Kỉ luật học đường ở Trung Quốc
Trung Quốc là đất nước nổi tiếng với kỉ luật nghiêm minh. Vì vậy, học sinh là những người được đầu tư giáo dục kỉ luật rất kĩ lưỡng. Các vấn đề kỉ luật trong trường học rất được coi trọng, là một trong những phương pháp giáo dục hữu hiệu để đạt đến mục đích giáo dục. Tác giả Phạm Thị Hồng Thắm đã phân tích kinh nghiệm của Trung Quốc trong vấn đề giáo dục kỉ luật học đường thông qua các nội dung như quan điểm, mục đích, nguyên tắc, hình thức và biện pháp giáo dục [1]. Trên cơ sở những điểm tương đồng và khác biệt về văn hóa, tác giả rút ra một sốnhận định và kiến nghị cho giáo dục kỉ luật ở Việt Nam.
Ngày 23 tháng 12 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Trần Bảo Sinh (陈宝生) kí thông tư quy định mới về khen thưởng, kỉ luật cho đối tượng học sinh phổ thông. Giáo dục kỉ luật ở Trung Quốc chính thức bước sang một trang mới phù hợp hơn với tình hình xã hội hiện tại và hướng tới tương lai. Thông tư này có hiệu lực chính thức từ ngày 01 tháng 3 năm 2021 và có rất nhiều nội dung được thay đổi so với những thông tư trước đó [中国教育部网站 (2021), 中小学教育惩戒规则].
Quan điểm mới trong giáo dục kỉ luật ở Trung Quốc hiện nay
“Không đánh không nên người” là quan điểm giáo dục từ xa xưa của người Trung Quốc. Cho đến nay, quan điểm đó vẫn được áp dụng. Tuy nhiên, gần đây, một số quan điểm giáo dục mới lại được đưa vào và áp dụng trong giáo dục trẻ hiện nay. Nếu như trước đây, quan điểm “phạt là chính” nhằm tăng tính răn đe, buộc đứa trẻ phải nghe lời người lớn thì trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thay đổi mục tiêu chuyển sang “khen là chính”. Việc thay đổi quan điểm giáo dục này cũng nhằm phù hợp với mục đích giáo dục hiện nay là tạo nên những người độc lập, tự tin để trở thành công dân toàn cầu.
Mục đích kỉ luật
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã xác định mục đích kỉ luật với học sinh là xây dựng đạo đức học đường, đảm bảo quy định nhà trường được thực thi, giáo viên là những người thực hiện trách nhiệm giáo dục, giảng dạy và quản lí theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của học sinh, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và toàn diện phù hợp với Luật giáo dục, Luật giáo viên, Luật Bảo vệ người chưa thành niên, các luật và quy định khác. Cuối cùng, mục đích của giáo dục kỉ luật cũng chỉ là tiến tới công bằng, bình đẳng và hướng tới sự phát triển.
Nguyên tắc kỉ luật
Nguyên tắc 1: Nhà trường và giáo viên phải tuân theo Luật giáo dục, thực hiện nhiệm vụ theo Luật.
Nguyên tắc 2: Sự phù hợp. Thực hiện giáo dục kỉ luật phải phù hợp với luật giáo dục và chú ý đến tác dụng của giáo dục.
Nguyên tắc 3: Đảm bảo tính công khai minh bạch.
Nguyên tắc 4: Kỉ luật nghiêm minh.
Nguyên tắc 5: Đảm bảo tính công bằng.
Nguyên tắc 6: Nhà trường và gia đình cùng phối hợp
Nguyên tắc 7: Tôn trọng.
Nguyên tắc 8: Quyền.
Nguyên tắc 9: Trách nhiệm.
Nguyên tắc 10: Bảo vệ.
Nguyên tắc 11: Nhân ái.
Hình thức và biện pháp kỉ luật
Các lỗi vi phạm như sau thì bị xử lí kỉ luật: 1/ Cố ý không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc không phục tùng giáo viên, người quản lí; 2/ Làm rối loạn trật tự lớp học, trường học; 3/ Hút thuốc, uống rượu hoặc có những lời nói hành động vi phạm quy tắc trường học; 4/ Có những hành vi nguy hiểm gây hại cho cơ thể hoặc tâm lí bản thân hoặc những người xung quanh; 5/ Đánh bạn hoặc đánh giáo viên, bắt bạt bạn bè hoặc làm tổn hại đến lợi ích của những người khác; 6/ Những hành vi vi phạm quy định khác do nhà trường quy định.
Đối với học sinh vi phạm mức độ nhẹ: 1/ Nhắc nhở đích danh học sinh; 2/ Yêu cầu học sinh xin lỗi, kiểm điểm bằng lời nói hoặc bằng văn bản; 3/ Thực hiện các nhiệm vụ công ích cho lớp hoặc giáo viên sử dụng các hình thức giáo dục ngoài khác do giáo viên quyết định; 4/ Phạt đứng trong 01 tiết học; 5/ Sau giờ học giáo viên tiến hành giáo dục, khuyên răn đối với học sinh; 6/ Đuổi ra khỏi lớp học; 7/ Các biện pháp khác do lớp hoặc nhà trường quy định. Sau khi giáo viên thực hiện các biện pháp giáo dục trên thì có thể tìm cơ hội thông báo cho gia đình về những hình phạt mà giáo viên đã áp dụng với học sinh.
Đối với học sinh vi phạm mức độ nặng (nghiêm trọng hoặc nhà trường từ chối giáo dục sau khi kỉ luật tại chỗ) đồng thời thông báo cho phụ huynh: 1/ Giáo viên chuyên trách sẽ tiến hành giáo dục học sinh; 2/ học sinh thực hiện các nhiệm vụ công ích trong nhà trường; 3/ học sinh bắt buộc học các lớp về giáo dục kỉ luật trường lớp; 4/ học sinh bị đình chỉ hoặc bị hạn chế tham gia các chuyến tham quan dã ngoại, các hoạt động tập thể hoặc các hoạt động nhóm; 5/ Các biện pháp khác do nhà trường quy định.
Đối với học sinh vi phạm mức độ nghiêm trọng (có sức ảnh hưởng mạnh đến những bạn xung quanh) nhà trường tiến hành thông báo trước cho phụ huynh sau đó tiến hành thực hiện kỉ luật: 1/ Đình chỉ học tập 01 tuần và cha mẹ tiến hành giáo dục ở nhà; 2/ học sinh bị quản giáo bởi phó hiệu trưởng hoặc giáo viên phụ trách xử lí các hành động vi phạm của học sinh; 3/ Tham gia các lớp học/ khóa học/ trường giáo dục đặc biệt dành cho đối tượng vi phạm lỗi nặng. Trong một số trường hợp cần thiết, học sinh nhận được sự can thiệp của chuyên gia tư vấn tâm lí, can thiệp hành vi hoặc các nhân viên xã hội khác; 4/ Cảnh cáo trước lớp/cảnh cáo trước toàn trường; 5/ Ghi vào học bạ; 6/ Tạm giam; 7/ Xóa bỏ học bạ/đuổi học; 8/ Đưa về các trường giáo dục đặc biệt.
Giáo viên cũng bị nghiêm cấm sử dụng các hình phạt như sau: 1/ Các hình phạt thể chất gây đau đớn về thể xác cho học sinh như đánh, đâm...; 2/ Hình phạt nhục hình gây tổn hại gián tiếp đến thể chất hoặc tinh thần học sinh; 3/ Xúc phạm nhân phẩm học sinh bằng những lời nói, việc làm mang tính chất phân biệt đối xử, xúc phạm...; 4/ Phạt tất cả học sinh nếu cá nhân hoặc một nhóm học sinh vi phạm; 5/ Giáo dục kỉ luật do kết quả học tập; 6/ Thực hiện hoặc thực hiện có chọn lọc kỉ luật giáo dục do cảm xúc thích hoặc không thích của cá nhân giáo viên; 7/ Chỉ định học sinh áp dụng kỉ luật giáo dục đối với học sinh khác; 8/ Các hành vi vi phạm quyền khác của học sinh.
Kết luận
Thông qua việc tìm hiểu giáo dục kỉ luật ở Trung Quốc, tác giả mạnh dạn rút ra một số kinh nghiệm như sau:
1/ Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Kỉ luật cần đảm bảo sự thống nhất giữa các bên.
2/ Kỉ luật cần được thực hiện công bằng, rõ ràng, có sự giám sát chặt chẽ của các bên liên quan.
3/ Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính và cần được trao quyền nhiều hơn trong việc xử lí học sinh vi phạm.
4/ Việt Nam đang trong giai đoạn hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc. Vì vậy, kỉ luật học sinh cũng nên sử dụng các biện pháp kỉ luật tích cực, không mang tính bạo lực, tính trừng phạt học sinh dựa trên cơ sở giúp học sinh nhận ra và sửa chữa khuyết điểm.
5/ Kỉ luật cần thực hiện nghiêm minh, cần phạt thì phạt, cần giáo dục cho người học đức tính tôn trọng kỉ luật.
6/ Xây dựng văn bản quy định giáo dục kỉ luật cần có sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có sự tương đồng về văn hóa, xã hội. Những kết quả nghiên cứu trên là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo áp dụng.
Tài liệu tham khảo
[1] Phạm Thị Hồng Thắm. (2021). Kỉ luật học đường ở Trung Quốc. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam 44, tr 61-64.