Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Viện “Nghiên cứu thực trạng một số yếu tố tác động đến việc dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông trong bối cảnh hiện nay”

28/04/2022 14:39 GMT+7
Ngày 28/03/2022, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Viện “Nghiên cứu thực trạng một số yếu tố tác động đến việc dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông trong bối cảnh hiện nay”, mã số V2021-17, do TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy làm chủ nhiệm.

Tham dự buổi nghiệm thu có sự chủ trì của Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh – Chủ tịch hội đồng, các thành viên hội đồng, các thành viên của nhóm đề tài cùng các đại diện các phòng chức năng.
  

TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy báo cáo kết quả nghiệm thu đề tài
  
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn một số yếu tố tác động đến việc dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông, đề tài đề xuất một số khuyến nghị giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của dạy học trực tuyến ở trường trung học phổ thông.
  
Về cơ sở lý luận, đề tài tập trung nghiên cứu năm yếu tố có tác động đến dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông, bao gồm: i) Yếu tố giáo viên, ii) Yếu tố HS, iii) Yếu tố điều kiện truy cập, iv) Yếu tố sư phạm và v) Yếu tố văn hóa. 
  
Nhóm nghiên cứu phối hợp sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau nhằm thu thập các dữ liệu thông tin, đánh giá về thực trạng một số yếu tố tác động đến dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông ở ngoại thành và nội thành Hà Nội trong bối cảnh hiện nay. Kết quả khảo sát cho thấy bên cạnh một số yếu tố tác động tốt đến việc dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông, vẫn còn một số yếu tố tác động chưa tốt đến việc dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông như: “Trình độ ngoại ngữ của giáo viên”, “Sức khỏe của giáo viên khi dạy học trực tuyến”, “Động lực làm việc của giáo viên khi dạy học trực tuyến”, “Không gian học tập trực tuyến của học sinh”, “Sự tự giác học tập của HS khi tham gia học tập trực tuyến”, “Sự tập trung của HS khi tham gia học tập trực tuyến”, “Sự tương tác của HS với giáo viên trong quá trình học tập trực tuyến, “Sự phản hồi của học sinh với giáo viên sau buổi học”, “Đường truyền internet phục vụ dạy học trực tuyến”, “Nhà trường cung cấp máy tính cho GV dạy học trực tuyến”, “Nhà trường cung cấp các phần mềm cần thiết cho giáo viên dạy học trực tuyến”, “Phụ huynh trang bị thiết bị điện tử cho HS học tập trực tuyến” và “Sự đáp ứng của học sinh khi chuyển sang phương pháp học tập trực tuyến”.
  
Trên cơ sở xây dựng cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng một số yếu tố tác động, phân tích thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức trong dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông hiện nay, đề tài đề xuất 06 khuyến nghị giải pháp: i/ “Tăng cường nhận thức của toàn xã hội về vao trò của dạy học trực tuyến”, ii/ “Nâng cao chất lượng đường truyền internet phục vụ dạy học trực tuyến”, iii/ “Xây dựng cơ chế chính sách động viên khuyến khích tạo động lực cho giáo viên trong dạy học trực tuyến” “, iv/ Tổ chức tập huấn GV nâng cao kiến thức, kỹ năng liên quan đến dạy học trực tuyến”, v/ “giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ” và vi/“Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc giám sát HS học tập trực tuyến” đến các cơ quan, tổ chức và các cá nhân liên quan nhằm nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến trong trường trung học phổ thông trong thời gian tới. 
  
Dựa vào kết quả nghiên cứu thực trạng, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số khuyến nghị từ chính sách đến các hoạt động thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả của dạy học trực tuyến trong các trường trung học phổ thông trong thời gian tới.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác