Kiểm tra tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non
Sáng ngày 09/09/2022, tại phòng họp A13, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội đồng kiểm tra tiến độ thực hiện Nhiệm vụ theo chức năng của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non với sự chủ trì của Viện trưởng Lê Anh Vinh.
Hội đồng kiểm tra tiến độ các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng
Nhiệm vụ thứ nhất “Hướng dẫn nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nhóm trẻ độc lập dưới 7 trẻ” do ThS. Nguyễn Thị Cẩm Bích làm chủ nhiệm. Mục tiêu của nhiệm vụ là Xây dựng tài liệu hướng dẫn nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nhóm trẻ độc lập dưới 7 trẻ nhằm góp phần nâng cao chất lượng trong chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non. Nhóm trẻ độc lập dưới 7 trẻ là một loại hình cơ sở giáo dục mầm non được quy định bởi pháp luật Việt Nam (Luật Giáo dục, Nghị định 135/NĐ-CP, Điều lệ Trường mầm non, Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT,…). Đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ (được nhận tối đa 07 trẻ) nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của phụ huynh và phải đăng ký hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp xã. Nhóm trẻ độc lập thực hiện nội dung nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non. Tuy nhiên, tài liệu dành riêng cho nhóm trẻ độc lập dưới 7 trẻ còn thiếu vắng. Theo khuyến nghị của hội đồng, nhóm nghiên cứu cần tìm hiểu cách quản lý nhóm trẻ độc lập dưới 7 tuổi như thế nào trên phương diện quản lý nhà nước, kinh nghiệm quốc tế có liên quan đến hoạt động của nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ độc lập như có bán trú, không bán trú, học theo buổi, học cả ngày, tài liệu hướng dẫn giáo viên, người chăm sóc, phụ huynh,…
Nhiệm vụ thứ hai “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tổ chức các dịch vụ hỗ trợ gia đình và cộng đồng trong chăm sóc - giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi và bài học cho Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Nga làm chủ nhiệm. Mục tiêu của nhiệm vụ là làm sáng tỏ kinh nghiệm quốc tế về tổ chức các dịch vụ hỗ trợ gia đình và cộng đồng trong chăm sóc - giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi, từ đó đưa ra bài học và khuyến nghị cho Việt Nam. Nhiệm vụ đã tổng quan kinh nghiệm tổ chức các dịch vụ hỗ trợ gia đình và cộng đồng trong chăm sóc- giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi của Thụy Điển, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Newzeland và Singapore. Hội đồng lưu ý nhóm nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm theo góp ý chi tiết của các thành viên hội đồng, và đảm bảo đăng bài báo khoa học công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam