Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Viện “Nghiên cứu ứng dụng mindfulness (chánh niệm) cho giáo viên”

12/06/2022 19:44 GMT+7
Ngày 10/06/2022, tại A13, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng mindfulness (chánh niệm) cho giáo viên”, mã số V2021 – 08 do ThS. Trần Thị Bích Ngân làm chủ nhiệm.

 
Hội đồng nghiệm thu đề tài
  
Buổi nghiệm thu có sự chủ trì của PGS. TS. Trần Kiều, chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, các thành phần Hội đồng theo Quyết định và đại diện các phòng chức năng.
  
ThS. Trần Thị Bích Ngân cho biết trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 gây ra áp lực rất lớn cho giáo viên và đưa đến yêu cầu bức thiết về việc phát triển một giải pháp để giúp giáo viên ứng phó với những đổi thay nhanh chóng và đầy bất ngờ trong tình hình mới. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định mindfulness mang đến nhiều lợi ích cho giáo viên, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển cả về chuyên môn và các kĩ năng sống cho giáo viên, đồng thời là phương pháp có thể giảm thiểu áp lực nghề nghiệp và đáp ứng được mục tiêu giáo dục trong các điều kiện và hoàn cảnh khách nhau. Chính vì vậy, mục tiêu của đề tài nhằm tìm hiểu khái niệm của mindfulness, khảo sát thực trạng ứng dụng mindfulness ở Việt Nam và kinh nghiệm của thế giới, từ đó đề xuất một số hoạt động dựa trên mindfulness phù hợp ở Việt Nam.
  
Trên cơ sở lý luận tìm hiểu khái niệm về chánh niệm cũng như chỉ rõ đặc điểm, các thành tố, các hoạt động của chánh niệm cho thấy chánh niệm là nhận thức được về cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ trong khoảnh khắc ngay đây và bây giờ với một thái độ tử tế, yêu thương, không phán xét, như nó đang là. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng hoạt động dựa trên chánh niệm là hoạt động 6N với hoạt động cốt lõi là thở chánh niệm. Kết quả thử nghiệm bước đầu đã cho thấy giáo viên cảm thấy nhẹ nhàng, thư giãn hơn sau quá trình thực hiện hoạt động, tuy nhiên cần bổ sung thêm thông tin và làm rõ khái niệm chánh niệm, các lợi ích của chánh niệm.
  
Từ kết quả nghiên cứu trên, để có thể ứng dụng chánh niệm cho giáo viên vì những lợi ích mà chánh niệm mang lại, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những khuyến nghị với Bộ Giáo dục & Đào tạo và đối với giáo viên.
  
Các thành viên hội đồng nghiệm thu đánh giá đây là một đề tài hay và là một trong những đề tài gần như rất mới ở Việt Nam. Nội dung, kết quả nghiên cứu của đề tài phù hợp với mục tiêu đặt ra. Việc xây dựng được quy trình thiết kế hoạt động dựa trên mindfulness (chánh niệm) cho giáo viên một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, linh hoạt về thời gian là những ưu điểm của hoạt động này. Tuy nhiên đây là một đề tài khá mới, còn nhiều quan niệm khác nhau nên nhóm cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác