Giáo dục đại học trong hệ hình giáo dục cận - hiện đại của Việt Nam
Giáo dục đại học theo mô hình phương Tây ở Việt Nam đã được hình thành từ đầu Thế kỉ XX. Tuy nhiên, có thể xem nền giáo dục đại học hiện đại của nước ta bắt đầu từ khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 và phát triển qua nhiều giai đoạn theo các biến động lịch sử quốc gia. Ở đầu Thế kỉ XXI, các mô hình giáo dục đại học phương Tây có ảnh hưởng đến nước ta đều hội tụ đến giáo dục đại học Hoa Kì, cho nên mô hình giáo dục đại học mà Việt Nam hướng đến trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay cũng chính là mô hình giáo dục đại học Hoa Kì. Các đổi mới giáo dục đại học ở nước ta trong gần ba thập niên qua đã thực hiện theo hướng đó nhưng còn gặp một số gay cấn. Muốn xây dựng một nền giáo dục đại học hiện đại, tiên tiến, tác giả Lâm Quang Thiệp, Trường Đại học Thăng Long, Hà Nội cho rằng cần đổi mới thể chế và hệ thống quản trị và quản lí giáo dục đại học nhằm đạt được mục tiêu mong muốn.
Bài viết nằm trong khuôn khổ đề tài “Các hệ hình (Paradigm) giáo dục ở Việt Nam - Từ truyền thống đến hiện đại”, Mã số KHGD/16-20.ĐT.037, do GS.TS Trần Ngọc Vương chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, tài trợ bởi Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
Đề tài nghiên cứu về “Các hệ hình giáo dục ở Việt Nam - Từ truyền thống tới hiện đại” trong Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” đã phân định giáo dục của nước ta thành năm hệ hình: Hệ hình giáo dục phi quan phương; Hệ hình giáo dục quân chủ - chuyên chế; Hệ hình giáo dục thuộc địa; Hệ hình giáo dục cận - hiện đại; Hệ hình giáo dục đương đại.
Trong năm hệ hình nói trên, hệ hình giáo dục đương đại là cái mà đề tài hướng đến nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục và đào tạo “chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế”.
Nội dung nghiên cứu của đề tài mô tả giáo dục đại học nước ta trong ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Giáo dục đại học thời kì kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) với hai giao đoạn là giáo dục đại học ở vùng kháng chiến và giáo dục đại học ở vùng tạm bị chiếm. Hệ thống giáo dục được thành lập và cơ cấu theo quy định của hai vùng.
Giai đoạn 2: Giáo dục đại học thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1954 - 1975) với hai giai đoạn giáo dục đại học ở miền Bắc và giáo dục đại học ở miền Nam. Giai đoạn 1955 - 1975, là giai đoạn rất quan trọng trong việc hình thành nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại với hệ thống trường lớp, cơ cấu ngành học tương đối hoàn chỉnh, quy mô rộng lớn.
Giai đoạn 3: Giáo dục đại học của nước Việt Nam thống nhất từ 1975 đến nay. Xây dựng hệ thống giáo dục thống nhất: từ sau năm 1975, cả nước ta có một hệ thống giáo dục đại học thống nhất theo cùng một mô hình và theo cùng một cách điều hành (kiểu Liên Xô). các trường đại học được tổ chức lại theo mô hình theo mô hình Liên Xô.
Như tác giả đã nói trên đây, từ khi bắt đầu “đổi mới”, chúng ta đã xây dựng một nền giáo dục đại học hiện đại tiên tiến. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đã gặp nhiều gay cấn, tác giả đã chỉ rõ những gay cấn đó để đưa ra một số gợi ý, hướng tới một nền giáo dục đại học hiện đại, tiên tiến.
Mô hình đại học hai cấp theo tổ chức Wold Bank là “không tận dụng được hết ưu thế về tài năng, kiến thức và tiềm lực hiện có bị phân tán trong một số lớn các cơ sở tách biệt…”. “Các cơ sở đại học phi tập trung có xu hướng trở thành không hiệu quả vì sự trùng lặp của việc cung cấp các khóa học và các cấu trúc hành chính. Các hoạt động trong giảng dạy và nghiên cứu vẫn được giữ trong nội bộ các trường và khoa riêng biệt. Những nỗ lực đa ngành bị cản trở. Các nguồn lực tài chính và khoa học không được chia sẻ rộng rãi.”
Về mô hình quản trị và quản lí giáo dục đại học: vấn đề tự chủ đại học vẫn là một gay cấn lớn vì việc thực thi các cơ chế đổi mới này gặp nhiều cản trở từ các bộ máy điều hành của Nhà nước.
Về đào tạo đại học, tư duy theo mô hình đại học Liên Xô cũ của cộng đồng đại học còn nặng nề nên sự hưởng ứng các đổi mới rất giới hạn, làm cho những đổi mới về chương trình và quy trình đào tạo không được suôn sẻ.
Để xây dựng một nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại, tiên tiến, trước hết Nhà nước và cộng đồng giáo dục đại học nước ta cần nghiên cứu để thấu hiểu nền giáo dục đại học mà chúng ta muốn hướng đến và quyết tâm đổi mới để xây dựng nền giáo dục đại học theo mô hình đã chọn; cần cải tiến mạnh mẽ thể chế để hỗ trợ cho tiến trình đó, quán triệt chủ trương của Nhà nước đến bộ máy quản trị và quản lí giáo dục đại học của Nhà nước.