Họp tham vấn kết quả đánh giá tình hình giáo dục bảo tồn đại dương tại Việt Nam
Sáng ngày 23/10/2024, tại Tòa nhà Liên Hợp Quốc - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với UNESCO tổ chức “Họp tham vấn kết quả đánh giá tình hình giáo dục bảo tồn đại dương tại Việt Nam” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả khảo sát tình hình về giáo dục bảo tồn đại dương, bao gồm chương trình giảng dạy và các tài liệu đang được áp dụng; tham vấn ý kiến của các bên liên quan về các đề xuất phương pháp và ý tưởng xây dựng bộ tài liệu giáo dục bảo tồn địa phương; và thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giữa các bên liên quan trong lĩnh vực bảo tồn đại dương và bảo vệ môi trường nói chung.
Hội thảo ước tính có sự tham gia của hơn 50 đại biểu theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Về phía Tổ chức UNESCO Việt Nam, có sự hiện diện của Bà Miki Nozawa - Trưởng Chương trình Giáo dục; về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có sự hiện diện của Ông Trần Nam Tú - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các chuyên viên; về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, có sự hiện diện của Ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường cùng các chuyên viên; về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có sự hiện diện của Ông Lê Anh Vinh - Viện trưởng cùng nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện từ địa bàn khảo sát là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), các chuyên gia về bảo tồn biển và giáo dục môi trường, giảng viên, giáo viên và những người quan tâm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các vị khách quý tham dự Hội thảo. Việc trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức và kỹ năng về bảo tồn đại dương sẽ giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và góp phần vào các nỗ lực bảo tồn bền vững trong tương lai. Hội thảo sẽ cùng thảo luận về cách thức triển khai giáo dục bảo tồn đại dương hiệu quả trong cộng đồng và hệ thống giáo dục. Những ý kiến đóng góp quý báu từ các đại biểu sẽ giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện các phương án và triển khai chúng một cách hiệu quả trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu chào mừng, Bà Miki Nozawa - Trưởng Chương trình Giáo dục, Tổ chức UNESCO Việt Nam đã nhấn mạnh giáo dục bảo tồn đại dương là một lĩnh vực quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động bảo vệ môi trường biển. Điều này bao gồm việc giảng dạy về sự đa dạng sinh học của đại dương, tác động của ô nhiễm và biến đổi khí hậu, cũng như tầm quan trọng của các hệ sinh thái biển đối với cuộc sống con người.
Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã trình bày 02 báo cáo. Báo cáo thứ nhất “Cơ hội tích hợp giáo dục bảo tồn đại dương trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở Việt Nam” tổng hợp kết quả đánh giá mục tiêu, nội dung và phương pháp sư phạm của giáo dục bảo tồn đại dương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Việt Nam theo các mục tiêu học tập của SDG 14 được đề xuất bởi UNESCO, 2017. Nhóm nghiên cứu đã xem xét cơ hội tích hợp giáo dục bảo tồn đại dương trong chương trình môn học (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018); xem xét cơ hội tích hợp giáo dục bảo tồn đại dương trong chương trình giáo dục địa phương (Quảng Nam và thành phố Hồ Chí Minh); và xem xét cơ hội tích hợp giáo dục bảo tồn đại dương trong chương trình hoạt động trải nghiệm.
Báo cáo thứ hai “Thực trạng giáo dục bảo tồn khu dự trữ sinh quyển tại Cù Lao Chàm và Cần Giờ” bao gồm các nội dung: Nhận thức về vị trí, vai trò của khu dự trữ sinh quyển; Thực trạng giáo dục bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thông qua tích hợp trong chương trình môn học; Thực trạng giáo dục bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thông qua tích hợp trong nội dung giáo dục địa phương; Thực trạng giáo dục bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thông qua tích hợp trong hoạt động trải nghiệm; Cơ hội, thách thức và khuyến nghị.
Phần thảo luận diễn ra rất sôi nổi, các đại biểu đã có nhiều góp ý cho các báo cáo của nhóm nghiên cứu. Các ý kiến đều đánh giá cao sáng kiến của UNESCO và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã thực hiện một hoạt động rất có ý nghĩa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Một số nội dung thảo luận trọng tâm liên quan đến hình thức và phương pháp tích hợp giáo dục bảo tồn đại dương phù hợp, hiệu quả với từng cấp học, môn học và hoạt động giáo dục; chính sách tạo động lực và khuyến khích giáo viên tự nhận thức và tự bồi dưỡng; lan tỏa tinh thần và trách nhiệm bảo vệ môi trường tới cha mẹ học sinh và cộng đồng;…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Ông Lê Anh Vinh nhận mạnh “với sự chung tay của tất cả các bộ ban ngành, các lực lượng xã hội, chúng ta sẽ góp phần bảo vệ và giữ gìn đại dương xanh của chúng ta cho thế hệ mai sau”.
Các đại biểu tham dự tại hội trường
Tin bài và ảnh: Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
Hiện nay, Việt Nam có một hệ thống gồm 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học. Các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, gồm: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000); Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2011); Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004); Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (2004); Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006); Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An (2007); Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau (2009); Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (2009); Khu dự trữ sinh quyển Langbian (2015); Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (2021); Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021).
Ngày 3/11 hằng năm được UNESCO chọn là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu.
Các tin bài liên quan đến Hội thảo: