Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Viện “Xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện hoạt động hỗ trợ trẻ khiếm thị đa tật tại nhà”
Ngày 04/05/2022, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Viện “Xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện hoạt động hỗ trợ trẻ khiếm thị đa tật tại nhà”, mã số V2021-16 do ThS. Trịnh Thị Thu Thanh làm chủ nhiệm.
Tham dự buổi nghiệm thu có sự chủ trì của Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh – Chủ tịch hội đồng nghiệm thu, các thành viên của hội đồng, cùng đại diện các phòng chức năng.
ThS. Trịnh Thị Thu Thanh trình bày kết quả nghiên cứu đề tài
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện hoạt động hỗ trợ trẻ khiếm thị đa tật tại nhà dựa trên nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của hoạt động hỗ trợ trẻ khiếm thị đa tật tại nhà.
Về cơ sở lý luận, nhóm nghiên cứu đã tổng quan nghiên cứu vấn đề về hoạt động hỗ trợ trẻ khiếm thị đa tật tại nhà ở Việt Nam và trên thế giới. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra được khái niệm về trẻ khiếm thị đa tật, các đặc điểm của các em cùng các yếu tố ảnh hưởng thực hiện hoạt động hỗ trợ trẻ khiếm thị đa tật tại nhà.
Về cơ sở thực tiễn, đề tài đã tiến hành khảo sát thực trạng hỗ trợ trẻ khiếm thị đa tật tại nhà, với 26 gia đình có trẻ khiếm thị đa tật từ ba đến chín tuổi và 34 giáo viên dạy trẻ khiếm thị đa tật bằng phương pháp bảng hỏi, phỏng vấn sâu và quan sát. Các dạng khiếm thị chủ yếu là khó khăn về học tập, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật vận động, tự kỷ. Trẻ gặp nhiều khó khăn về các kỹ năng ngôn ngữ giao tiếp, tự phục vụ, đi học và học tập.
Dựa trên cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã đề xuất cẩm nang hướng dẫn thực hiện hoạt động hỗ trợ trẻ khiếm thị đa tật tại nhà dựa trên quan điểm mọi trẻ em đều có thể học được, cha mẹ là người hỗ trợ trẻ tốt nhất và gia đình là môi trường tự nhiêm và thân thiện nhất đề hình thành kỹ năng. Nội dung cẩm nang hướng dẫn thực hiện theo ba nhóm hoạt động. Một là nhóm hoạt động hỗ trợ giao tiếp, nhằm giúp trẻ tăng khả năng bát chước, luân phiên, nghe hiểu yêu cầu, vốn từ và biết cách diễn đạt nhu cầu, cảm xúc của mình và vui chơi được cùng với mọi người. Hai là nhóm hoạt động hỗ trợ định hướng di chuyển, nhằm giúp trẻ phát triển khả năng nhận biết bản thân, nhận biết môi trường xung quan và đi lại một cách an toàn, độc lập. Ba là nhóm hoạt động hỗ trợ tự phục vụ, nhằm giúp trẻ phát triển các kỹ năng ăn uống, mặc quần áo, đi vệ sinh độc lập.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam