Áp dụng tiếp cận dựa vào nhiệm vụ trong việc giảng dạy tiếng Anh
Việc giảng dạy tiếng Anh có nhiều cách tiếp cận và phương pháp dạy khác nhau. Trong đó, phương pháp tiếp cận dựa vào nhiệm vụ đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các nhà giáo dục. Bài viết của nhóm tác giả Nguyễn Đình Như Hà, Nguyễn Lộc và Trần Tuyết của Viện Sư phạm Kĩ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu khái quát về tiếp cận dựa vào nhiệm vụ trong việc giảng dạy tiếng Anh ở bậc Đại học, Cao đẳng.
Hai phần đầu tiên của bài viết trình bày cơ sở lí luận về tiếp cận dựa vào nhiệm vụ và mô hình nghiên cứu áp dụng tiếp cận dựa vào nhiệm vụ của Gorp và Bogaert (2006). Phần tiếp theo trình bày những bước cụ thể trong mô hình để triển khai một bài dạy kĩ năng nói tiếng Anh với một nhiệm vụ học tập được lựa chọn từ phần cơ sở lí luận. Bên cạnh đó, một số đề xuất cho các nhà quản lí giáo dục, đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Anh và hướng nghiên cứu tiếp theo về tiếp cận dựa vào nhiệm vụ trong việc giảng dạy tiếng Anh được trình bày trong phần kết luận.
Trong các phương pháp giảng dạy tích cực, phương pháp tiếp cận dựa vào nhiệm vụ (task-based approach) đóng một vai trò quan trọng để hình thành năng lực tiếng Anh của người học ở bậc Đại học. Với phương pháp tiếp cận dựa vào nhiệm vụ trong việc dạy tiếng Anh, người học sẽ dễ dàng thích nghi với việc học tiếng Anh và sử dụng lưu loát trong mọi vấn đề của cuộc sống. Bên cạnh đó, với sự đòi hỏi của các chương trình học bậc Đại học, người học phải phát huy tốt năng lực ngoại ngữ để theo kịp các môn chuyên ngành. Tiếp cận dựa vào nhiệm vụ là một phương pháp giảng dạy ngoại ngữ đã được sử dụng từ những năm 1980. Một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ đồng ý rằng, việc giảng dạy ngôn ngữ trên tiếp cận dựa vào nhiệm vụ được xem như là học thuyết kiến tạo.
Trong tiếp cận dựa vào nhiệm vụ, việc xác định đúng các nhiệm vụ học tập sẽ giúp người học phát huy tốt năng lực ngôn ngữ để từ đó sử dụng vào hoạt động đời sống hiệu quả. Trong bài viết này, nhóm tác giả chỉ ra một số nhiệm vụ học tập được sử dụng trong việc giảng dạy tiếng Anh: nhiệm vụ liệt kê (listing task) liên quan đến quá trình động não và tìm kiếm thông tin của người học; Nhiệm vụ sắp xếp và phân loại (ordering and sorting task) liên quan đến bốn quy trình chính: sắp xếp theo trình tự, xếp hạng, phân nhóm và phân loại các dạng thông tin; Nhiệm vụ so sánh (comparing task) liên quan đến việc xác định các điểm tương đồng hoặc khác biệt giữa các nhóm; Nhiệm vụ giải quyết vấn đề (problem solving task) các vấn đề luôn cần phải được giải quyết dựa trên một quy trình rõ ràng; Nhiệm vụ mang tính sáng tạo (creative task) là sự kết hợp đa dạng của các nhiệm vụ liệt kê, sắp xếp và phân loại, so sánh và giải quyết vấn đề; Nhiệm vụ đưa ra quyết định (decision-making task) người học phải đánh giá tính khách quan của từng hướng giải quyết và lựa chọn giải pháp phù hợp nhất thông qua thảo luận nhóm; Nhiệm vụ trao đổi quan điểm (opinion exchange task) là một dạng nhiệm vụ của làm việc đội nhóm. Tuy nhiên, người học sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi và phản biện quan điểm cá nhân nhiều hơn.
Một số nhà ngôn ngữ học đã xây dựng các mô hình áp dụng tiếp cận dựa vào nhiệm vụ như Gorp và Bogaert (2006). Hai tác giả đã minh họa một mối liên kết giữa các giai đoạn trong việc thực hiện một nhiệm vụ học tập. Trong các giai đoạn của việc thực hiện nhiệm vụ, giáo viên cần phải thực hiện tốt các bước cụ thể như sau: Giới thiệu nhiệm vụ; Hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ.
Từ việc tận dụng mô hình áp dụng tiếp cận dựa vào nhiệm vụ của 2 tác giả Gorp và Bogaert, nhóm tác giả sử dụng các bước trong mô hình để giải quyết một nhiệm vụ so sánh với chủ đề “Phân biệt các loại thư tín dụng trong kinh doanh” trong học phần tiếng Anh thuộc chương trình liên kết quốc tế ở bậc Đại học. Các bước tiến hành được trình bày rõ theo từng công việc cụ thể và được thực hiện trong 60 phút tại lớp học
Kết luận
Bản chất của tiếp cận dựa vào nhiệm vụ là giúp người học giải quyết tốt các nhiệm vụ học tập. Nhờ đó, người học sẽ sớm xây dựng các cách giải quyết vấn đề trong công việc một cách dễ dàng hơn. Vì vậy, việc xác định và xây dựng những nhiệm vụ học tập mang tính sư phạm sẽ giúp tạo ra một cộng đồng học tập trong lớp học, nơi mà có sự tương tác tích cực giữa các thành viên lớp học và giảng viên. Ngoài ra, cần phải xây dựng mô hình lớp học chuẩn hóa với số lượng người học phù hợp và điều kiện kĩ thuật tốt nhằm phục vụ cho việc triển khai tiếp cận dựa vào nhiệm vụ trong việc dạy tiếng Anh; đội ngũ giáo viên cần phải tự trang bị các kiến thức bổ ích và xây dựng đa dạng các nhiệm vụ học tập tiếng Anh để giúp người học dễ dàng thích ứng với phương pháp giảng dạy cũng như kiện toàn năng lực tiếng Anh của bản thân.
Hướng nghiên cứu tiếp theo có thể là việc biên soạn các tài liệu và nhiệm vụ học tập để hỗ trợ cho việc áp dụng tiếp cận dựa vào nhiệm vụ trong việc giảng dạy tiếng Anh.