng lực đặt giả thuyết khoa học cho chủ thể nghiên cứu đề tài khoa học.

         Từ khóa: Giả thuyết khoa học; nghiên cứu; khoa học giáo dục. 


18
DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC HỌC THEO MÔ HÌNH HỌC TẬP TRẢI NGHIỆM CỦA DAVID A. KOLB THÔNG QUA PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP Ở TRƯỜNG SƯ PHẠM

DOÃN NGỌC ANH
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Email: doanngocanh77@gmail.com

Tóm tắt: Bài viết đề cập đến việc dạy học môn Giáo dục học theo mô hình học tập trải nghiệm của David A. Kolb thông qua phương pháp nghiên cứu trường hợp ở trường sư phạm, một trong những xu hướng dạy học phát huy được vai trò tự giác, tích cực, tự lực của sinh viên, giúp sinh viên sư phạm không chỉ mở rộng khả năng học tập của mình một cách tốt nhất mà còn tiếp cận sâu hơn về một chiến lược dạy học để hướng đến các ứng dụng có chất lượng trong hoạt động nghề nghiệp khi ra trường nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: Dạy học; môn Giáo dục học; mô hình học tập trải nghiệm; David A. Kolb; phương pháp nghiên cứu trường hợp; trường sư phạm.

19
THỰC TRẠNG GIÁ TRỊ NGHỀ NGHIỆP 
CỦA SINH VIÊN CAO ĐẲNG NĂM THỨ BA NGÀNH  GIÁO DỤC 
MẦM NON Ở MỘT SỐ CƠ SỞ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN HIỆN NAY

VŨ THỊ YẾN NHI
Trường Cao đẳng Hải Dương
Email: vuyennhicdhd@gmail.com

Tóm tắt: Để góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên mầm non, cần phải giáo dục giá trị nghề nghiệp trong các trường sư phạm nhằm hình thành ở sinh viên mầm non, những giáo viên mầm non trong tương lai một hệ thống định hướng giá trị nghề nghiệp phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xã hội. Điều tra và đánh giá thực trạng giá trị nghề nghiệp của sinh viên năm thứ 3 hệ cao đẳng giáo dục mầm non ở một số cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay là việc làm cần thiết nhằm kịp thời đề xuất những biện pháp giáo dục giá trị nghề nghiệp hiệu quả cho sinh viên. Kết quả điều tra cho thấy, một số giá trị nghề nghiệp cốt lõi của sinh viên cao đẳng năm thứ 3 ngành giáo dục mầm non có mức độ biểu hiện còn thấp, không đồng đều và có sự khác biệt nhất định giữa các cơ sở đào tạo.

Từ khóa: Thực trạng; giá trị nghề nghiệp; sinh viên cao đẳng; giáo dục mầm non.

20
LỰA CHỌN NỘI DUNG GIÁO DỤC GIÁ TRỊ VĂN HÓA
DÂN TỘC THIỂU SỐ CHO HỌC SINH DÂN TỘC 
ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỚI

NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT 
               Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam 
Email: nguyetgddt@gmail.com
Tóm tắt: Lựa chọn nội dung giáo dục giá trị văn hóa dân tộc thiểu số cho học sinh dân tộc trong nhà trường là vấn đề rất có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay. Bài viết phân tích sự cần thiết phải giáo dục giá trị văn hóa dân tộc; một số tiêu chí làm căn cứ lựa chọn nội dung giáo dục cho học sinh dân tộc và minh họa một vài chủ điểm về nội dung giáo dục giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần nhằm giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số những giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng,... theo đúng định hướng và mục tiêu của chương trình mới.  

Từ khóa: Lựa chọn; nội dung giáo dục; giá trị văn hóa; dân tộc thiểu số; học sinh; chương trình mới.

21
MÔ HÌNH THỰC NGHIỆM GIÁO DỤC VÀ ĐỊNH HƯỚNG 
PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH TRƯỜNG THỰC NGHIỆM 
CỦA VIỆN KHOA HỌC GIÁO DỤC VIỆT NAM 

Trần Huy Hoàng và nhóm nghiên cứu
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: hoang771@yahoo.com

Tóm tắt: Bài viết phân tích mô hình thực nghiệm giáo dục và định hướng phát triển mô hình Trường Thực Nghiệm của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong tương lai. Theo đó, Trường Thực Nghiệm của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam là một hệ thống gồm các cấp: Tiểu học,Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Mỗi đơn vị trường học có bề dày lịch sử phát triển riêng trong sự thống nhất của đặc trưng Trường Thực Nghiệm. Sự tồn tại của Trường Thực Nghiệm những năm qua đã thể hiện vai trò và sứ mệnh của nó trong một giai đoạn lịch sử. Trường cần có định hướng phát triển mới trên cơ sở đặc điểm nhà Trường Thực Nghiệm đáp ứng xu thế đổi mới của giáo dục Việt Nam. Với đặc thù của một mô hình nhà trường thí điểm các vấn đề đổi mới của ngành và bắt kịp nhu cầu của thời đại, Trường Thực Nghiệm của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam sẽ khẳng định được sự tồn tại và vai trò của mình trong tương lai. 

Từ khóa: Mô hình; trường thực nghiệm giáo dục; Trường Thực Nghiệm; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

22
MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG VỀ DẠY VÀ HỌC MÔN NGHỆ THUẬT
TRONG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN MẦM NON
Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

LÊ THỊ THANH THỦY 
Trường  Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: thuylethanh58@gmail.com

Tóm tắt: Bài viết nêu lên tầm quan trọng của việc dạy và học môn Nghệ thuật trong chương trình đào tạo của Khoa Giáo dục mầm non - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng thời chỉ ra một số định hướng cho việc phát triển chương trình và thực hiện quá trình giảng dạy các môn học Nghệ thuật. Tác giả còn đưa ra các giải pháp đổi mới việc dạy học và những yêu cầu về khả năng sư phạm của giảng viên nghệ thuật. 

Từ khóa: Định hướng; dạy và học môn Nghệ thuật; đào tạo giáo viên mầm non; giáo dục mầm non, giáo dục nghệ thuật.

23
KHẢO SÁT THỰC TRẠNG NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP 
CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÍ GIÁO DỤC
 Ở CÁC TỈNH MIỀN NÚI PHÍA BẮC 

SÁI CÔNG HỒNG
Bộ Giáo dục và Đào tạo
Email: saiconghong75@mail.com
TĂNG THỊ THÙY
Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội
Email: thuyussh@gmail.com

Tóm tắt: Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về thực trạng năng lực hiệu trưởng các trường trung học các tỉnh miền núi phía Bắc. Khảo sát trên 8 khía cạnh của năng lực nghề nghiệp gồm có: (1) Năng lực Quản lí và phát triển bản thân; (2) Năng lực Thiết lập, vận hành bộ máy và cơ chế hoạt động của nhà trường; (3) Năng lực Phát triển đội ngũ; (4) Năng lực Phát triển kế hoạch giáo dục của nhà trường; (5) Năng lực Đảm bảo chất lượng sản phẩm giáo dục của nhà trường; (6) Năng lực Quản lí nguồn tài chính, tài sản của nhà trường; (7) Năng lực Huy động nguồn tài chính, tài sản cho phát triển nhà trường; (8) Năng lực Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nhà trường. Từ đó, tác giả đưa ra một số đề xuất để nâng cao năng lực nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc.

Từ khóa: Khảo sát; thực trạng; năng lực nghề nghiệp; cán bộ quản lí giáo dục; hiệu trưởng; các tỉnh miền núi phía Bắc.

24
GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP CỦA ANH 
VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Phạm Ngọc Dương
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: duong.vnies@gmail.com

Tóm tắt: Vương quốc Anh là một trong những nước có hệ thống giáo dục phát triển trên thế giới, công tác giáo dục hướng nghiệp cho giới trẻ đặc biệt là học sinh bậc Trung học rất được chú trọng. Chính phủ, chính quyền địa phương, nhà trường và các tổ chức xã hội liên quan cùng tham gia vào công tác giáo dục hướng nghiệp một cách mạnh mẽ. Trong đó, chính quyền địa phương và các trường học ở Vương quốc Anh được yêu cầu phải đưa các định hướng nghề nghiệp một cách đầy đủ, độc lập và khách quan cho học sinh của mình. Tác giả bài viết tìm hiểu về hoạt động giáo dục hướng nghiệp của Vương quốc Anh cho học sinh bậc Trung học, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm thực tế về cách thức tổ chức giáo dục hướng nghiệp, các phương pháp giáo dục hướng nghiệp cho Việt Nam góp phần vào việc phân luồng học sinh cấp Trung học phổ thông là bước khởi đầu quan trọng của quá trình cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội.

Từ khóa: Giáo dục hướng nghiệp; hoạt động giáo dục hướng nghiệp; học sinh trung học; Vương quốc Anh.

25
GIÁO DỤC KĨ NĂNG XÃ HỘI QUA TRẢI NGHIỆM CHO TRẺ MẦM NON - XU HƯỚNG THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

 NGUYỄN THỊ THU HẠNH
Trường Đại học Vinh
Email: hanhvinhuni@gmail.com

Tóm tắt: Bài viết đề cập đến vấn đề giáo dục kĩ năng xã hội qua trải nghiệm cho trẻ mầm non dưới góc độ phân tích một số vấn đề lí luận có liên quan như: Các khái niệm, mục đích, phân loại, phương pháp giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ và phân tích xu hướng thế giới trong giáo dục kĩ năng xã hội qua trải nghiệm (thông qua việc xác định cơ sở lí luận và chương trình giáo dục mầm non của một số nước) nhằm đưa ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về giáo dục kĩ năng xã hội qua trải nghiệm. Qua đó, đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động này.

Từ khóa: Kĩ năng xã hội; giáo dục kĩ năng xã hội; trải nghiệm; trẻ mầm non.