Tọa đàm trực tuyến Kinh nghiệm quốc tế về "Liên thông từ Giáo dục Nghề nghiệp lên Giáo dục Đại học"

28/08/2021 11:10 GMT+7
Ngày 27/08/2021, nhóm thực hiện nhiệm vụ TXTCN năm 2021, Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện KHGDVN tổ chức buổi tọa đàm chuyên môn trực tuyến Kinh nghiệm quốc tế về "Liên thông từ Giáo dục Nghề nghiệp lên Giáo dục Đại học".

Tham gia buổi tọa đàm gồm Lãnh đạo Viện KHGDVN, Lãnh đạo Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế, các chuyên gia từ Trường Đại học Nam Queensland, Úc, các giảng viên, cán bộ quản lý từ các trường đại học công lập và tư thục từ các vùng miền trong cả nước, các nghiên cứu sinh đang học tập tại các trường đại học ở nước ngoài, đại diện các tổ chức giáo dục quốc tế ở Việt Nam, các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học, cùng các cán bộ từ các bộ phận liên quan của Viện KHGDVN.
  
GS. Lê Anh Vinh, Lãnh đạo Viện phụ trách Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học phát biểu khai mạc và chủ trì buổi tọa đàm.
 
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHGDVN cho rằng Việt Nam được đánh giá là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với dân số tương đối trẻ. Để đáp ứng nhu cầu việc làm của các ngành và nghề khác nhau, chính phủ đã mở rộng số lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề (VET) cũng như các trường đại học ở Việt Nam để đáp ứng áp lực cho lao động có tay nghề cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), du lịch và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên Giáo sư Lê Anh Vinh cũng nhấn mạnh các lĩnh vực VET và giáo dục đại học rất khác nhau về mục đích và trình độ thực hành. Chính vì vậy, các chính sách cần phải đảm bảo sự phù hợp với hoạt động giữa các lĩnh vực, cũng như sự kết nối của chúng và sự sẵn sàng hợp tác để giảm gánh nặng chi phí không xác định.
  
   
Về phía khách mời chuyên gia, Giáo sư Shirley O'Neill, ĐH Nam Queensland trình bày về liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên đại học và Khung Trình độ Quốc gia Australia, Chương trình dự bị Đại học và các thỏa thuận về việc công nhận văn bằng/tín chỉ từ đào tạo nghề lên đại học áp dụng với chương trình đào tạo bậc cử nhân giáo dục mầm non và cử nhân giáo dục trung học tại ĐH Nam Queensland. Tiến sĩ Tony Richardson đưa ra các tiến trình và phương thức liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học trong các trường đào tạo Điều dưỡng bang Queensland, Australia. 
 
Ở nội dung tiếp theo, TS. Lê Đông Phương đã trình bày về “Các con đường học tập và liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học ở Việt Nam”. 
   
  
Tiếp đến, bà Nguyễn Ngọc Ánh, thay mặt nhóm NVTXTCN số 15, trình bày về kết quả nghiên cứu ban đầu của nhiệm vụ “Thực trạng liên thông từ chương trình giáo dục nghề nghiệp lên chương trình giáo dục đại học”.
  
   
Các đại biểu tham gia đã thảo luận sôi nổi về chủ đề của buổi tọa đàm. Đây là cơ hội để kết nối quốc tế, trao đổi kiến thức chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và thực hành giữa các đồng nghiêp là chuyên gia, nghiên cứu viên, giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và Việt Nam.
 
Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học