Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học theo mô hình học tập trải nghiệm của John Deway

21/03/2022 17:43 GMT+7
Từ mô hình học tập trải nghiệm của John Deway, tác giả Đoàn Thị Thu Thủy, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã thiết kế chi tiết hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học nhằm phát huy thế mạnh, tạo sự hứng thú của học sinh tham gia hoạt động giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường tiểu học.

Hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông mới coi trọng phát triển năng lực học sinh. Trong đó, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học là hoạt động bắt buộc với mục tiêu: hình thành các phẩm chất, thói quen, kĩ năng sống,... thông qua sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ,.. thời lượng dành là 105 tiết/1 năm. Trong bài viết, tác giả đề xuất việc thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm theo mô hình học tâp trải nghiệm của John Dewey với mục đích nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh theo đúng sứ mệnh và mục tiêu được đề ra.
  
Theo Dewey, giáo dục được đặc trưng bởi các quan sát từ một kinh nghiệm, phản chiếu về trải nghiệm đó và sau đó hình thành các khái niệm dựa trên những phản chiếu và kiến thức đã tồn tại trước đó. Dewey cũng chỉ ra rằng, mỗi trải nghiệm tiếp theo dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, do đó chỉ ra quy trình học tập trải nghiệm diễn ra.
  
Mô hình dạy học trải nghiệm của Dewey
  
Tác giả đã vận dụng mô hình học tập trải nghiệm của John Dewey để thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học với một số nguyên tắc thiết kế:
  
- Xác định mục tiêu một cách rõ ràng để có thể lượng giá được theo thang đánh giá Bloom.
- Dành đủ thời gian để học sinh suy nghĩ về trải nghiệm.
- Đặt câu hỏi rõ ràng, phù hợp với mục tiêu tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp với từng chủ đề.
- Lập kế hoạch cho các hoạt động phù hợp sẽ giúp học sinh suy ngẫm về kinh nghiệm của mình khi tham gia hoạt động giáo dục.
- Lắng nghe học sinh phản hồi một cách cẩn thận để có những điều chỉnh, định hướng cho học sinh thay đổi kinh nghiệm phù hợp nhất.
- Hỗ trợ từng học sinh gặp khó khăn khi tham gia hoạt động trải nghiệm.
  
Vận dụng mô hình dạy học trải nghiệm của John Dewey vào việc thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm giúp cho học sinh chuyển hóa từ suy nghĩ thành hành động - một vấn đề quan trọng trong mục tiêu của tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học. Việc thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm cần linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng học sinh, nội dung học tập, điều kiện của nhà trường và địa phương. Giáo viên tham gia với vai trò là người chỉ dẫn, thúc đẩy quá trình học tập. Học sinh được tự trải nghiệm và đúc kết nên kinh nghiệm mới cho bản thân.