Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn để đề xuất chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên Sư phạm”
Ngày 19/9/2022, tại phòng họp A13, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài cấp Bộ, mã số B2019-VKG-03NV, “Nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn để đề xuất chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên Sư phạm” do TS. Mạc Thị Việt Hà làm chủ nhiệm.
Chủ tịch hội đồng chủ trì buổi nghiệm thu
Tham dự buổi nghiệm thu có sự chủ trì của chủ tịch hội đồng GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, các thành viên hội đồng theo Quyết định, các thành viên đề tài và đại diện các phòng chức năng.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm nhiệm vụ Mạc Thị Việt Hà cho biết, mục đích của nghiên cứu là nhằm nghiên cứu cơ sở lí luận về đề xuất chính sách/ khung chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên Sư phạm; Đánh giá được thực trạng về việc thực hiện chính sách và đề xuất được chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên Sư phạm nhằm i) thu hút được học sinh, sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và giúp giáo viên yên tâm với nghề; và ii) đảm bảo đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng giáo viên tại các địa phương.
Bằng việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu như phương pháp thu thập thông tin, phương pháp phân tích, xử lý thông tin, phương pháp phân tích, đánh giá, phương pháp khảo sát, nhóm nghiên cứu thấy rằng khoa học chính sách hiện tại cũng chưa có được một quy trình hoạch định chính sách thống nhất, chuẩn mực. Mặc dù vậy, quá trình chính sách thường bao gồm các giai đoạn chính, theo trình tự thời gian là: Xác định vấn đề chính sách; Dự thảo và thông qua chính sách; Thực thi chính sách; Đánh giá chính sách; Kết thúc hoặc điều chỉnh chính sách.
Chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên Sư phạm có cơ sở thực hiện dựa trên những cơ sở chung của các chính sách hỗ trợ tài chính nói chung, đồng thời cũng được xây dựng và thực hiện dựa trên những cơ sở và mục tiêu riêng, để đảm bảo sự tập trung và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành sư phạm.
Lý luận về đề xuất chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên Sư phạm sẽ gồm 4 bước dựa trên lý thuyết về Sự thay đổi: 1) Xác định tầm nhìn chính sách; 2) Phân tích bối cảnh và nguồn lực/ sức mạnh; 3) Lộ trình thay đổi; 4) Lựa chọn phương án chính sách hoặc vận động.
Từ nghiên cứu lí luận và cơ sở thực tiễn của chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên Sư phạm, nhóm nghiên cứu đã đề xuất khung chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên Sư phạm. Khung chính sách mới bao gồm các vấn đề: Căn cứ đề xuất; Tên chính sách; Mục tiêu chính sách; Nội dung chính sách dự kiến. Các tác động dự kiến về mặt kinh tế, xã hội, hành chính – pháp luật của chính sách được đề xuất cũng đã được nghiên cứu.
Các thành viên hội đồng nghiệm thu đánh giá hiệm vụ về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, văn phong dễ hiểu, tường minh. Nhóm tác giả đã kì công nghiên cứu, tổng quan được nhiều kinh nghiệm quốc tế và chỉ ra rằng tất cả các quốc gia trên thế giới đều coi trọng việc đào tạo và hỗ trợ sinh viên sư phạm, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa báo cáo tổng kết nhiệm vụ theo các góp ý chi tiết của hội đồng.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam