Hội thảo khoa học thường niên năm 2024 (Các phiên chuyên đề)
Chiều ngày 06/12/2024, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học với chủ đề “Giáo dục trong thế giới số”, các phiên chuyên đề diễn ra song song với sự tham gia của các diễn giả và hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp và theo dõi livestream qua các kênh Youtube và Facebook.
Phiên chuyên đề “AI trong Giáo dục” với sự điều hành của PGS.TS. Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam gồm 03 bài trình bày.
Mở đầu, Ông Benjamin Vergel de Dios - Chuyên gia cao cấp về AI trong giáo dục, Văn phòng UNESCO Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trình bày tham luận “Khung năng lực AI của UNESCO dành cho học sinh và giáo viên: Từ ý tưởng quốc tế đến triển khai tại Việt Nam”. Khung năng lực AI cho Học sinh được phát triển song hành với Khung năng lực AI cho Giáo viên. Cần phải hiệu chỉnh để phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tế của từng quốc gia và khu vực, gắn khung năng lực quốc tế với các ưu tiên, chính sách và văn hóa địa phương với mong muốn đảm bảo khung năng lực AI định hình tương lai của giáo viên và học sinh Việt Nam.
Tiếp theo là tham luận “Thích ứng khung năng lực AI: Sự sẵn sàng của giáo viên, học sinh phổ thông Việt Nam đối với trí tuệ nhân tạo” do Ông Đỗ Đức Lân - Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Viện KHGDVN trình bày. Nhóm nghiên cứu của Viện KHGDVN đề xuất Khung năng lực AI cho học sinh gồm 04 thành tố: Đạo đức khi sử dụng AI; Nền tảng và kĩ năng sử dụng AI; Thiết kế hệ thống AI; Tư duy lấy con người làm trung tâm. Kết quả khảo sát cho thấy: Đa số các HS biết đến AI và ứng dụng trong giáo dục, nhưng ứng dụng AI trong nhà trường còn hạn chế; Thái độ, mức độ dễ sử dụng, mức độ hữu dụng, sử dụng theo người ảnh hưởng là các yếu tố chính về việc ý định sử dụng AI của HS; Có sự khác nhau mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đối với ý định sử dụng AI giữa các nhóm HS theo giới tính và khu vực.
Tham luận “AI trong giáo dục” của Ông Calvin Wong, Cố vấn Giáo dục cao cấp - Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Khảo thí & Nhà Xuất bản Đại học Cambridge đã đưa ra những nhận định về việc AI đang thay đổi cách giảng dạy như thế nào. Một số gợi ý bao gồm: Hỗ trợ học sinh, Chương trình giảng dạy được điều chỉnh, Giảng dạy tăng cường, Ra quyết định dựa trên dữ liệu, Đánh giá AI. AI cũng có thể giúp các nhà giáo dục xác định những lỗ hổng trong kiến thức của học sinh và đưa ra các biện pháp can thiệp có mục tiêu để giúp học sinh khắc phục điểm yếu của mình
Phiên chuyên đề “Phát triển năng lực số cho người học” với sự điều hành của TS. Lương Việt Thái - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Viện KHGDVN gồm 02 bài trình bày.
Tham luận “Phát triển năng lực số dựa trên khung DIGCOMP: Thực trạng và giải pháp cho sinh viên Đại học Thủy Lợi” với sự trình bày của Bà Phạm Thị Hải Yến - Đại học Thủy Lợi. Năng lực số theo khung Digcomp gồm: Thông tin & dữ liệu, Giao tiếp và hợp tác, Sản xuất nội dung số, An toàn, Giải quyết vấn đề. Nhà trường cần cung cấp khóa học/nội dung lồng ghép, tổ chức hoạt động trực tuyến, tập huấn về an toàn và bảo mật thông tin. Giảng viên cần thiết kế bài tập thông qua nền tảng số, Khuyến khích sáng tạo nội dung số. Sinh viên cần tự học trực tuyến, Tham gia các nhóm học trực tuyến, chủ động thử nghiệm công nghệ mới.
Tiếp theo là tham luận “Thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh trung học cơ sở ở Việt Nam: Góc nhìn từ giáo viên” của Bà Đặng Thị Phương - Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia, Viện KHGDVN và Bà Bùi Thị Thao, Phòng Tổ chức - Hành chính, Viện KHGDVN. Khung năng lực số cho học sinh THCS gồm: Vận hành các thiết bị kỹ thuật số, Xử lí thông tin và dữ liệu, Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, Tạo lập nội dung số, An toàn số, Giải quyết vấn đề, Định hướng nghề nghiệp liên quan. Hình thành và phát triển năng lực số cho học sinh trung học cơ sở là nhiệm vụ cần thiết trong giáo dục hiện nay. Phát triển năng lực số cho học sinh sẽ giúp các em tự tin, tham gia một cách tích cực, an toàn, giải quyết các vấn đề và tạo ra sản phẩm trên không gian số.
Phiên chuyên đề “Ứng dụng công nghệ trong Giáo dục đặc biệt” với sự điều hành của PGS.TS Mai Văn Trinh, Phó Viện trưởng Viện KHGDVN gồm 02 bài trình bày.
Báo cáo “Ứng dụng phần mềm thực tế ảo VRapeutic trong can thiệp trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý” do Ông Nguyễn Trọng Dần - Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Viện KHGDVN trình bày. Phần mềm Vrapeutic cung cấp các trải nghiệm nhập vai hiệu quả cho trẻ tăng động giảm chú ý từ 6 đến 12 tuổi, rèn luyện khó khăn trong chú ý của trẻ. Sử dụng VR như là trị liệu kết hợp, sử dụng cho trẻ trước các can thiệp truyền thống. Kết hợp với các phương pháp trị liệu truyền thống như can thiệp cá nhân, ngôn ngữ, quản lý hành vi hay hỗ trợ giáo dục hòa nhập.
Báo cáo “Ứng dụng công nghệ AI trong phát hiện, đánh giá và hỗ trợ trẻ có rối loạn phát triển” do TS. Ngô Thị Duyên - Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội trình bày. Nội dung chính gồm: Giải pháp theo dõi chuyển động mắt hỗ trợ trẻ rối loạn phổ tự kỷ, Giải pháp theo dõi chuyển động mắt hỗ trợ trẻ rối loạn đọc viết, Ứng dụng thực tế ảo hỗ trợ can thiệp trẻ tự kỷ. Các ứng dụng có thể: Mô phỏng môi trường giao tiếp ảo, Mô phỏng các bài học, cung cấp kiến thức khoa học cho trẻ, Tùy chỉnh các nội dung học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng trẻ, Tích hợp với trợ lý ảo để hỗ trợ trẻ, cá nhân hóa người dung, Đánh giá và theo dõi tiến độ học tập của trẻ.
Phiên chuyên đề “Giải pháp số trong Giáo dục đặc biệt” do TS. Nguyễn Thị Kim Hoa -Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Viện KHGDVN điều hành, gồm 02 trình bày.
Tham luận “Phát triển và sử dụng phần mềm quản lý hệ thống hỗ trợ giáo dục người khuyết tật Việt Nam” do TS. Trần Thị Thư - Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Viện KHGDVN trình bày. Mục đích: Xây dựng một cơ sở dữ liệu (dữ liệu tập trung) để quản lý thông tin hệ thống hỗ trợ giáo dục người khuyết tật Việt Nam; Xây dựng hệ thống tác nghiệp để quản lý hệ thống hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, quản lý những nhu cầu giáo dục của người khuyết tật, điều phối các hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ, giáo dục cho người khuyết tật tham gia giáo dục, hòa nhập cộng đồng; Quản lý các Sở GDĐT, các Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục, các cộng tác viên thực hiện việc giáo dục người khuyết tật; Cung cấp cho Bộ GDĐT, Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Sở GDĐT, Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục công cụ phân tích các số liệu đa chiều về giáo dục người khuyết tật
GS. Dhruv Patel - Tổng giám đốc điều hành, Nhà sáng lập tổ chức Giáo dục NISAI (Anh Quốc) trình bày tham luận “Trường học trực tuyến cho cho tất cả mọi người”. Dựa trên những thành công hiện có, Nisai đặt mục tiêu trập trung hơn vào việc giúp chương trình giáo dục chất lượng cao trở nên dễ tiếp cận hơn trên toàn cầu thông qua các đối tác địa phương. Đối tượng học sinh đa dạng: học sinh có nhu cầu học trang bị kĩ năng nghề nghiệp, học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt, học sinh khá - giỏi, học sinh tài năng, học sinh cần học cá nhân hóa.
Đan xen giữa các bài trình bày và kết thúc mỗi phiên chuyên đề đều có phần hỏi - đáp và thảo luận giữa các diễn giả và toàn thể đại biểu tham dự. Những vấn đề trọng tâm được bàn luận, khuyến nghị liên quan đến các nguyên tắc công bằng, hòa nhập và bền vững; công nghệ trong giáo dục, năng lực số và AI đang phát triển với nhiều cơ hội và thách thức; phát triển khung năng lực số toàn cầu cho các nhà giáo dục, người học, công dân, đồng thời cần điều chỉnh, thích ứng cho phù hợp với từng quốc gia.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ trong khuôn khổ hội thảo
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam