Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ "Phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học"
Ngày 25/05/2022, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ "Phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học", mã số B2020-VKG-01, do ThS. Nguyễn Thị Hằng làm chủ nhiệm.
Thành viên hội đồng góp ý đề tài
Tham dự buổi nghiệm thu có Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch hội đồng, các thành viên hội đồng nghiệm thu, các thành viên đề tài, cùng đại diện của các phòng chức năng trực thuộc Viện.
Trẻ đa tật là những trẻ em có từ hơn hai khuyết tật trở lên, trong đó có khiếm khuyết một/ hơn một bộ phận cơ thể, chức năng trí tuệ, giác quan, ngôn ngữ… trẻ đa tật gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia giáo dục để chuẩn bị học tiểu học theo chương trình phổ thông trong một số lĩnh vực cụ thể. Dù được lựa chọn theo hình thức giáo dục nào, trẻ đa tật vẫn cần những hỗ trợ phù hợp để có thể đáp ứng chương trình học tập bậc tiểu học nhằm phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, hòa nhập cộng đồng. Một trong những hỗ trợ đó là một chương trình bổ trợ phát huy đúng điểm mạnh, khắc phục điểm hạn chế, thúc đẩy mạnh mẽ cơ hội học tiểu học đúng độ tuổi của trẻ đa tật. Do đó, nghiên cứu được triển khai với mục tiêu đề xuất biện pháp nhằm phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học.
Kết quả nghiên cứu đã i) Xây dựng khung lí thuyết về trẻ đa tật và phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học; ii) Đánh giá cơ sở thực tiễn về phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học; iii) Đề xuất các biện pháp phát triển chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học; iv) Đề xuất khung chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất năm biện pháp phát triển chương trình giáo dục cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học. Đó là: Phân tích nhu cầu phát triển CTGD bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học; Xác định mục tiêu chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học; Thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục bổ trợ cho trẻ đa tật chuẩn bị học tiểu học; Tổ chức góp ý kiến, hoàn thiện chương trình; Tổ chức thực nghiệm chương trình và đánh giá cải tiến chương trình.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam