Tọa đàm khoa học về Chiến lược phát triển giáo dục 2021 - 2030
Chiều ngày 23/11/2021, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học về Chiến lược phát triển giáo dục 2021 - 2030 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tham dự và chủ trì tọa đàm.
Tham dự buổi tọa đàm, có đại diện của các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ GD&ĐT, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu quản lý giáo dục đến từ các trường đại học, học viện, viện/ trung tâm nghiên cứu và các cơ sở giáo dục trong toàn quốc. Về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN), có sự hiện diện của tập thể lãnh đạo Viện, ban soạn thảo chiến lược và đội ngũ chuyên gia tư vấn.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo buổi tọa đàm khoa học
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh vai trò của Viện KHGDVN trong việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030. Dự thảo Chiến lược được xây dựng rất cẩn trọng dựa trên kết quả phân tích ngành và cũng đưa ra bộ chỉ số đánh giá chiến lược giai đoạn 2021 - 2030. Bản dự thảo đang được xin ý kiến của các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT và các bộ ngành có liên quan, đặc biệt là cần xem xét các nguồn lực thực hiện. Ông mong đợi qua buổi tọa đàm, ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục và quản lý giáo dục.
Viện trưởng Lê Anh Vinh báo cáo tóm tắt dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045
GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo tóm tắt “Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với hai nội dung chính: (1) Tình hình phát triển giáo dục 2011 - 2020, về những kết quả đạt được, những hạn chế và phân tích nguyên nhân; (2) Chiến lược phát triển giáo dục 2021 - 2030 với các vấn đề bối cảnh, thời cơ và thách thức, quan điểm chỉ đạo, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển, và nhiệm vụ giải pháp.
Những thành tựu của giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được xem xét toàn diện trên các khía cạnh khác nhau như là thể chế và công tác quản lý, tiếp cận và công bằng, chất lượng, nhân lực ngành giáo dục, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém cũng được phân tích để rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.
Theo dự thảo, đặt trong bối cảnh, thời cơ và thách thức của giai đoạn hiện nay, chiến lược đưa ra mục tiêu tổng quát về phát triển giáo dục đến năm 2030 như phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc, xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, 10 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện được đề xuất, liên quan đến bảo đảm các nguồn lực, đổi mới chương trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số, tăng cường hội nhập quốc tế,…
Ông Đặng Bá Lãm góp ý bản dự thảo tại buổi tọa đàm
Tiếp theo chương trình là phần thảo luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về giáo dục và quản lý giáo dục. Những vấn đề chính của thảo luận gồm quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phát triển chiến lược giáo dục cần xem xét trong bối cảnh liên ngành và CMCN 4.0; vai trò, vị trí và ý nghĩa của chiến lược trong hệ thống văn bản pháp quy; kế hoạch thực hiện chiến lược; điều kiện thực hiện chiến lược theo phân cấp quản lý; cân nhắc các chỉ số của từng mục tiêu cụ thể về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên; vai trò của khoa học giáo dục và đổi mới sáng tạo cần được thể hiện cụ thể hơn ở giai đoạn tiếp theo; cần thể hiện tính đột phá về chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế…
Kết luận phiên tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chỉ đạo thường trực ban soạn thảo chiến lược của Viện KHGDVN và các Cục, Vụ, các đơn vị có liên quan cần nghiêm túc tiếp thu, xem xét các ý kiến đóng góp, thảo luận để hoàn thiện dự thảo chiến lược. Các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Viện KHGDVN để rà soát, bổ dung dữ liệu thống kê và thông tin phân tích ngành để làm căn cứ xây dựng các mục tiêu, chỉ số cụ thể của chiến lược.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam