Với mục tiêu xây dựng luận cứ khoa học và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện mô hình nhà trường, đổi mới quản lý nhà trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phù hợp với quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Nhóm tác giả đề tài đã:
- Xác lập được những luận điểm khoa học về mô hình nhà trường GDNN; các thành tố cơ bản của nhà trường; những đặc trưng của nhà trường GDNN và yêu cầu đối với công tác lãnh đạo quản lý; tiếp cận quản lý chất lượng tổng thể trong quản lý chất lượng nhà trường GDNN; tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập đến GDNN và định hướng mô hình nhà trường.
- Đánh giá thực trạng quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo trong hệ thống GDNN ở Việt Nam; Chỉ ra những tồn tại về mô hình nhà trường và quản lý chất lượng nhà trường; Xác định những điểm tương đồng trong hệ thống GDNN ở một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam.
- Trên cơ sở phân tích những yêu cầu mới của xã hội, của đất nước đối với GDNN trong bối cảnh cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, chỉ ra xu hướng phát triển GDNN và đề xuất những mô hình nhà trường GDNN mới phù hợp với điều kiện ở Việt Nam (trường Trung học kỹ thuật và nghề nghiệp; trường Cao đẳng kỹ thuật và nghề nghiệp); xây dựng được 5 nội dung quản lý chất lượng nhà trường theo tiếp cận quản lý chất lượng tổng thể; đồng thời đề xuất 6 giải pháp cơ bản vận dụng quản lý chất lượng tổng thể trong quản lý chất lượng nhà trường GDNN đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế. Nhóm tác giả nghiên cứu đã đề xuất:
+ Mô hình nhà trường GDNN mới: Trường Trung học kỹ thuật và Nghề nghiệp; Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Nghề nghiệp, với những thành tố cơ bản là cơ sở khoa học cho các cơ quan quản lý nhà nước vận dụng vào việc xây dựng hệ thống GDNN ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
+ Những nội dung quản lý chất lượng nhà trường theo tiếp cận quản lý chất lượng tổng thể, và những giải pháp cơ bản vận dụng quản lý chất lượng tổng thể trong quản lý chất lượng nhà trường GDNN đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam.
Sản phẩm đề tài là một bộ phận quan trọng trong sản phẩm của Chương trình NCKH cấp Bộ về Quản lý giáo dục, sẽ được đệ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách vĩ mô, xây dựng các đề án/dự án về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Vũ Thị Hồng Khanh