Nghiệm thu NVTX TCN “Nghiên cứu đề xuất các mô hình học tập trong bối cảnh phù hợp thực tế vùng dân tộc thiểu số và tương ứng với kịch bản phòng chống thiên tai dịch bệnh khác nhau”
Chiều ngày 14/12/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Nghiên cứu đề xuất các mô hình học tập trong bối cảnh phù hợp thực tế vùng dân tộc thiểu số và tương ứng với kịch bản phòng chống thiên tai dịch bệnh khác nhau”, mã số V2021.03TX, do CN. Trần Văn Thanh, Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc làm chủ nhiệm.
Chủ nhiệm Trần Văn Thanh trình bày kết quả nghiên cứu
Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện KHGDVN làm chủ tịch, với sự tham gia của bà Lý Thanh Loan, Vụ Giáo dục Dân tộc - Bộ GD&ĐT là đơn vị đặt hàng. Nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá xếp loại: Đạt.
Thông tin nhiệm vụ
Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu các mô hình học tập trong bối cảnh phù hợp thực tế vùng dân tộc thiểu số và tương ứng với kịch bản phòng chống thiên tai, dịch bệnh khác nhau nhằm đề xuất một số mô hình học tập phù hợp góp phần hướng tới đảm bảo chất lượng, hiệu quả bền vững đối với giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số.
Nội dung nghiên cứu
Nội dung 1: Những vấn đề lí luận về mô hình học tập trong bối cảnh phù hợp với thực tế vùng dân tộc thiểu số và tương ứng với kịch bản phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Nội dung 2: Tình hình tác động của thiên tai, dịch bệnh đến việc học tập của học sinh ở vùng dân tộc thiểu số.
Nội dung 3: Đề xuất các mô hình học tập trong bối cảnh phù hợp thực tế vùng dân tộc thiểu số tương ứng với kịch bản phòng chống thiên tai, dịch bệnh khác nhau.
Kết quả nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu đưa ra những căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn để làm cơ sở đề xuất các mô hình học tập trong bối cảnh phù hợp thực tế vùng dân tộc thiểu số tương ứng với kịch bản phòng chống thiên tai, dịch bệnh khác nhau; tập trung vào 02 mô hình:
(1) Mô hình học tập trong bối cảnh phù hợp thực tế vùng dân tộc thiểu số tương ứng với kịch bản phòng chống thiên tai.
(2) Mô hình học tập trong bối cảnh phù hợp thực tế vùng dân tộc thiểu số tương ứng với kịch bản phòng chống dịch bệnh.
Ở mỗi mô hình nhóm đưa ra các phương án dạy học tương ứng với các kịch bản cụ thể để giúp nhà trường, giáo viên và học sinh lựa chọn các phương án học tập khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra và tập trung vào phương án (i) Tự học có hướng dẫn; (ii) Học trực tuyến; (iii) Học trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Ở mỗi phương án đều có hướng dẫn cụ thể về: Điều kiện áp dụng, nội dung học tập, nhiệm vụ của giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất thiết bị dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Khuyến nghị
Đối với Bộ GD&ĐT: Ban hành công văn hướng dẫn thực hiện các mô hình học tập dành cho vùng dân tộc thiểu số khi học sinh phải nghỉ học kéo dài do thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Đối với các Sở GD&ĐT
- Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh thời gian năm học cho phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra; tăng cường cơ sở vật chất đặc biệt là các thiết bị điện tử, mạng Internet cho các trường ở các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng núi cao.
- Có hướng dẫn cụ thể, cho phép các trường thử nghiệm kịch bản, phương án; lựa chọn triển khai các mô hình học tập phù hợp khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về lựa chọn, triển khai các mô hình học tập phù hợp với điều kiện của nhà trường, của địa phương khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Đối với các trường học
Cần xây dựng các phương án, mô hình học tập cụ thể khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; tổ chức rà soát, phân loại học sinh theo nhóm, theo vùng; rà soát tinh giản, tích hợp nội dung chương trình học tập để lựa chọn triển khai mô hình học tập cho phù hợp với học sinh, điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương, của gia đình học sinh và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các mô hình học tập cho học sinh chủ động nhất và đảm bảo để học sinh đạt được phẩm chất và năng lực theo quy định.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam