Mục lục tạp chí Khoa học giáo dục số 62

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục số 62, tháng 11/2010

NGHIÊN CỨU
1. Đặng Quốc Bảo
Nhận diện một số thách thức về phát triển trong bối cảnh hiện nay và những nhiệm vụ đặt ra cho giáo dục phổ thông
Để có được tầm nhìn về phát triển giáo dục Việt Nam cho đến năm 2020, tác giả bài viết đã nhận diện 5 thách thức cơ bản trong bối cảnh hiện nay, đó là: thách thức về bất bình đẳng xã hội, thách thức về tốc độ đô thị gia tăng, về an sinh xã hội , về phát triển nền dân chủ xã hội và thách thức khi Việt Nam lại ở vùng có sức ép cạnh tranh rất lớn; từ những thách thức đó đặt ra nhiệm vụ cho giáo dục phổ thông của Việt Nam trong giai đoạn tới.
 
2. Đỗ Ngọc Thống
Một số vấn đề về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Bài viết đề cập đến việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Trong bài, tác giả trình bày các vấn đề về: 1/ Nhu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; 2/ Đề xuất một số nét lớn về định hướng cho việc phát triển chương trình, sách giáo khoa mới, đó là: Thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; Xây dựng tổng thể chương trình giáo dục phổ thông quốc gia; Tổ chức nội dung và cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông quốc gia; Tiếp tục đổi mới phương pháp, phương tiện dạy học; Đổi mới nội dung, hình thức đánh giá kết quả giáo dục,…..
 
3. Phạm Quang Sáng, Trần Thái Hà,
Nguyễn Văn Chiến
Đề xuất mô hình dự báo nhân lực đào tạo ở nước ta
Các tác giả bài viết đề xuất mô hình dự báo nhu cầu nhân lực được đào tạo ở nước ta. Nội dung bài viết được cấu trúc thành 3 phần: 1) Mô hình dự báo cầu nhân lực được đào tạo; 2) Một số điều kiện cơ bản để thực hiện mô hình dự báo cầu nhân lực được đào tạo; 3) Đề xuất tổ chức phối hợp thực hiện dự báo cầu nhân lực được đào tạo.
4. Lộc Phương Thuý
Vấn đề nguồn nhân lực và nhân tài những năm đầu thế kỉ tại một số nước
Trong tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế, việc đào tạo, quản lí, sử dụng nguồn nhân lực và nhân tài là một thách thức đối với toàn nhân loại. Bài viết giới thiệu kinh nghiệm đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài của một số nước trên thế giới như : Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc...
 
5. Lê Vân Anh,
Trần Thị Ngọc Trâm
Sự cần thiết có chiến lược quốc gia về phát triển trẻ thơ
Theo tác giả bài viết, lứa tuổi mầm non có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển cuộc đời của mỗi con người. Phát triển trẻ thơ đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mĩ của trẻ em. Do vậy, cần có chiến lược quốc gia về phát triển trẻ thơ đồng thời phát triển trẻ thơ là vấn đề có tầm chiến lược lâu dài, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển giáo dục phổ thông và các thế hệ tương lai của đất nước.
 
6. Đặng Thành Hưng
Nhận diện và đánh giá kĩ năng
Nhận diện và đánh giá kĩ năng là vấn đề mà tác giả đã đề cập đến trong bài báo này. Để nhận diện kĩ năng, tác giả đưa ra 3 tiêu chí cơ bản là: bản chất của kĩ năng, cấu trúc của kĩ năng, những điều kiện tâm sinh lí tối thiểu của kĩ năng. Đồng thời, tác giả cũng đề ra 5 tiêu chí để đánh giá kĩ năng, đó là: tính đầy đủ của nội dung và cấu trúc, tính hợp lí về logic, mức độ thành thạo, mức độ linh hoạt và hiệu quả của kĩ năng.
 
7. Trần Văn Dũng
Dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kĩ năng
Những năm gần đây trong giáo dục người ta thường đề cập đến thuật ngữ « chuẩn kiến thức kĩ năng » (CKTKN). Vậy CKTKN có ý nghĩa như thế nào, có tác động ra sao đối với chất lượng dạy học? Cần làm gì để sử dụng nó và sử dụng bằng cách nào để đạt hiệu quả tốt? Bài viết góp phần giải đáp những câu hỏi trên thông qua việc trình bày một số ý chính như : sự ra đời và ý nghĩa của CKTKN ; vai trò của CKTKN trong đổi mới dạy học hiện nay ; những yêu cầu của dạy học theo CKTKN.
 
8. Đào Thị Oanh
Một số biện pháp rèn luyện khả năng tổ chức tự học ở nhà của học sinh trung học phổ thông
Trong bài viết, tác giả đề xuất một số biện pháp rèn luyện khả năng tổ chức tự học ở nhà của học sinh trung học phổ thông, đó là: biện pháp rèn luyện " tổ chức bản thân"( như: rèn luyện sức khoẻ; tạo động cơ, làm chủ cảm xúc; khả năng tập trung để tổ chức tự học; cách rèn luyện trí nhớ), biện pháp tổ chức công việc học tập, biện pháp tổ chức môi trường học tập ở nhà.
 
9. Hà Minh Phương
Ý nghĩa và yêu cầu của giao tiếp sư phạm đối với giáo viên hiện nay
Nâng cao năng lực giao tiếp sư phạm (GTSP) của giáo viên là một trong những yếu tố giúp giáo viên nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Bài báo trình bày một số vấn đề về GTSP, như: khái niệm GTSP; ý nghĩa, tầm quan trọng của GTSP; xác định một số lĩnh vực giao tiếp của giáo viên theo yêu cầu đổi mới giáo dục.
 
TRAO ĐỔI
10. Vũ Quốc Phóng
Một số đề xuất về phát triển giáo dục đại học Việt Nam
Trên cơ sở những quan sát thực tế ở các trường ĐH ở Việt Nam, cũng như ở các trường ĐH ở Liên Xô (cũ), Mỹ, CHLB Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước khác, tác giả đề xuất một số biện pháp cụ thể, những “việc cần làm ngay”, mà theo ông, sẽ có tác dụng nhanh làm cho nền giáo dục đại học của đất nước phát triển tốt hơn
 
11. Bùi Hiền
Chương trình và sách giáo khoa ngoại ngữ trong trường phổ thông 
 Ngoại ngữ có vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, vì vậy để công tác giáo dục ngoại ngữ trong trường phổ thông đạt được mục đích đề ra, cần có một chương trình và sách giáo khoa thực sự khoa học, hiệu quả và mang đậm bản sắc Việt Nam.
 
THỰC TIỄN GIÁO DỤC
12. Nguyễn Huy Vị
Phát huy chức năng và nhiệm vụ của mô hình trường cao đẳng cộng đồng và trường đại học địa phương
Tác giả bài viết nhấn mạnh rằng việc phát huy chức năng và nhiệm vụ của các mô hình trường CĐ cộng đồng và trường ĐH địa phương để điều chỉnh hoạt động của hệ thống GDCN ở các địa phương có hiệu quả sẽ là một giải pháp khả thi về cả hai mặt lí luận và thực tiễn cho việc tái cấu trúc hệ thống giáo dục chuyên nghiệp ở các địa phương .
 
13 Nguyễn Bích Liên, Nguyễn Thị Lan Hương
Xây dựng chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho người lớn trong thời gian tới
Bài viết đề cập đến việc xây dựng chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho người lớn trong thời gian tới. Trong bài, tác giả trình bày các vấn đề liên quan đến: Đối tượng học giáo dục thường xuyên; Việc xây dựng chương trình phù hợp với các đối tượng người lớn; Việc xây dựng chường trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho người lớn trong thời gian tới cần dựa trên một số nguyên tắc cơ bản, cụ thể.
 
GIÁO DC NƯỚC NGOÀI
14.Nguyễn Thị Hạnh, Bùi Đức Thiệp
Giáo dục tiểu học ở Cộng hoà nhân dân Trung Hoa
Bài viết giới thiệu về GD tiểu học ở CHND Trung Hoa, với các vấn đề chính như: vị trí của GD tiểu học trong hệ thống GD; nội dung đào tạo; chương trình dạy học; kế hoạch dạy học; tài liệu, sách giáo khoa; kiểm tra đánh giá và; vấn đề đào tạo - bồi dưỡng giáo viên.
 
15.Trần Hậu (Tổng hợp)
Các nước SNG  cần một không gian giáo dục thống nhất
Bài viết trình bày một số vấn đề được đặt ra tại Đại hội giáo viên và cán bộ giáo dục các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập lần thứ nhất, như: cải cách giáo dục; hình thành một không gian giáo dục thống nhất trên lãnh thổ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ; hợp tác biên soạn sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lịch sử…

 

 

Mục lục bằng tiếng Anh