Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh

29/07/2021 22:35 GMT+7
Theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, Đánh giá với tư cách là một khâu của quá trình giáo dục – như một bánh lái ngược, đang trở thành “đối tượng” trọng tâm của quá trình đổi mới. Thầy cô giáo không chỉ đánh giá kiến thức, kỹ năng như truyền thống mà còn được bổ sung thêm hoạt động đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh. Thực hiện định hướng này, Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã tổ chức Nhóm chuyên gia để xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên, tập trung trang bị nhận thức mới về đánh giá cũng như rèn luyện các kĩ năng đánh giá quá trình học tập, đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Thông qua thay đổi “năng lực đánh giá”, quản lí nhà trường, giáo viên cũng thay đổi “nhận thức mục tiêu”, “phương pháp dạy học” thực hiện phát triển năng lực học sinh.

Qua 48 giờ tập huấn, từ ngày 12-23/7/2021, 63 giáo viên trung học và 48 giáo viên tiểu học thuộc Trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục đã có thêm những hiểu biết về đổi mới đánh giá học sinh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 với bốn chuyên đề chính: i) Xây dựng ma trận, câu hỏi đánh giá năng lực người học, ii) Sử dụng các công cụ đánh giá trong quá trình dạy học, iii) Xây dựng hồ sơ học tập, và iv) Hướng dẫn người học tự đánh giá.
   

Chuyên gia của Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục trình bày nội dung tập huấn
  
Thông qua các chuyên đề trên, các giáo viên được cung cấp kiến thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hồ sơ học tập, lựa chọn được loại Hồ sơ học tập nào phù hợp với nơi mình công tác, xây dựng được việc hướng dẫn học sinh xây dựng Hồ sơ học tập; Các hình thái đánh giá trên lớp, lập kế hoạch cho quá trình đánh giá, phương pháp công cụ đánh giá; thiết kế đề kiểm tra; quy trình biên soạn đề kiểm tra; Nhận thức về tự đánh giá là công cụ phát triển năng lực tự chủ, tự học, quan đó giáo viên rèn luyện kĩ năng phát triển khả năng tự đánh giá cho học sinh; Giáo viên cũng học cách thiết kế công cụ tự đánh giá và sử dụng phối hợp giữa tự đánh giá với các phương pháp đánh giá khác do giáo viên làm chủ.
  
Để phù hợp với hình thức tập huấn trực tuyến, các báo cáo viên của Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục đã sử dụng nhiều công cụ dạy học đa dạng, tạo sự hứng thú và tương tác cho giáo viên thực hiện mục tiêu kép: trang bị tri thức, kĩ năng đánh giá giáo dục và phương tiện kĩ thuật hiện đại trong dạy học. Bên cạnh đó các chuyên gia cũng thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quốc tế với nội dung phong phú, được nhóm nghiên cứu dày công biên tập. Nội dung tập huấn không chỉ dừng lại ở việc cung cấp lý thuyết mà đi sâu vào tính ứng dụng, có thể áp dụng được vào thực tiễn giảng dạy thông qua giải quyết các bài tập tình huống, thực hành biên soạn, ứng dụng các công cụ đánh giá trong môn học; hướng dẫn học sinh tự đánh giá, xây dựng hồ sơ học tập. Mỗi chuyên đề đều đảm bảo trên 60% thời lượng cho giáo viên được thực hành.
  
Trong suốt thời gian tập huấn luôn có ít nhất 02 báo cáo viên tham gia, hỗ trợ giáo viên trong quá trình thực hành. Mọi thông tin phản hồi từ giáo viên tham gia tập huấn luôn được nắm bắt và giải đáp kịp thời.
   
Các thầy cô Trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục tham gia khóa tập huấn
  
Kết thúc 12 buổi tập huấn, 100% các thầy cô giáo đều đánh giá nội dung tập huấn đảm bảo mục tiêu, trên 90% GV hài lòng với những gì được tập huấn, cho rằng nội dung phục vụ thiết thực cho công việc giảng dạy tại trường. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn và nhận thức được sự mới mẻ của các nội dung tập huấn nhưng các thầy cô giáo cũng đã cam kết sẽ thực hành những gì được tập huấn trong quá trình giảng dạy của mình, hứa hẹn những đổi mới trong hoạt động giáo dục của nhà trường.
 
Ảnh và tin bài: Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục