Kiểm tra tình hình thực hiện các đề tài KH&CN cấp Viện năm 2022 (Hội đồng số 01)
Sáng ngày 01/12/2022, tại phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội đồng kiểm tra tình hình thực hiện các đề tài KH&CN cấp Viện năm 2022 (Hội đồng số 01).
Hội đồng kiểm tra tiến độ đề tài
Đề tài thứ nhất “Nghiên cứu xu hướng thế giới về giáo dục cho trẻ mầm non làm quen với công nghệ”, mã số V2022-03, do ThS. Nguyễn Thị Thương Thương, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài: Hồi cứu kinh nghiệm của một số quốc gia để phát hiện ra các xu hướng giáo dục cho trẻ mầm non làm quen với công nghệ, từ đó đề xuất bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về giáo dục cho trẻ mầm non làm quen với công nghệ trong xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non sau năm 2020. Hội đồng góp ý nhóm nghiên cứu cần làm rõ các khái niệm công cụ: quan niệm về xu hướng và cách nghiên cứu xu hướng, quan niệm về công nghệ và làm quen với công nghệ; lưu ý thống nhất cấu trúc trình bày kinh nghiệm quốc tế của từng nước, từ đó đưa ra những vấn đề có thể áp dụng cho Việt Nam.
Đề tài thứ hai “Xây dựng hệ thống bài tập phát triển từ vựng cho trẻ khiếm thính có sử dụng thiết bị trợ thính từ 0 - 3 tuổi”, mã số V2022-04, do ThS. Phạm Thị Trang, Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài: Xây dựng hệ thống bài tập hướng dẫn phát triển từ vựng cho trẻ khiếm thính từ 0 - 3 tuổi sử dụng thiết bị trợ thính dựa trên nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn phát triển từ vựng cho trẻ khiếm thính tại gia đình và các cơ sở can thiệp sớm ở Việt Nam. Hội đồng góp ý nhóm nghiên cứu cần làm rõ thêm vai trò của máy trợ thính trong việc phát triển từ vựng cho trẻ khiếm thính; đặc điểm của đối tượng trẻ khiếm thính sẽ tiếp cận từ vựng và phát triển vốn từ vựng như thế nào; quan niệm về hệ thống bài tập và xây dựng hệ thống bài tập theo nguyên tắc, quy trình như thế nào; mức độ từ vựng của trẻ em và trẻ em khiếm thính cùng độ tuổi; con đường phát triển từ vựng cho trẻ khiếm thính.
Đề tài thứ ba “Nghiên cứu năng lực dạy học của giáo viên trong dạy học môn học tự chọn tiếng Mông cấp tiểu học tỉnh Yên Bái, đáp ứng việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, mã số V2022-05, do ThS. Cao Việt Hà, Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài: Nghiên cứu thực trạng năng lực dạy học của giáo viên đáp ứng việc triển khai chương trình môn học tự chọn tiếng Mông ở cấp tiểu học tỉnh Yên Bái; đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực dạy học của giáo viên trong việc thực hiện chương trình môn học tự chọn tiếng Mông ở cấp tiểu học tỉnh Yên Bái. Hội đồng góp ý nhóm nghiên cứu cần làm rõ lực hiểu biết tiếng Mông, năng lực dạy học liên quan đến xây dựng kế hoạch bài học, lựa chọn phương pháp, đánh giá kết quả dạy học; các tiêu chí của năng lực dạy học tiếng Mông; các yếu tố ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học tiếng Mông; Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những yêu cầu gì đối với năng lực dạy học của giáo viên dạy tiếng dân tộc; cập nhật các điều kiện thiết yếu để hỗ trợ giáo viên dạy tiếng dân tộc.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam