Seminar khoa học “Quy định của Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam và một số thông tin liên quan đến các tạp chí khoa học quốc tế”
Sáng ngày 11/11/2024, tại Hội trường tầng 4, trụ sở 52 Liễu Giai - Hà Nội, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia phối hợp với Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Seminar khoa học với chủ đề “Quy định của Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam và một số thông tin liên quan đến các tạp chí khoa học quốc tế”.
Tham dự buổi Seminar khoa học, có sự hiện diện của GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia (Trung tâm) cùng toàn thể Ban lãnh đạo và cán bộ, viên chức của Trung tâm; có sự hiện diện của TS. Đinh Đức Tài - Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) cùng các biên tập viên cốt cán của Tạp chí; và một số cán bộ nghiên cứu của các đơn vị bạn quan tâm đến chủ đề này.
Nhằm giữ vững và phát huy uy tín học thuật, từng bước tiếp cận với các tiêu chí chuẩn của các tạp chí khoa học có uy tín trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả, Tạp chí KHGDVN đã bổ sung, hoàn thiện các quy định và chính sách liên quan. Chính sách và các quy định mới của Tạp chí KHGDVN được tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, đặc biệt là quy định của các tạp chí khoa học uy tín thuộc chỉ mục trích dẫn WoS, Scopus,… và có thứ hạng cao (Q1, Q2 theo SJR); quy định của các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới: Springer, Elsevier, Pearson,… và quy định của một số tổ chức học thuật có uy tín trên thế giới: COPE, ICMJE, CRediT, EU AI, Creative Commons,…
Nội dung chính của buổi Seminar tập trung trao đổi, chia sẻ và thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách và các quy định mới của Tạp chí KHGDVN; quan điểm đánh giá về uy tín học thuật của các tạp chí khoa học quốc tế; nhận diện sơ bộ về các tạp chí khoa học có nghi ngờ về chất lượng, tạp chí “săn mồi”;…
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN, Giám đốc Trung tâm - ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp giữa hai đơn vị, các chủ đề trọng tâm của Seminar có ý nghĩa thiết thực đối với cán bộ làm công tác nghiên cứu. Các thông tin về chất lượng các tạp chí khoa học quốc tế, chỉ dấu nhận diện một số tạp chí khoa học có vấn đề về chất lượng hay các tạp chí “săn mồi”,… sẽ giúp ích cho cán bộ nghiên cứu của Trung tâm lựa chọn chính xác các tạp chí khoa học quốc tế có chất lượng và uy tín học thuật để gửi công bố.
Với vai trò là diễn giả, TS Đinh Đức Tài - Tổng Biên tập Tạp chí KHGDVN trực tiếp trao đổi về quy trình quản trị và xuất bản, các yêu cầu đối với bản thảo bài báo, các chính sách và quy định liên quan quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của các tác giả, các yêu cầu của Tạp chí đối với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo;…
Một số điểm mới đáng chú ý trong chính sách và quy định của Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam:
(1) Tạp chí chấp nhận 06 loại hình bài viết, Tạp chí có quy định riêng về cấu trúc và cách trình bày nội dung chính của bản thảo bài báo tương ứng với mỗi loại hình: Nghiên cứu gốc (Original research); Tổng quan tài liệu (Review paper); Bài báo thực nghiệm (Experimental article); Bài báo về phương pháp luận (Methodology paper); Bài đánh giá (Review article); Nghiên cứu trường hợp (Case studies).
(2) Đối với các bản thảo có sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình hình thành và phát triển, Tạp chí yêu cầu các tác giả phải mô tả cụ thể cách thức ứng dụng AI tại mục phương pháp nghiên cứu hoặc vị trí phù hợp trong bài báo. Đồng thời, Tạp chí cũng khuyến nghị tác giả tham chiếu các quy định riêng liên quan việc ứng dụng AI của ngành, lĩnh vực nghiên cứu (nếu có) và các quy định nêu trong Đạo luật Al của EU. Tại bước sơ loại bản thảo, ngoài việc tham khảo kết quả kiểm tra độ trùng lặp, Tạp chí sẽ tham khảo thêm kết quả kiểm tra việc sử dụng AI của các bản thảo trước khi đưa ra các kết luận.
(3) Tạp chí quy định cách trích dẫn, trình bày và sắp xếp tài liệu tham khảo theo quy chuẩn của APA Style (7th edition).
Cũng trong khuôn khổ nội dung Seminar, TS. Đinh Đức Tài đã trao đổi và chia sẻ một số nội dung liên quan đến các quan điểm đánh giá uy tín học thuật của các tạp chí khoa học quốc tế, một số dấu hiệu giúp nhận diện sơ bộ về một số tạp chí khoa học nước ngoài có nghi ngờ về chất lượng,…
Buổi Seminar khoa học kết thúc tốt đẹp, các nội dung báo cáo nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự.
Các đại biểu tham dự seminar
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam