Hội thảo tham vấn “Định hướng phát triển công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học”
Chiều ngày 17/08/2022, tại trụ sở 04 Trịnh Hoài Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam diễn ra Hội thảo tham vấn “Định hướng phát triển công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học” do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội thảo, có hơn 60 đại biểu tham gia trực tiếp tại hội trường gồm đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Tổng Cục T hể dục Thể thao, Tổ chức UNICEF Việt Nam, các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ GD&ĐT, và các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực Giáo dục thể chất. Ngoài ra, Hội thảo còn có 63 điểm cầu trực tuyến tại các Sở GD&ĐT trên toàn quốc.
Thứ trưởng phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh Giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên là một nội dung quan trọng của phát triển “đức, trí, thể, mĩ” theo tinh thần của Nghị quyết 29 về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”. Quyết định 1660/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu “Duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh” với 07 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Chương trình trên toàn quốc. Trên thực tế, tầm vóc của học sinh, sinh viên cần được cải thiện, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, cần quan tâm từ dinh dưỡng đến sức khoẻ học đường, cả sức khoẻ thể chất và tinh thần, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý và các chuyên gia cùng trao đổi về thực trạng và các giải pháp liên quan đến giáo dục thể chất và thể thao trong trường học.
Tiếp theo chương trình Hội thảo, Báo cáo đề dẫn về hai nội dung tham vấn do ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất trình bày. Hội thảo tập trung thảo luận hai nội dung chính là “Định hướng phát triển công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học” và “Hình thức, tiêu chí đánh giá thể lực học sinh, sinh viên hiện nay”. Hội thảo mong muốn các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, các nhà giáo dục trực tiếp tham gia trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến. Đây là những căn cứ quan trọng để xây dựng và điều chỉnh chính sách trong thời gian tới.
Phiên 1 “Định hướng phát triển công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học” tập trung thảo luận các vấn đề sau: (1) Định hướng của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của công tác Giáo dục thể chất; (2) Ảnh hưởng của tập luyện thể dục thể thao tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của học sinh và giải pháp tạo hứng thú, yêu thích luyện tập thể thao thường xuyên cho học sinh, sinh viên; (3) Thực trạng và giải pháp về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học hiện nay; (4) Thực trạng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học giáo dục thể chất; và (5) Thực trạng và giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu trong các cơ sở giáo dục hiện nay.
Đại biểu thảo luận tại hội thảo
Các đại biểu đều nhất trí với vị trí và tầm quan trọng của giáo dục thể chất và thể thao trường học, xuyên suốt từ bậc mầm non đến phổ thông và cấp cao đẳng, đại học. Các giải pháp được đề xuất liên quan đến các vấn đề: cần làm tốt công tác tuyên truyền, tác dụng và ý nghĩa của hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường như phát động dạy bơi và phòng chống đuối nước; đổi mới nội dung chương trình và kiểm tra đánh giá hoạt động giáo dục thể chất; đội ngũ nhân lực được bồi dưỡng, tập huấn những môn thể thao mới được đưa vào trường học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phát triển công tác thể thao trường học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học; tăng cường xã hội hoá trong giáo dục thể chất và thể thao trường học;…
Tiếp theo chương trình, Phiên 2 “Hình thức, tiêu chí đánh giá thể lực học sinh, sinh viên hiện nay” thảo luận các vấn đề về (1) Thực trạng và hiệu quả triển khai đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên (Quyết định 53/2008 của GD&ĐT): sự phù hợp, tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện tại các nhà trường, địa phương và tác dụng của việc đánh giá đối với sự phát triển thể chất của học sinh, sinh viên; (2) Kinh nghiệm quốc tế về cách thức đánh giá thể lực học sinh, sinh viên ở một số nước trên thế giới; và (3) Đề xuất đối với tiêu chí đánh giá thể lực học sinh, sinh viên Việt Nam hiện hành.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Các đại biểu đưa ra các ý kiến về việc cần ban hành quy định về nội dung đánh giá thể chất, thể lực “nhanh, mạnh, bền”, và tiêu chí đánh giá; chế tài đối với giáo viên và học sinh, sinh viên để công tác giáo dục thể chất trong trường học hiệu quả hơn; quy chế phối hợp toàn diện giữa các ngành về cơ sở vật chất và nhân lực để cùng nâng cao chất lượng dinh dưỡng, thể chất và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên,…
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tổng kết hội thảo
Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh thay mặt Ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự đóng góp ý kiến của các đại biểu. Giáo dục thể chất đang từng bước trở nên “chính quy hoá” với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ ngành. Xuyên suốt các cấp học, ngay từ bậc học mầm non, Giáo dục thể chất cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo phát triển toàn diện “đức, trí, thể, mĩ” cho học sinh, sinh viên.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam