Hội thảo “Vốn xã hội đối với việc phát triển ngành nghề trong xây dựng nông thôn mới”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Sáng ngày 17/7/2013, tại Khách sạn Melia Hà Nội, lãnh đạo và một số cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực tham dự Hội thảo “Vốn xã hội đối với việc phát triển ngành nghề trong xây dựng nông thôn mới”.

 Đây là hoạt động thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam với Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu các giải pháp huy động “vốn xã hội” cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới”, thuộc hệ thống các đề tài nghiên cứu của Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 do Chính phủ phê duyệt.


Hội thảo đã quy tụ các nhà nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Học Viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Hà nội; Ban Tuyên giáo Trung ương; các nhà nghiên cứu chính sách, các nhà quản lý đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban chủ nhiệm Chương trình Khoa học công nghệ xây dựng nông thôn mới.

Các báo cáo tham luận và những ý kiến phát biểu đã phân tích sâu sắc về vốn xã hội, sự hình thành và đặc trưng của vốn xã hội ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng cần xem xét, tiếp cận nghiên cứu vốn xã hội trong bối cảnh Việt Nam, từ đó có những phương pháp nghiên cứu, cách đo lường vốn xã hội phù hợp. Các ý kiến cũng chỉ ra vai trò của ngành nghề phi nông nghiệp những thách thức và cơ hội để phát triển ngành nghề phi nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới, những bài học kinh nghiệm, tiềm năng và định hướng phát triển các ngành nghề hiện nay ở khu vực nông thôn cũng như đặt ra vấn đề về sự gắn kết và phát huy vai trò của vốn xã hội đối với việc phát triển ngành nghề trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, TS.Trần Thị Thái Hà cho rằng các yếu tố vốn phi kinh tế như vốn xã hội, vốn con người, vốn nhân lực, vốn văn hóa có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp nói riêng và phát triển nông thôn bền vững nói chung. Mặc dù đã có nhiều thành tựu trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn Việt Nam trong thời gian qua, song các chính sách đưa ra vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển khu vực nông thôn do thiếu sự gắn kết các nghiên cứu liên ngành (giáo dục, nông nghiệp, khoa học xã hội…) dẫn đến các nguồn vốn phi kinh tế ở nông thôn bị hạn chế điển hình như vốn nhân lực (lao động không được đào tạo đúng nhu cầu, thiếu hụt kiến thức và kỹ năng lao động, kinh doanh…). Bởi lẽ, các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người lao động có trình độ học vấn cao, được đào tạo bài bản đều “giàu” vốn xã hội hơn so với nhóm có học vấn thấp, không được đào tạo. Do vậy, một trong những giải pháp liên quan đến phát huy vai trò vốn xã hội trong phát triển nông thôn bền vững hiện nay đó là việc giúp người lao động ở khu vực này biết cách “tạo ra/xây dựng” ra vốn xã hội mới trên cơ sở nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng lao động, trình độ giáo dục… chứ không chỉ dừng lại ở việc phát huy, khơi dậy vốn xã hội đã tồn tại trong lịch sử. Theo đó đề xuất rằng các nghiên cứu chính sách theo hướng liên ngành là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay để “khỏa lấp” sự cách biệt giữa các chính sách với thực tiễn đời sống.

Kết quả Hội thảo đã gợi ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích có liên quan đến phát huy vai trò của yếu tố vốn xã hội trong việc phát triển ngành nghề, tạo sinh kế và phát triển bền vững cho khu vực nông thôn.

Hội thảo kết thúc lúc 12h00 cùng ngày.

Nguyễn Văn Chiến,
Trung tâm PT&DB NCĐTNL