Hội thảo “Giáo dục kỹ năng số trong nhà trường phổ thông Việt Nam - Công bố Báo cáo tác động Chương trình Tư duy thời đại số”

19/08/2022 15:07 GMT+7
Ngày 19/8 tại trụ sở số 04 Trịnh Hoài Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trung tâm Công nghệ Thông tin - Truyền thông Vietnet (Vietnet- ICT) và Tập đoàn Meta tổ chức Hội thảo “Giáo dục kỹ năng số trong nhà trường phổ thông Việt Nam - Công bố báo cáo tác động Chương trình Tư duy thời đại số”. Hội thảo tập trung vào hai chủ đề liên quan đến thúc đẩy giáo dục năng lực số trong nhà trường phổ thông và công bố một số kết quả nghiên cứu của hợp tác giữa các ba bên. Tham dự Chương trình có khoảng 80 đại biểu tham dự trực tiếp và 300 đại biểu tham dự trực tuyến.

 
Ông Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
  
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng trong bối cảnh công nghệ liên tục phát triển, tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống, thay đổi cách tiếp cận dạy và học, tầm quan trọng của việc giáo dục năng lực số ngày càng trở nên cấp thiết. Các em học sinh cũng cần được trang bị kĩ năng số để có thể nắm bắt được cơ hội để trở thành người đi tiên phong, kết nối các em với thế giới của những cơ hội và mang lại cho các em những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số. Các em học sinh có kỹ năng số tốt sẽ thoải mái và tự tin hơn trong học tập, giúp tăng cường an toàn trực tuyến khi các rủi ro trực tuyến luôn hiện hữu. Cùng với sự an toàn trực tuyến, kiến thức kỹ thuật số cũng dạy tầm quan trọng trao đổi và giao tiếp thông tin trực tuyến một cách có đạo đức. Học sinh phải đối mặt với những thách thức liên quan đến bản quyền đạo văn, bắt nạt trên mạng, kiểm tra các nguồn thông tin và tương tác có trách nhiệm với những người khác. Điều này thúc đẩy một thể hệ công dân số có trách nhiệm hơn.
   
 
Ông Tạ Ngọc Trí đánh giá cao vai trò của năng lực số trong bối cảnh hiện nay
  
Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức một hoạt động hữu ích bởi hơn ai hết chúng ta hiểu để hội nhập được với thời đại 4.0 thì phải hỗ trợ thế hệ trẻ có được năng lực số. Và việc nghiên cứu khung năng lực số của các quốc gia trên thế giới để có được khung năng lực số phù hợp với các nhóm đối tượng ở Việt Nam là điều chắc chắn phải làm. Ông cho rằng sẽ cần có sự phối hợp nhiều hơn nữa giữa nhà trường, gia đình và xã hội để luôn bảo đảm các em học sinh có một môi trường trực tuyến an toàn và lành mạnh.
  
 
Bà Thảo Griffiths chia sẻ thông tin dự án trên nền tảng trực tuyến
  
Tiếp theo, bà Thảo Griffiths, Giám đốc Chính sách Công thị trường Việt Nam, Văn phòng Châu Á – Thái Bình Dương, Meta và bà Geraldine Lim, Quản lý Chương trình Chính sách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Meta giới thiệu về chương trình“Think before you share” và chương trình “We think digital (Tư duy thời đại số). Những chương trình này nằm trong chuỗi hoạt động chính của Facebook với An toàn và Kỹ năng số (Safety and Digital literacy) của chiến dịch "Facebook vì Việt Nam", một trong những chương trình quan trọng được khởi xướng từ năm 2020 của Tập đoàn Meta tại Việt Nam. Từ năm 2019 đến tháng 6 năm 2022, chương trình “Tư duy thời đại số” do Meta phối hợp với Vietnet ICT đã đào tạo trực tiếp hơn 3.500 giáo viên các trường THCS, THPT thuộc địa bàn 39 tỉnh/thành phố, đội ngũ giáo viên cốt cán đã mở rộng và tiếp tục tập huấn cho hơn 20.800 giáo viên khác. Tổng cộng hơn 580.000 học sinh đã được trang bị các kiến thức về kỹ năng số và an toàn trên mạng nhờ việc trao quyền cho giáo viên tại địa phương và các đại sứ sinh viên của chương trình.
   
 
Ông Đỗ Đức Lân đề cập thực trạng kỹ năng số trong nhà trường phổ thông 
  
Phiên mở đầu hội thảo với chủ đề “Nâng cao kỹ năng số cho giáo viên trong một thế giới kết nối” là phần trình bày của ông Nguyễn Đức Lân, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu, với nội dung “Báo cáo đánh giá tác động chương trình Tư duy thời đại số”. Tài liệu hướng dẫn “Dạy học kỹ năng số và an toàn Internet dành cho giáo viên” được ông Vương Quốc Anh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giới thiệu tại Hội thảo. Các bài học trong cuốn tài liệu được thiết kế phù hợp với khung chương trình giáo dục và phương pháp tiếp cận sư phạm tại Việt Nam, từ đó giúp các giáo viên dễ dàng thiết kế những giờ học thú vị cho học sinh.
  
Trong phiên tọa đàm, ông Ruici Tio - Quản lý Chương trình chính sách - Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Meta cho biết trong hơn 3 năm vừa qua, chương trình hợp tác với Vietnet ICT đã giúp xây dựng một mô hình để tiếp cận học sinh và giáo viên trên quy mô lớn. Chúng tôi rất tự hào về việc các giáo viên được tập huấn thông qua chương trình đã tình nguyện đào tạo lại cho hơn 20.800 giáo viên khác tại địa phương. Việc ra mắt cuốn Tài liệu hướng dẫn Dạy học kỹ năng số và an toàn Internet dành cho giáo viên và Báo cáo tác động thực hiện bởi Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn để tích hợp chủ đề công dân số vào trong lớp học và các hoạt động ngoại khóa.
  
 
Các đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường
  
Hội thảo đã có sự tham gia trao đổi sôi nổi của các đại biểu đến từ các bộ ban ngành, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô giáo về việc tích hợp kỹ năng số trong giảng dạy ở nhà trường phổ thông cũng như các trao đổi liên quan đến báo cáo công bố và cuốn tài liệu hướng dẫn.
  
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam